KHÁC BIỆT ĐỂ TỒN TẠI.2- KHÁC ISLAM

Islam vào Ấn Độ, lớn dậy và phát triển, tạo xung đột không thể hàn gắn, Ấn Độ cũ bị vỡ đôi: Ấn Độ và Hồi Quốc (1947, Pakistan). Không dừng ở đó, phân hóa tôn giáo, Pakistan tiếp tục bị vỡ, thành Bangladesh (1971). Và…

Thế giới ngoài kia là vậy, chứ Islam đến đất Champa thì… khác!

*

Ấn Độ giáo vào Champa tk IV, và mặc dù sau đó Phật giáo Đại thừa nhập địa và tạo ảnh hưởng lớn, Ấn Độ giáo vẫn là quốc giáo ở vương quốc này.

Mãi tk XIV Islam, xuất hiện từ hai thế kỉ trước đó, mới tạo thế lực cạnh tranh với Cham Ấn giáo. Sau ba thế kỉ xung đột, Cham hóa giải Islam thành Bà-ni, hòa giải với Bà-la-môn (chữ quen gọi) làm thành thứ tôn giáo có một không hai trên thế giới: Tôn giáo Ahiêr Awal!

Dù Champa đã phải trả giá bằng chính sinh mệnh của mình, nhưng đó là bài học lớn nhất mà người Cham cống hiến cho nhân loại hôm nay: Tinh thần hóa giải, hòa giải và bao dung hai ý hệ không đội trời chung.

Về Ấn giáo, khác biệt dễ thấy hơn cả ở Cham Ahiêr, đó là Tứ đẳng cấp (chaturvarna) ở Ấn giáo không còn dấu vết trong sinh hoạt tôn giáo Cham. Cham hiện chỉ phân biệt hai cấp: tu sĩ (paxêh) và dân thường (gahêh). Cả tầng lớp tu sĩ này cùng hòa nhập vào giới bình dân trong nhiều sinh hoạt đời sống. Khác biệt giữa hai cấp chỉ còn được nhận diện qua y phục và một số quy ước nhất định.

Trimurti là Brahma, Visnu và Shiva – Cham mượn từ Ấn Độ và làm khác. Tam linh vị Cham chỉ còn giữ lại hai: Thần Phá hủy và Thần Sáng tạo. Tiếng Cham: Pô Xapalai & Pô Xapajiơng. Cham còn bày thêm:

Pô Xapalai xa-ai Pô Xapajiơng” Thần Phá hủy là anh Thần Sáng tạo.

Rồi chính Pô Xapalai Shiva lại được cách điệu bằng các vị vua trong lịch sử được thần hoá như Pô Klōng Girai, Pô Rômê, Pô Xah Inư…

Cham Awal là: Bini; tên Việt: Bà-ni, còn gọi là ‘Hồi giáo cũ’, để phân biệt với Cham Ahiêr [tên gọi khác là Chăm, Cham Bà-la-môn, Bà Chăm, Cham cuh] và người Cham theo Islam [Cham Asulam].

Các nghi lễ quan trọng có Ramưwan, còn có tên gọi khác: Bbang Muuk Kei là lễ cúng ông bà tổ tiên, tổ chức mỗi năm một lần vào tháng Chín Hồi lịch; Xug yơng: Lễ thứ Sáu xoay vòng. KatatKarơh là biến thái từ lễ Khotan của Islam, dành cho thanh niên dưới 15 tuổi.

Người Cham Bà-ni còn có một số nghi lễ khác thực hiện riêng biệt hoặc phối hợp với cấp Paxêh bên Cham Ahiêr. Đó là các lễ mang tính dân tộc như Rija Nưgar, mang tính nông nghiệp như Palao Paxah, Pakaap Halau Kroong. Ngoài ra cộng đồng này còn tham gia Katê được xem là lễ hội chung cho cả dân tộc. Sự phối giữa hai tôn giáo Cham Ahiêr và Bà-ni còn thể hiện qua sự dâng lễ cúng tế Thaang Mưgiik của người Cham Ahiêr nhân đại lễ Ramưwan.

Khác biệt cơ bản của Cham Awal so với Islam, đó là người Cham Bà-ni đã quên/ làm khác đi 5 cột trụ Islam, ở đó nền tảng của nền tảng chính là người Cham Bà-ni ngoài thờ phượng Allah còn cúng tế các vị thần bên Cham Ấn giáo và cúng ông bà tổ tiên…

(xem thêm, Minh triết Cham, 2016)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *