Chữ & Nghĩa-13. ĐỐT NĂNG LƯỢNG THỪA [

“Trăm con suối đổ xuôi

trăm dòng suối cao xa những tưởng hợp thành sông cả

mãi lo ưỡn ngực làm cao mỗi con suối xanh tự đi tiêu tán ở lưng đồi.”

(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

 

Câu chuyện

Con người được Bà Trời ban tặng thừa thãi năng lượng, cả đời xài không hết. Thặng dư, con người tìm cách đốt nó: Rượu bia tán gẫu hay chat chit, có; vận động thân thể hoặc hoạt động xã hội, có; lao vào cuộc chơi thâu đêm suốt sáng cũng không chừa. Đủ kiểu, đủ bài.

Chơi, đốt năng lượng đa phần vô tội vạ. Thế nên, nhiều cuộc chơi sớm đứt bóng, và nhất là không mang lại “phala” [phúc] cho bản thân hay nhân quần. Trong khi ta có đủ đầu, mình và tứ chi với trí thông minh dẫu cao thấp khác nhau, nhưng vẫn khá sòng phẳng.

Vấn đề là ta xài nó thế nào?

 

Thuở Ban Biên soạn sách chữ Chăm, sau giờ làm việc, các bác hứng thú với bàn cờ tướng – các bác vui, tôi cầm lấy cuốn sách – tôi vui. Vào Sài Gòn, túi rủng rỉnh, bạn văn hú chiến hữu gầy độ – bạn vui; tôi cất nó về quê cho các mẹ liễng trầu, các cháu tập vở làm quà – tôi vui. Tôi chả đạo đức gì ráo, tôi chỉ “sợ khổ” thôi. Bởi với tôi, ngồi nhậu mấy giờ liền để nghe nhậu sĩ tán, không gì khổ bằng.

Vẫn là vui, chỉ khác nhau cái… đầu.

 

3 điển hình tiên tiến.

A: Gia đình giàu + trí thức + học giỏi;

B: Gia đình giàu + nông dân + học giỏi;

C: Gia đình nghèo + nông dân + học giỏi.

Cả ba cùng giỏi văn, có chung xuất phát điểm, tại sao có đứa thành có kẻ không, hay bại? Câu hỏi: Bạn có thực sự yêu văn chương không? Có đặt ra mục tiêu cụ thể không? Biết tưởng tượng để vẽ nó nên hình nên tướng hay không?

Và nhất là, có thực sự bắt đầu không?

 

Bắt đầu từ hành vi ngồi vào bàn, viết con chữ đầu tiên, câu đầu tiên. Hãy viết cuốn sách bạn đang viết, và chỉ có nó. Có thể cà-phê hay bát phố, song hãy coi đó là cách nghỉ ngơi. Có thể trồng rau hay câu cá, nhưng đầu óc luôn hướng về công việc chính: VIẾT.

Bỏ dở nửa chừng tạo cho ta thói quen cực xấu: lần lữa.

Chuyện vui. Mùa hè năm 2002, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Trại Sáng tác ở Vũng Tàu, quy tụ mười tám nhà văn từ khắp tỉnh thành. Mọi người gặp nhau giao lưu là chính. Tôi với Nguyễn Quang Hà thách vui: anh tiểu thuyết, tôi tập thơ. Và phải hoàn thành trước đóng trại. Cuối cùng, như thần: Lễ Tẩy trần tháng Tư được viết dòng cuối tại đó. Hai ngày còn lại, anh em tôi tự thưởng bằng trận vui đáo để.

 

*

Cham là dân tộc ham chơi, làm chơi, làm để chơi. Thời ruộng một vụ ăn nước trời, mùa gặt bà con chở lúa bó lên đám ruộng gò dùng làm sân đạp, chất hàng đống theo hình vòng cung đầy mĩ thuật, vừa tránh mưa cuối năm vừa che rét bấc. Rồi chia đội đá bóng, đốt lửa hát hò đến cả tuần mới lục tục xổ đống lúa ra đạp. Ham chơi thì tài năng văn học nghệ thuật dễ nẩy mầm.

Hiện tượng Mưdôn Jiaw – nghệ sĩ hát vãi chài pôic jal, Mưdôn Tìm – nghệ nhân chơi trống ginang kì tài hay Jaya Mưyut Cam – thi sĩ một bài thơ “Thu-ôn bhum Cham” không là hiếm. Và chỉ có thế. Đất, nắng, gió Phan Rang không ưu ái họ. Chính họ cũng không biết tự nuôi sống. Cây nghệ thuật bắt đầu bằng những nụ hoa ham chơi kinh qua bao cuộc tinh luyện nhựa ham làm mới kết trái chín muồi ở cuối vụ thu hoạch.

Tôi nói với các bạn trẻ Cham cần cho rớt lại sau lưng thứ phức cảm tự ti-tự tôn đi; cần hơn nữa là phải vứt bỏ đi gánh nặng kiêu hãnh hão về quá khứ. Ông bà ta đã có sự nghiệp to lớn, và các bạn hôm nay cũng cần có công trình mới của chính mình.

(Văn hóa – Xã hội Cham, nghiên cứu & đối thoại, 2011)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *