NGƯỜI CHAM VÀ ĐIỆN HẠT NHÂN & INRASARA Ở ĐÂU?

MÀO ĐẦU.
Một bạn FB comment: “Thiển nghĩ, việc ngưng xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một chuỗi vấn đề mà sự phản đối của trí thức người Chăm chỉ là một mắc xích trong đó. Đó chưa phải là lý do tiên quyết đâu! Xin dùng sự sáng suốt mà nhìn nhận vấn đề một cách bao quát hơn.”
Tôi trả lời, và bạn đã nhận lỗi. Dẫu sao, có thể đâu đó vài sinh linh cũng nghĩ hệt, nên xin đăng bài này, làm tin.

*
NGƯỜI CHAM VÀ ĐIỆN HẠT NHÂN
– Dự án Nhà máy Điện hạt nhân ngưng, có phải do áp lực từ các cuộc đấu tranh? [đây là câu hỏi được nhiều thính giả đặt ra nhất.]
Dự án ngưng, theo báo chí, do Điện hạt nhân không thể cạnh tranh với nguồn điện năng khác, hoàn toàn không chữ nào đề cập đến phong trào phản đối cả.

– Việc ngưng Dự án có phải do tác động từ việc phản đối của cộng đồng Cham không? [Naoko Sato, nữ phóng viên báo The Tokyo Simbun]
Chuyện đó tôi không chắc. Xin lược qua “lộ trình” xíu để hiểu sự vụ:
Cuối năm 2007, đại diện Dự án từ Hà Nội bay vào Sài Gòn gặp tôi. Có lẽ để gây ấn tượng ban đầu, anh nói: “Trước khi lên máy bay, tôi mua cuốn Văn hóa – Xã hội Cham, Nghiên cứu & Đối thoại của anh. Chắc chắn người Cham đầu tiên tôi muốn gặp là anh; người Cham duy nhất tôi muốn gặp cũng là anh”.
Là cơ duyên, bởi tôi cũng rất muốn gặp người của Chính phủ. Ngồi cả buối, và vài cuộc sau đó, chúng tôi trao đổi nhiều.
Tháng 10-2008, tối Patrip mẹ, theo đề nghị của anh, tôi mời khoảng 20 trí thức Cham từ nhiều làng đến. Anh Lưu Lực hỏi:
– Nếu Cham chúng tôi không chịu thì sao?
– Chúng tôi nói sao cho bà con biết lợi ích của ĐHN mà đồng ý.
Tôi đoán ngay là trên đã “quyết”.
Ngày 25-11-2009, 382 đại biểu Quốc hội (tỷ lệ 77.48%) biểu quyết thuận. Ngày 11-3-2011, thảm họa Hạt nhân Fukushima khiến Cham hoảng lên, trong khi người đại diện cho họ ở Quốc hội, bà Đàng Thị Mỹ Hương trả lời VnExpress (26-3-2011): “Thực lòng, tôi chưa nắm bắt được thông tin cụ thể về Dự án này”.
Ngày 10-3-2012, tôi là sinh linh Cham đầu tiên lên tiếng, bằng trả lời phỏng vấn BBC, sau đó mở thảo luận trên web Inrasara.com. Tiếp đến là bài viết của Đồng Chuông Tử, Chay Mala, Paka Jatrang. Trà Vigia, Palei Krong, Lưu Văn, Chay Dalim. Và nhiều người nữa tham gia comment dài.

Tiểu kết. Hiểu rằng, nếu thế giới phản đối, nếu nhân dân Việt Nam phản đối, nếu mọi mọi phản đối mà Cham với tư cách là dân địa phương im re, thì sự vụ chả nghĩa lí gì cả. Cham không tác động gì lớn, mà chỉ như GIỌT NƯỚC làm tràn cái li đã đầy.

INRASARA Ở ĐÂU?
Lên tiếng và bị vô số áp lực mà vẫn tiếp tục, vậy đâu là động lực của ông? Xin hỏi thật, Inrasara có sợ không? [Aihara, nữ phóng viên].
Con người có ba thứ tham: Tiền, tiếng và tình. Về tiếng, tôi đã trưởng thành đủ để miễn nhiễm món này. Về khoản tham tiền, vốn là nhà văn nghèo, tôi không còn chỗ để nghèo hơn. Tham tình ư, biết bà con Cham đứng sau lưng mình cũng đủ. Chuyện hơi vui: Có ba sinh linh Cham viết rằng mỗi lần lên tháp Chàm họ đều cầu Pô Yang cho cei Sara sống…dai!
Dẫu sao sinh mạng mình, sợ quá đi chứ! Nhưng khi tâm ta thành, khi ta bất bạo đông [cả ngôn ngữ cũng không], và khi ta nói không phải cho mình mà cho chung, thì ta tin không ai có thể hại [nổi] mình cả.
Tôi đứng ở đâu trong phản biện Dự án Nhà máy Điện hạt nhân? Khác đi, tôi đã làm gì?
Viết tiểu luận và trả lời phỏng vấn trên các báo trong và ngoài nước; mở hai cuộc thảo luận trên website cá nhân, để cộng đồng Cham và ngoài Cham hiểu và bàn về điện hạt nhân; là người Cham đầu tiên kí tên phản đối vào Kháng thư; hướng dẫn đoàn các nơi đến tham quan khu vực Dự án; sáng tác tiểu thuyết và thơ về chủ đề điện hạt nhân; cuối cùng, tôi là cầu nối giữa cộng đồng Cham, chính quyền & thế giới ngoài Cham: trí thức trong và ngoài nước… để phân tích thấu đáo vấn đề.

Có thể nói tôi là SỨ GIẢ đưa các bên gần nhau và hiểu biết lẫn nhau, qua đó mong tìm được tiếng nói chung.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *