SẮM TINH THẦN THỦ KHO, ĐỂ TỒN TẠI

Cham phiêu lưu sáng tạo. Dù phiêu tới chân trời góc biển nào, Cham vẫn trở về, với Đất. Tinh thần Đất níu Cham ở lại, trụ nơi ngôi NHÀ.

Vụ Dự án Nhà máy Điện hạt nhân, tiếp đến là Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa, tôi nói với quý quan: Các ông bà chớ lo, Trung Cộng có lên đây, Cham sẽ trụ chiến đến sinh linh cuối cùng.

Vậy mà Cham vẫn cứ mất đất, và mất rất… đáng. Hỏi có lạ không?

1. Cham không quen ghi chép hồ sơ, không quen cất tư liệu. Có – nhưng mơ hồ vậy thôi. Cham thiếu tinh thần thủ kho nghiêm trọng.

Về quê ghé anh Mạnh ở Cwah Patih Thành Tín, chuyện liên quan đến đất Pô Riyak nơi Dự án NMĐHN Ninh Thuận-1 vừa được hủy. Sau Rija Nưgar 2015, bà con xuống Vĩnh Trường sớm để phát quang mấy lùm gai chùm-lé nơi [nghe đồn] có hòn đá Linga tượng Pô. Một hồi chẳng thấy chi, bà con mới ‘thỉnh’ hòn đá tạm về cạnh đường mòn cách khu đất cũ vài trăm bước, hành lễ.

Tôi nói:

– Pô Riyak là Cham Awal thì làm gì có ‘linga’ mà tìm.

– À, hén! – Bà con kêu lên.

2. Kể rằng một số người Việt địa phương bảo từng thờ thần Cá Ông nơi này. Có vị nói đinh đóng rằng, mảnh đất đó là của cả họ, chớ riêng gì Cham. Cắc cớ và tréo ngoe thế chứ. Cả mẫu đất bị dân tham lấn ép làm đìa tôm hiện còn chưa đầy sào. Nó là CỦA Cham, cả hơn chục palei đến cúng kiếng mỗi năm, đến con trẻ cũng biết. Nhưng, làm sao cãi? Và lấy gì chứng thực?

Sử liệu – không, chuyện kể – không, hồ sơ cũng không nốt.

Trong khi để chứng thực một vùng [mảnh] đất, cần:

Sử liệu, nghĩa là tài liệu cổ. Ở đây, Pô Riyak không có được đặc ân đó.

Câu chuyện, bởi nếu chỉ biết bám vào sử liệu, ta thành duy sử mất. Thế dân tộc chưa có chữ viết hay thiếu truyền thống chép sử thì sao? Pô Riyak tại đây khuyết chuyện kể của & về mình. Kí ức Cham bị suy tàn!

Hồ sơ, gồm ảnh chụp hay các ghi chép những buổi hành lễ từ mấy chục năm trước, ngay ghi chép mấy năm qua cũng không có, mới lạ.

Ba thứ, Cham thiếu cả ba! Nhưng nó vẫn là của Cham, không ai không biết. Vậy, làm gì? Từ bỏ truyền thống, hay học tập làm khoa học?

3. Bà con kêu đến tôi, nhờ hỗ trợ. Thế là tôi vào cuộc. Sau vài tư liệu riêng photocopy gửi về quê nhà chữa cháy, tôi viết…

– “Việt Nam nhìn từ huyền thoại ít được biết đến”, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3&4-2014; – “Văn học Cham, một cái nhìn toàn cảnh”, tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 9-2015; – “Cần nhìn lịch sử Champa một cách toàn vẹn hơn”, RFA, 26-5-2015; – “Hành hương Po Riyak”, Vanviet.info, 16-4-2016; Boxitvn.net, 17-4-2016; – “Po Riyak – Thần Sóng: Lịch sử, truyền thuyết và tục thờ cúng”, tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 2-2016; – “Tư duy biển lớn làm nên văn hóa biển Cham trong toàn cảnh văn hóa Việt Nam”, tạp chí Văn hóa Nghệ An, Xuân 2017. Và…

Nhưng có bao nhiêu Cham biết đến các tạp chí ‘khoa học’ cao xa ấy. Ta cứ đòi làm ‘khoa học’, ‘khoa học’ mây gió, mà bỏ quên sợi dây dính liền với Đất đen, là phần hồn [văn hóa] nhân dân ‘bhap ilimô’ (chữ dùng của Poh Catôi). Tất cả phải có mặt giữa lòng quần chúng, lăn lóc cùng đời thường Cham. Tôi đăng nó vào đặc san Tagalau 20, nxb Hội Nhà văn, 2016 – là vậy.

Đã đủ chưa?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *