SỨC MẠNH TINH THẦN NỘI TẠI CỦA VĂN HÓA CHAM

Ở bài “Sức sống của dân tộc Việt”, ông Thiếu Khanh viết hai ý [ngược với ý kiến của nhà văn Đào Hiếu rằng người Việt độc ác] rất đáng bàn. Hai ý dù sai vẫn đủ làm nền cho loạt bài “Cham, tồn tại hay không tồn tại?” tường minh.

Thế nên, xin karun tác giả.

Nguyên văn:

“… sau khi đánh thắng và chiếm được đất nước của chúng, các vua ta chỉ đặt người cai trị về mặt chính quyền, hoặc thường là để họ được tự trị, và KHÔNG HỀ BAO GIỜ CÓ CHỦ TRƯƠNG ĐỒNG HÓA HAY HỦY DIỆT VĂN HÓA CỦA HỌ, như người Tàu đã làm với ta, và KHÔNG HỀ BAO GIỜ CÓ CHỦ TRƯƠNG BUỘC HỌ RỜI BỎ NGÔN NGỮ CỦA DÂN TỘC HỌ ĐỂ ÁP ĐẶT VĂN HÓA NGÔN NGỮ CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM.

Chính vì vậy, dù dân tộc họ chỉ còn là thiểu số nằm lọt thỏm vào giữa đất nước và dân tộc Việt Nam, nhưng họ vẫn còn bảo tồn được ngôn ngữ, phong tục tập quán riêng biệt của họ, thậm chí cả chế độ mẫu hệ của người Chàm. Điều này hoàn toàn không phải là kết quả của sự chống đồng hóa hay sức mạnh tinh thần nào của dân tộc họ như được hiểu lầm. Đó là do họ không phải trải qua chính sách đồng hóa khốc liệt như của người Tàu đối với dân ta. Có thể nói cách khác: ĐÓ LÀ KẾT QUẢ TỪ LÒNG KHOAN DUNG CỦA NGƯỜI VIỆT.”

Minh giải.

 

  1. Không ít lần triều đình Việt ý đồ đồng hóa Cham, nhưng đó là ý đồ ngắn hạn và các triều đại không “nhất quán”. Gần nhất. triều Nguyễn Minh Mạng, và Ngô Đình Diệm.

Không cần nhiều sử liệu, thời ông ngoại tôi (Phú Bô, sinh 1898, thầy cao đạo và là tác giả một trường ca khá nổi tiếng) với thời Minh Mạng cách nhau không bao xa, kí ức Cham mồn một. Sự kiện còn được kể đến tận thế hệ tôi.

Riêng thời Ngô Đình Diệm, tuối trẻ tôi cũng đã “chứng kiến” sự cố ấy.

Dẫu sao cả hai đều diễn ra “ngắn hạn”, thế nên ta không biết Cham sẽ thế nào nếu chủ trương ấy kéo dài.

 

  1. Cham có sức mạnh tinh thần nội tại của văn hóa rất khó đồng hóa (đây là ý của Inrasara trong Văn học Cham khái luận, 1994), là điều không thể chối.

Không riêng gì Cham ở lại Việt Nam, ngay khi lưu lạc Malaysia, Thailand, Cambodia, Hainan, Philippines, vân vân, sau ngàn năm Cham vẫn tồn tại, và lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc.

 

Ở Việt Nam, ba bằng chứng nhỏ:

Mẫu hệ, trong lịch sử Champa, quý ông Cham vài bận nổi dậy đòi lật đổ chế độ gia đình này vẫn không đặng, huống hồ.

Akhar thrah chẳng hạn, dù không tổ chức dạy chữ có trường ốc, chỉ cần ông dạy cháu, cha dạy con, thầy truyền cho trò, vậy mà sau trăm năm mất nước, không có đàn ông Cham mù chữ, mới… chết! Trong khi năm 1945, thời điểm Việt Nam giành được độc lập, 95% dân Việt mù chữ”.

Cấm, Cham dạy lén. Càng cấm Cham càng dạy dữ. Vụ này tôi đã nói nhiều lần, xin miễn lặp lại.

Về ngôn ngữ, hai ông Cham giữa nhóm người toàn Việt, họ nói tiếng Cham với nhau, chứ xài tiếng không phải ngôn ngữ mẹ đẻ, ngượng không thể chịu nổi. Còn anh chị em Tày tôi mấy lần chứng kiến, ngược lại: tiếng Việt.

 

Thế thôi, không kêu là “sức mạnh tinh thần nội tại của văn hóa Cham” thì còn gọi bằng cụm từ nào nữa cho đúng, hả Bà Trời?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *