LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN VỀ THƠ CHAM ĐƯƠNG ĐẠI

Trần Hoài Nam: BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA CHĂM TRONG THƠ CHĂM ĐƯƠNG ĐẠI, Hà Nội 2017

[trích ý chính]

  1. Lí do chọn đề tài

Hiện nay, cộng đồng Chăm có hơn 100 nhà thơ chuyên nghiệp và không chuyên. Đó là: Inrasara, Tuệ Nguyên, Kiều Maily, Trà Ma Hani, Trà Vigia, Trần Wũ Khang, Jalau Anưk, Bá Minh Trí, Chế Mỹ Lan, Diễm Sơn, Huyền Hoa, Jalau, Kahat, Quỳnh Chi, Sonputra, Trầm Ngọc Lan, Đồng Chuông Tử, Cahya Mưlơng, Jaya Hamu Tanran, Jaya Yut Cam, Bá Minh Trí, Phú Đạm, Phutra Noroya… làm nên sức sống mạnh mẽ của thơ Chăm hiện đại, sống rải rác ở miền Trung với nhiều tác phẩm có chất lượng.

Đáng tiếc trên văn đàn, người ta gần như chỉ biết đến Inrasara – hàng trăm bài báo, hàng chục chương trình vô tuyến truyền hình, hàng chục luận văn thạc sĩ, khóa luận, báo cáo khoa học của học viên, sinh viên các trường ĐH có tiếng trong cả nước.

 

  1. Khảo sát và điểm nhấn

Khảo sát những sáng tác (bao gồm 498 bài thơ) của những nhà thơ đương đại người Chăm tiêu biểu được biên soạn trên sách báo giấy và các trang mạng đáng tin cậy trong khoảng hai mươi năm trở lại đây. Trong đó, thơ Inrasara chiếm số lượng lớn. Bởi vì, Inrasara là nhà thơ đương đại tiên phong, được coi là đại diện tiêu biểu nhất của thơ Chăm đương đại với số lượng và chất lượng thơ đều chiếm ưu thế so với phần còn lại.

 

Thi sĩ Chăm đương đại mượn cây xương rồng để nói về phẩm cách và đặc tính của dân tộc mình: đẹp, lặng lẽ, kiên trì, tràn ngập niềm tin, niềm lạc quan về tương lai. Những “chân dung cát” trong hai bộ tiểu thuyết của Inrasara mang đầy đủ những đặc điểm ấy: vẻ đẹp Chăm truyền thống, nguyên bản thuần khiết, phồn thực, và hấp dẫn. Nhà thơ Inrasara hay nhắc tới xương rồng, một loài cây gai góc nhưng có sức sống mãnh liệt trên quê hương ông. Cây xương rồng cũng là biểu trưng cho ý chí mạnh mẽ cùng khả năng tự vệ của con người trước những gian nguy, cạm bẫy của đời sống.

 

  1. Tiêu biểu

Xin nói đôi lời về con người thật – nhà thơ, nhà phê bình, nhà nghiên cứu Inrasara trong thơ Chăm đương đại như thêm một minh chứng về những đặc trưng mang tính biểu tượng về vẻ đẹp con người Chăm. Ở đây, cái thật của hiện thực đã hòa trộn với hình tượng thơ ca.

Với Bá Minh Trí, Inrasara hội tụ cả vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Chăm và cả tinh thần, tâm hồn Chăm (…). Phải tiếp xúc nhiều với Inrasara, phải hiểu Inrasara, phải đọc thơ và nghiên cứu kĩ các công trình của Inrasara, Bá Minh Trí mới khắc họa được bức chân dung thể chất và tinh thần Inrasara đầy đủ đến thế.

Kiều Maily coi Inrasara như một mốc lịch sử của Xứ Chăm – người làm sống dậy cả một nền văn hóa Chăm, cũng là một mốc của cuộc đời nhà thơ nữ: Khi Muk Xit làm vũ nữ Apsara tung hoành sân khấu khắp palei Phan Rang, Phan Rí/ tôi hãy còn trong bụng mẹ/ Khi thi sĩ Inrasara cho ra đời Tháp nắng/ tôi đang ngồi ghế năm cuối Tiểu học trường làng

Diễm Sơn thấu hiểu và đồng cảm với khát vọng của Inrasara…

Inrasara cảm hóa con người Chăm và khơi dậy hồn thơ của họ:

Quỳnh Chi: Lần đầu tôi gặp anh/ Ngập ngừng trong đôi phút/ Vui vỡ òa trong mắt/ Hồn thơ như hồi sinh/ Mặc phũ phàng sóng gió/ Dẫu bao điều trái ngang/ Quán văn anh tập hội/ Tagalau sáng bừng/ Tim tôi rực lửa hồng/ Cháy bùng lên khát vọng/ Thơ anh làm mênh mông/ Đẩy thơ tôi dậy sóng!

 

Kết

Thơ Chăm đương đại dày đặc những biểu tượng văn hóa khác nhau. Biểu tượng Chăm trong thơ Chăm đương đại là một hệ thống phong phú, có nhiều lớp nghĩa trong phần nội dung của nó. Biểu tượng văn hóa Chăm trong thơ Chăm đương đại có hai phương diện chính là phản ánh hiện thực và nội dung ý nghĩa luôn đan cài với nhau: Đó là phương diện đời sống sinh hoạt xã hội và phương diện tín ngưỡng tôn giáo (Sự phân chia của chúng tôi chỉ mang tính tương đối, dựa trên cơ sở một trong hai đặc tính mạnh hơn của biểu tượng, nhóm biểu tượng hay hệ thống biểu tượng).

Tìm hiểu hệ thống Biểu tượng văn hóa truyền thống trong thơ Chăm đương đại bao gồm các biểu tượng về văn hóa tín ngưỡng như: biểu tượng Tháp Chàm, biểu tượng lễ hội, biểu tượng tinh thần Mẫu Chăm (Biểu tượng vũ nữ Apsara; biểu tượng sông nước, biểu tượng Thánh địa Mỹ Sơn), biểu tượng chữ viết Chăm…

Tháp Chàm là biểu tượng vật thể tiêu biểu của văn hóa tín ngưỡng Chăm được khai thác dưới ba góc độ: Tháp Chămpa Biểu tượng linh thiêng và huyền bí; Tháp Chămpa còn là Chứng nhân của lịch sửTháp Chămpa – biểu tượng cái đẹp. Tháp Chàm kết tinh trong mình mọi tinh hoa vật thể và phi vật thể của văn minh Chăm.

Lễ hội Chăm có nhiều nét độc đáo riêng. Trong đó, Katê là mùa của khát khao luyến ái, khát khao sum vầy. Katê đánh thức thức tình yêu, Katê là cơn cớ để tưởng nhớ – giải bày – khẳng định tình yêu bền bỉ. Lễ hội Ramưwan  thể hiện ý nguyện tưởng nhớ tổ tiên, cầu cúng gia đạo bình yên, xóm làng thanh tịnh, ấm yên của đồng bào người Chăm. Nó là dịp đoàn tụ. Còn lễ tẩy trần tháng tư thấm đẫm màu sắc tâm linh, mang khát vọng tìm kiếm một nội tâm trong sạch.

Tinh thần mẫu là một vấn đề quan trọng trong minh triết Chăm. Nhóm biểu tượng về tinh thần Mẫu Chăm bao gồm: Dòng sông là biểu tượng cho sự sinh dưỡng. Mương Đực – Mương Cái là biểu tượng cho tinh thần nữ quyền thời nay. Biểu tượng thánh địa Mỹ Sơn mang tính mẫu luôn mở rộng vòng tay ôm ấp, đón chào những đứa con Chăm trở về. Tiêu biểu nhất cho tính nữ, cụ thể hơn là tính mẫu trong văn hóa Chăm cũng như thi ca Chăm đương đại là biểu tượng vũ nữ Apsara với  vũ điệu uyển chuyển, mượt mà, những đường cong tuyệt mỹ mà tạo hóa đã ban tặng cho phái đẹp là biểu tượng của cái đẹp thuần khiết, đầy tính biểu cảm..

