Chữ & Nghĩa-11. HUYỀN NGHĨA ĐAU ĐỚN CỦA THẤT BẠI

Sự thất bại không là gì cả

Khi con muốn khai phá con đường riêng con

Mặc thành công dễ dãi của kẻ đi theo lối mòn thiên hạ.

(Sinh nhật cây xương rồng, 1997)

 Câu chuyện.

Ông Glang Anak đã không vượt biên. Như bao sinh linh Cham khác, ông cũng bỏ đi, được nửa chừng ông quay trở lại. Chấp nhận sự tủi nhục của con dân mất nước, nhận phận kẻ cùng khổ, để được sống giữa lòng dân tộc. Cưu mang dân tộc vào lòng mình.

Để làm gì? – Cứu sống cả một dân tộc!

Nhưng rồi, sau non 200 năm lầm lụi, hôm nay các sinh linh sống sót và khôn lớn đó làm gì? – Không ít kẻ rời bỏ ông, phản bội sự hi sinh trời biển của ông.

Ông trở về với nỗi cô đơn thăm thẳm của một trí thức, như định mệnh ông buộc phải thế. Buồn không? Có giọt nước mắt nào nhỏ xuống trên trang thơ mỏng manh kia không?

Hiểu mệnh, và yêu mệnh. Không thể khác.

 

*

“Tôi là Cham sinh ra tại Chakleng trong đất nước Việt Nam cư lưu bập bênh giữa hai thế kỉ XX và thế kỉ XXI. Phí lãng cả tuổi thanh xuân cứu sống văn chương Cham, nghiên cứu, xuất bản và ban phát; dù biết chắc chắn nó sẽ tan biến ở một tương lai mơ hồ nào đó của dằng dặc thời gian, nhưng tôi vẫn hết mình. Và yêu mệnh với hành động kia.

Đó là ý nghĩa của vô nghĩa, huyền nghĩa của tự do – yêu thương – và chăm sóc. Ý đồ khai thác trục lợi [và danh] không có đất sống ở đây. Hành động đó càng không liên can gì đến việc gánh trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.”

(Minh triết Cham, 2015)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *