Kì 4. AKHAR THRAH & TIẾNG CHAM, LÀM SAO TRÁNH ĐỒNG HÓA?

Nói thêm về trung tố [N]. Trung tố là một cách cấu tạo từ tiếng Cham, biến động từ thành danh từ: Bơk: đắp – banơk: đập; Dih: cấy – danih: mạ.

Ta chỉ cần đặt câu hỏi: Làm… thành gì: Đắp thành con đập, làm… bằng gì: Cấy bằng/ với mạ, là đúng.

Trong cuốn Ngữ Pháp Tiếng Cham, Moussay kê được 19 từ có cấu trúc này, riêng tôi tìm ra 32 từ nữa. Trung tố giúp ta xác minh chính tả tiếng Cham. Ví dụ:

Ciak: “xắt” thành Caniak: “miếng”, tiền trọng âm của từ này phải là CA, chứ không thể khác. Juk: “cậy” làm Januk: “ông/ bà mai”. Từ này nhiều palei nói: Janhuk thì hơi trật; chỉ mỗi palei Pabblāp nói đúng: Januk.

Trung tố còn làm phong phú vốn từ vựng. Ví dụ trong thuật ngữ bóng đá có “vòng” mà tiếng Cham chưa có, vậy tại sao ta không thử dùng cấu trúc trung tố? Yơng: “đi vòng” thành Yanơng: “vòng”. Vòng hai: Yanơng dwa.

*

Nhưng đây thuộc phạm trù ngôn ngữ học cấp cao rồi. Không khéo ta lại lạc đề sang chuyên môn sâu tạo rắc rối thêm, trong khi tôi muốn nhấn về “làm thế nào để không bị đồng hóa về ngôn ngữ?” Câu hỏi cụ thể ở đây: Làm sao sinh linh Cham nói tiếng mẹ đẻ mà không phải độn tiếng Việt hay ngôn ngữ nào khác?

3 điểm cốt yếu, đó là:

 

1- Yếu tố đầu tiên: Yêu thương và không xấu hổ, sau đó mới tới quyết tâm. Ở đây tôi xin nhấn về TIẾNG NÓI, chứ không phải chữ viết.

Ý thức: Anh Luu Van Phu làm livestream là hay, ở đây nếu anh chú ý tránh “độn” những từ thông dụng có thể tránh được, thì tốt hơn nữa.

 

2- Sách công cụ là Từ điển và Tự học tiếng Cham. Phần này Cham không thiếu, thừa nữa là khác, đến nỗi thầy Jay Scarborough rất ngạc nhiên: Tại sao Cham soạn từ điển nhiều thế! Không cần phải là từ điển lớn, dày, mà chỉ cần 4.650 Từ Việt Cham thông dụng, là đủ. Anh Ysa Cosiem kê nhiều thì vui, nhưng ở thực tế để nói thuần Cham thì không cần thiết lắm.

[Chuyện Cham chú ý đến Akhar thrah và Từ điển, rất dễ hiểu. Xưa nay Cham đồng hóa Akhar = tri thức, nắm được Akhar thrah là nắm tri thức; Cham mê tín chữ đến nỗi khó tìm người mù chữ trong xã hội Cham thuở 1960 trở về trước. Hay và dở đều từ đó mà ra.]

 

3- Nói và viết:

Nói trong gia đình, với cha mẹ, con cái, với bạn bè… khi sai hay độn thì nhắc nhau.

Viết: Không cần phải chuyển tự [theo Đại học, Nhóm Cham Malaysia…] mà chỉ cần ghi đúng âm ta đang phát, là tốt rồi, nếu có sai thì chuẩn lại sau.

Ở đây có ba cách phát âm chính: Cham Pangdurangga, Cham An Giang và Cham hải ngoại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *