Chữ & Nghĩa-15. CÒN AI KHÓC CHO GLANG ANAK KHÔNG?

Chỉ còn anh đứng khóc

dũng cảm và cô độc một kì quan

(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

 

Trích Văn học Cham khái luận (1994):

Glang Anak mở ra cho sinh linh Cham, trong đêm tối đen mò của thời cuộc, trước không khí ngột ngạt của lịch sử, một sinh lộ khiêm tốn nhưng thiết thực, tia sáng yếu ớt của niềm hi vọng.

 

Tất cả đã sụp đổ, tất cả bị đảo lộn. Mọi cánh cửa đã đóng kín (di graup tapiên ra pawang), không còn mảnh đất nào dung chứa ta (halei nưgar drei khing nao: xứ sở nào ta đi).

Khi cây đạo đức đã trụi lá, khi tâm thiện chí mất đất đứng, khi bóng tối lan tràn và tất cả chìm dưới đáy tuyệt vọng, một giọng nói chân thành và đầm ấm vang lên – khiêm cung nhưng dứt khoát, một bàn tay cứng cáp và nồng ấm đưa ra trong cơn hoảng loạn chung!

Không oán trách số phận (kaywa duix mưng halei piơh wơk ka ita: tội lỗi từ đâu dành lại cho ta), cũng chớ nuôi hi vọng hão để phải hành động thiếu suy xét nữa. Hãy bình tâm, bàn tay trong bàn tay, hãy nhìn vào mắt nhau để nhận rõ mặt nhau, hãy cầm lấy cây cuốc, cái cày đi xây lại từ những đổ nát, “một nơi cư trú nhỏ bé mới, có lại những hi vọng nhỏ bé mới. Bây giờ không có còn đường nào bằng phẳng để dẫn tới tương lai. Chúng ta phải đi vòng quanh hay bò qua các trở ngại… Chúng ta phải sống, thây kệ bao nhiêu bầu trời đã sụp” (D.H. Lawrence).

 

Ưu tư đầu tiên và cuối cùng của Glang Anak là sự tồn tại của con người. “Một cuộc sống không là gì cả. Một cuộc sống là tất cả” (Albert Camus). Cham cần có mặt, không phải có mặt trong nỗi ấm ức của căm thù, càng không phải tồn tại trong sự cô đơn hãnh tiến.

Glang Anak dạy ta đức khiêm tốn. Như ngọn cỏ chịu cúi rạp mình trong đêm tối cuồng phong để vươn dậy vào ngày mai trong nắng. Đó là bức thông điệp Glang Anak gửi cho ta, thông điệp của người từng suy tư và đau khổ, sống và yêu thương. Nhưng cô đơn, vô cùng cô đơn.

 

Ngay câu đầu tiên, cô đơn đã có mặt:

Glang Anak linhe likuk jang ô hu: Nhìn trước ngó sau chẳng thấy ai người…

và chưa bao giờ vắng mặt suốt trang thơ:

Dōk tha drei tha jan di krưh hanrai: Ngồi một thân một mình giữa cồn cát cù lao

Không chỉ là cô đơn của con dân mất nước bị cô lập giữa phường giá áo túi cơm. Cô đơn chạm đến phận người đang đối mặt với định mệnh… “Chúng ta là nỗi cô đơn”, – R.M. Rilke. Cô đơn đến chầm chậm, to lớn dần, để cuối cùng òa đến và vỡ ra thành một tiếng kêu thất thanh làm lạnh cả bầu trời:

Êu padong di krưh mưlam ngan harei: Kêu cứu giữa trưa ngày hay giữa đêm sâu

Chỉ có tu sĩ Bà-la-môn thường xuyên nội quán mới giáp mặt được với cái cô đơn này khi đi xuống đáy đau khổ của kiếp người.

Đây không còn là nghệ thuật nữa mà là nỗi người dàn trải ra trang giấy. Nói như Henri Miller: “Đây không phải là một quyển sách. Đụng đến nó, tức bạn đụng đến con người”. Khi không còn nhánh cỏ nào cho niềm hi vọng bấu víu, khối người đã bỏ đi (không thể trách), ông Glang Anak đã ở lại. Ở lại trong lòng hoang lạnh của quê hương, cưu mang dân tộc trong lòng mình…

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *