Phát biểu ngắn tại Đại hội Phân hội Văn học Ninh Thuận, 29-7-2019
Văn học: Từ chính sách đến tổ chức, từ quản lí cho đến hoạt động, đích cuối nó nhắm đến, vẫn là tác phẩm. Chính xác hơn, chất lượng của tác phẩm.
Xin phép Đại hội cho tôi đề cập đến hai điểm.
Thứ nhất, là tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận.
Mươi năm trước, nhà văn Xuân Thông hỏi tôi: Xin hỏi thiệt. Sara có đọc tạp chỉ mình không? Tôi nói, tôi là nhà phê bình, tôi không thể không theo dõi toàn cảnh phát triển văn học tiếng Việt; tôi thích cái lạ, ở đó sáng tác tỉnh lẻ là một; hơn thế khi tỉnh lẻ đó lại là tỉnh nhà.
Đó là tình thật, và nói thật. Tình thật, bởi đa số sinh linh khi thoát khỏi lồng nhỏ hẹp và thành danh, ít khi ngoái nhìn lại. Ngoái nhìn nếu có, là do tình cảm, tôi thì khác – vì nghệ thuật của người quê nhà.
Qua quan hệ, tôi biết tiềm năng của họ, tôi kì vọng, rồi hơi thất vọng, rõ nhất ở tạp chí văn nghệ. Cả sau khi có tổng biên tập mới, dường rất ít thay đổi. Thử hỏi, một học sinh cấp III cầm trên tay tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận, sẽ có gì? Rất ít! Bởi thế giới đã là làng toàn cầu, nhiều cái khác hiện ra trước mắt họ, hay hơn, thú vị hơn. Lẽ nào mãi mãi ở trong tình trạng Văn nghệ Đồng Nai bài ai nấy đọc sao?
Ninh Thuận nẩy sinh nhiều đứa con tài năng. Thế hệ trước tôi, họ thuộc top đầu, nếu không muốn nói là số một. Tôi đã đề cập một lần rồi, chỉ xin điểm lại: Nguyễn Đức Sơn, Đỗ Quang Em, Chế Linh, Từ Công Phụng, Nguyễn Ánh 9, vân vân.
Bỏ qua thế hệ tôi, sau 75, có đến chục đứa con Ninh Thuận thể hiện rõ văn tài ngay khi xuất hiện. Tại sao chỉ có ba trụ lại quê hương: Lê Hưng Tiến, Kim Hòa, Khánh Liên; còn lại họ bay đâu mất? Và nhất là, tại sao họ một đi không trở lại?
Tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận có thư mời họ cộng tác không? Thử đặt giả thiết, nếu những Nguyễn Vĩnh Nguyên, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Jalau Anưk, Thục Linh, Kiều Maily, Lưu Mêlan nhập cuộc, tạp chí tỉnh nhà sẽ chuyển mình thế nào?
Đó là “một lực lượng hùng hậu”, nếu ta muốn dùng từ này.
Tại sao ta không tham vọng sánh ngang, hay vượt mặt Sông Hương, Cửa Việt, Đất Quảng?
Ngay hội trường này, Lê Hưng Tiến không có mặt là điều lạ. Tiến ở phân hội Âm nhạc, ta nói thế. Nhưng nhà thơ này là một trong ba hội viện Hội Nhà văn Việt Nam ở tỉnh nhà, nghĩa là của hiếm. Ta không gom vào, mà lại đẩy ra, là sao?
Về sinh hoạt chuyên môn nữa. Đừng vội nói chuyện hội thảo hao tốn tiền dân, ngay tổ chức bàn tròn văn học thôi, ta cũng chưa. Kim Hòa được giải nhất tạp chí Văn nghệ Quân đội, ta có thử làm bàn tròn về nó chưa? Để xem nó hay thế nào, độc đáo đến đâu? Ta in 40 năm Thơ Ninh Thuận, in rồi phát tặng, và chìm. Tại sao ta không làm bàn tròn văn chương về tổng tập của non nửa thế kỉ thơ kia, để biết nó đứng ở đâu trong tiến trình thơ Việt đương đại?
Vẫn là những câu hỏi bỏ ngõ…