Chữ viết Chăm biểu tượng của niềm tự hào, tự tôn dân tộc Chăm. Qua hệ thống biểu tượng này, chúng ta cảm nhận được tấm lòng của những đứa con Chăm với ngôn ngữ quê hương, ngôn ngữ dân tộc mình.

Tìm hiểu hệ thống Biểu tượng có tính cách tân trong thơ Chăm đương đại giúp ta có một cái nhìn xuyên suốt về dân tộc Chăm trên nhiều phương diện từ thiên nhiên, đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán, văn hóa và con người Chăm. Qua đó, luận án nhấn mạnh vào một số điểm chính như sau:

Ở hệ thống biểu tượng về thiên nhiên Chăm, chúng tôi chọn hình tượng cây xương rồng và dòng sông như những biểu tượng mang tính chất tiêu biểu cho thiên nhiên Chăm được thể hiện trong thi ca Chăm đương đại. Cây xương rồng là biểu tượng cho sức sống tiềm tàng  của người Chăm, biểu tượng cho quê hương Chăm. Nó còn là biểu tượng của sự độ trì, soi dẫn và tiêu điểm nhận đường cho người Chăm, có vị trí không thể thay thế trong đời sống, văn hóa. Còn dòng sông lại là biểu tượng cho sự luân chuyển, vần vũ của dòng đời. Đồng thời, dòng sông còn là biểu tượng cho sự sinh dưỡng.

Ở hệ thống biểu tượng nhân sinh trong thơ Chăm đương đại, luận án chủ yếu trình bày hệ thống biểu tượng palei (làng) và phố. Xét về giá trị tinh thần, biểu tượng palei có thể coi như biểu tượng quê hương Chăm. Đó là thiên nhiên, cảnh vật miền duyên hải Nam Trung Bộ. Các plây Chăm là một mảng màu ấn tượng trong cảm hứng của thi sĩ Chăm đương đại: vừa khắc nghiệt, khô cằn, phôi pha nhưng cũng gần gũi, gắn bó và thơ mộng  với cuộc sống con người Chăm. Palei là nơi có nhiều phong tục tập quán, nhiều lễ hội, nhiều tín ngưỡng tôn giáo mang đậm bản sắc dân tộc Chăm được lưu giữ từ lâu đời như: thánh địa Mĩ Sơn, tháp Chămpa…, những lễ tẩy trần, lễ hội Katê, những tiệc tùng Shiva,… những điệu múa Apsara, tiếng trống ginang, tiếng kèn xaranai, những trang thơ Glơng Anak, Pauh Catwai… Điều đó cho thấy những mạch nguồn văn hóa quê hương đã ngấm sâu vào các thi sĩ Chăm đương đại và giờ đây tái hiện sống động trong thơ họ. Biểu tượng người dân palei Chăm, con người Chăm trong thơ Chăm đương đại được soi chiếu dưới nhiều phương diện khi ở làng, lúc ra phố.

Phố thường được thể hiện ở những không gian hết sức nhỏ hẹp: một khu phố, một căn gác trọ nhỏ, quán bia ôm, siêu thị, ngõ cụt… Rời palei, những đứa con Chăm phải đối mặt với vô vàn khó khăn, tủi nhục để mưu sinh và cảm giác cô đơn, lạc loài không có gì khó hiểu.

Bởi vậy, như đã nói, cái được biểu đạt trong biểu tượng luôn được hiện ra và được giải mã còn phụ thuộc vào chủ thể tiếp nhận: của bản thân cũng như của những người kế tục. Trên đây chỉ là cách cảm nhận, phân tích của bản thân người viết luận án chắc chắn chưa thể đầy đủ, sẽ được bổ sung thêm bởi những nghiên cứu về sau trong bối cảnh lịch sử văn hóa mới. Rất mong được sự chỉ giáo của hội đồng của các nhà khoa học và độc giả.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *