Tinh thần Đất.02. ISLAM, TIN LÀNH & CÂU CHUYỆN CHAM

1. “Trong suốt lịch sử, dấu hiệu đầu tiên cho biết người Do Thái có  bản sắc dân tộc đặc biệt mạnh mẽ chính là việc họ từ chối các vị thần và phong tục tôn giáo của dân tộc từng thống trị họ như người La Mã, và sau đó Kitô giáo và Hồi giáo. Ở nhiều trường hợp khác, các dân tộc chấp nhận tôn giáo, ngôn ngữ, và bản sắc của kẻ cai trị hoặc của người hàng xóm, rốt cục biến mất khỏi lịch sử.

Điều đó chứng tỏ một bản năng yếu kém không có chỗ đứng trong thế giới của quyền lực. Bản sắc tôn giáo-dân tộc kéo dài của người Do Thái mạnh hơn hẳn so với hầu hết dân tộc trên trái đất.”

(Câu Chuyện Do Thái (2015, Đặng Hoàng Xa, NXB Hồng Đức, tr. 25-26)

“Một BẢN NĂNG YẾU KÉM không có chỗ đứng trong thế giới của quyền lực”.

Một câu hỏi rất nền tảng: Suốt dòng lịch sử, Cham bao lần thiên di: Philippines, Hải Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Cambodia. Tại sao mỗi đợt bỏ ĐẤT đi, là Cham BIẾN? Nghĩa là không trở về đất MẸ?

2. Trong khi…

Tôn giáo Ahiêr Awal cực kì bảo thủ [không chấp nhận thần linh khác], và với quan niệm về đất khác lạ [Dar thook padook kiak: Chôn nhau, đặt viên gạch], thế nên dù sống xen cư và cộng cư với người Việt hơn hai thế kỉ, vẫn không bị đồng hóa.

Chính sức mạnh tinh thần nội tại ấy tạo nên MẠCH NGẦM sống dai dẳng qua/ bằng các câu chuyện. Rõ nhất qua nhân vật huyền thoại-lịch sử như Pô Inư Nưgar, Pô Klong Girai, Pô Rômê, Pô Sah Inư.

Tôi đã có nói đâu đó, chỉ cần hiểu tường tận 4 cụm tháp mang tên 4 nhân vật này là có thể nắm bắt được gần như toàn bộ lịch sử, tinh thần văn hóa văn minh Champa, và cả tâm hồn con người Cham.    

Tại sao?

Mỗi Pô Klong Girai thôi, đã có bạt ngàn câu chuyện.

Nếu chỉ nói về ‘chính sử’ Pô Klong Girai thì gần như không có gì nhiều ngoài vài chiến công của ông, với bia kí Patau Tablah và bi kí trên tháp mang tên ông. Cham Pangdurangga thì khác.

Trước tiên là sự tích Ông Pasa Muk Cakling đính với tên làng Chakleng, rồi serie 7 truyện cổ “Cậu bé thông minh”, tiếp tới là Đồi Bbôn Hala và câu chuyện xây tháp cả sự thực lẫn huyền thoại huyền sử 4 Damnưi, Đập Nha Trinh Banơk Chakling cùng trường ca Ariya Pô Klong, 4 lễ trên tháp với các nghi thức và các bài tụng ca khác nhau, vân vân. Tất cả gắn chặt và hòa quyện đến không thể tách rời.

Gần như mỗi sinh linh Cham ít nhiều đều nghe kể một trong những mảnh chuyện ấy. Qua sách vở, từ ông bà, cha mẹ, từ anh chị em bằng hữu. Bằng mắt nhìn, tai nghe. Chúng ẩn sâu nơi tâm khảm Cham, như dòng nước ngầm, lặng chảy. Xuyên thế hệ.

Cham Pangdurangga, hay cụ thể hơn: Cham Ahiêr Awal không yêu Đất, bám Đất – mới lạ.

3. Hôm nay con cháu Cham theo Islam hay Tin Lành có bao giờ được kể về những câu chuyện ‘ngoại vi’ kia không? Chắc chắn là không rồi! Không riêng gì Pô Klong Girai, quan sát ở các nơi có thân quen thâm tình, tôi hiếm khi nghe các vị mục sư hay Hakem giảng về 4 nhân vật lịch sử ấy. Không sai! Bởi cả 4 đều liên quan đến sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng Cham không thể tách rời.

Ngược lại, các cháu Cham Muslim trẻ tuổi, hay tín đồ Tin Lành tương lai chủ yếu nghe về các vị thánh xa xôi, các câu chuyện cùng truyền thuyết không liên quan gì đến đời sống tâm linh Cham hàng ngày, càng không dính dáng gì đến vua chúa hay anh hùng liệt nữ được thần hóa mà người Cham đang thờ phụng, cúng tế.

Các thế hệ này có thể gắn bó với Đất, như các thế hệ sinh linh Cham đã, không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *