Inrasara: TỪ CHAM, PALAO RA THẾ GIỚI

 Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui

chịu chơi cả trong đau khổ (Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

Photo: Lune Production

  1. 1. Palao là gì?

Palao [hay pulao, palau] khi nằm trong đất liền là “cồn”, ở đó thôn Cham Pulao Ba thuộc xã Vĩnh Trường tỉnh An Giang, là một; thêm Cồn Tơ và Cồn Tiên ở xã Đa Phước nữa, là ba. Ngoài biển Palao lại là “cù lao”, là “đảo”. Cù lao Chàm chẳng hạn. Bạt ngàn đảo trên Biển Đông từ ngàn xưa in dấu chân ông bà Cham.

Ahauk Po kluw pluh tajuh

Tagok mưk nhjuh bbauk chwai palau

Ahauk Po kluw pluh tajuh tapa

Tagok mưk ia bbauk chwai palau

Tàu Pô ba mươi bảy sải

Ghé lấy củi trên cù lao

Tàu Pô sáu mươi thước

Lên lấy nước trên cù lao

Cham là người của biển khơi, dân tộc duy nhất trên đất nước Việt Nam hôm nay có nền hải sử và văn hóa biển dài và xa, làm đầy tràn văn hóa đa dân tộc Việt Nam.

Palao của Lune chưa đụng đến Cham của biển cả với những con người và huyền thoại, của những cuộc viễn dương với tàu thuyền lớn.

Gilai là tiếng gọi chung tàu thuyền các loại, nhỏ hơn là ghe (gaiy). Gắn với thuyền có bè (rakik) chuyển đồ và vật từ thuyền vào đất liền, hay từ thuyền này sang thuyền khác. Thuyền, có thuyền độc mộc (pluk), thuyền thúng (janưk patih), tàu nhỡ (kapal), riêng tàu lớn (ahauk, gilai ahauk) là thứ kẻ phiêu lưu Cham dùng vào những chuyến viễn dương.

Chưa đụng đến, bởi đây là chuyện quá khủng, hay Palao của Lune còn ủ mưu dành lại?

Dù ẩn ý của Palao có hàm nghĩa “tiễn” bạn đồng chí hướng ra khơi, nhưng Palao của Lune ở đây chủ yếu làm bật nổi để nhấn vào Palao của “buông thả”, của “tiễn đưa” như cách tiễn người cũ, sự và đồ vật cổ để đón sinh linh mới, mời gọi cái thanh tân vào cõi người trần gian.

“Khi một con thuyền lớn sắp ra khơi, khi người trẻ ra đời tìm lẽ sống, khi tiễn một sinh linh trên nẻo đường mới, người Cham “palao”. Trên sân khấu Lune Production, các nghệ sĩ sống, khóc, cười, sẻ chia từng nhịp thở. Họ buông quá khứ và giong buồm hướng tới tương lai trong tinh thần Palao. Cánh buồm mang hy vọng nhân sinh cho tất cả” – Palao của Lune tuyên thế!

  1. 2. Palao định làm gì?

Cham là dân tộc ham chơi, chơi qua trăm cuộc lễ, tháng qua tháng, mùa này sang mùa khác. Có lễ là có múa. Múa trong palei và múa trên tháp, trong rạp lễ linh thánh hay sau bếp tranh đời thường, múa tập thể hay riêng lẻ. Đính kèm với múa là thơ, là ca, là nhạc. Hiện, chưa nhà nghiên cứu nào làm tổng luận lịch sử cuộc chơi Cham. Những gì người đời còn nhìn nhận hôm nay chỉ là mấy mảnh vụn rơi rớt lại từ truyền thống chơi ấy, vậy mà chúng cứ phong phú và đa dạng. Một phong phú và đa dạng luôn tư thế bị lai tạp hay biến mất một ngày không xa.

Palao của Lune ý đồ bảo tồn văn hóa dân tộc chăng? – Không!

“Giải phóng”, văn nghệ Cham mấy bận gượng dậy góp tiếng nói với đời. Trước tiên, hai đoàn Văn nghệ Dân gian Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận có mặt, gánh sứ mạng làm công tác quần chúng; còn chúng có gánh nổi hay không thì ta không biết được. Tiếp đến “Múa cung đình Chăm” xuất hiện rềnh rang qua tên tuổi Đặng Hùng, nổi tiếng đến đỗi người ngoài mãi đồng hóa múa Cham với điệu Apsara, và chỉ có thế! Cuối cùng là Amư Nhân với ca khúc “Làng Chăm ơn Bác” đặc thù, nổi tiếng và tai tiếng đồng thời.

Nếu màn [1] là bảo tồn, là giữ lại cái cũ và mang cái cũ đó trình làng cộng đồng Cham và phần nào thế giới ngoài Cham; màn [2] là “mã hóa” nét dáng cổ nhằm tái tạo, nâng cấp nghệ thuật múa Cham; và màn [3] làm mới từ cái đang có, phần nào mang tính lừa mị và tự lừa; thì Palao của Lune hủy phá tất!

“Kẻ đốt đền”, tôi rất khoái tên gọi ban đầu nhóm tác giả định đặt cho show diễn. Đó đích thị là tinh thần Shiva: Phá hủy và sáng tạo, phá hủy để sáng tạo, phá hủy là sáng tạo. Dẫu sao, “Kẻ đốt đền” thì dữ quá, trong khi người Á Đông trong đó có Việt Nam chả khoái lắm một sáng tạo mang tính bung phá, họ ưa thứ ngôn từ hiền và lành. Palao ra mòi thích hợp hơn cả.

Palao lành, nhưng không phải không độc!

  1. 3. Palao là ai?

Họ từ tứ xứ nhập lại, tự tin trong thế giới chưa biết của mình.

Anh em Nguyễn Lân Maurice và Nguyễn Nhất Lý, người mang ba dòng máu Cham-Việt-Pháp chưa biết gì nhiều về đời sống Cham, làm việc cùng đạo diễn và biên đạo nhà nghề: Ngô Thanh Phương cũng tự nhận “mù” nghệ thuật múa Cham, với cố vấn văn hoá dù là Cham “xịn” nhưng chưa một lần bước chân vào thế giới nghệ thuật đương đại: Inrajaka.

Vậy mà nhóm dựng chương trình rất tự tin trong công cuộc khai phá của mình. Lạ không? Lạ nữa, mươi sinh linh Cham được vớt về từ quê nhà đất nắng Phan Rang, hoàn toàn không kinh nghiệm về sân khấu, nói chi diễn trên sàn diễn đèn màu hiện đại!

 

  1. 4. Palao làm được gì?

Sau chiến tranh và chết chóc là sống sót. Sống sót, rồi tiếp tục ca múa. Cham hát bài ca thân phận, rồi tiếp tục ca múa, và làm thơ. Ngay trong thời bình và ổn định, cộng đồng Cham vẫn chịu chia xé qua các cuộc chiến chả đâu vào đâu, để tồn tại.

Múa Apsara của Đặng Hùng từng làm nên hãnh diện ông, bị không ít trí thức Cham chê bôi, mạt sát rằng lõa lồ, khiêu dâm, phản văn hóa dân tộc. “Làng Chăm ơn Bác” từng đưa tên tuổi nhạc sĩ-ca sĩ này bay cao, bay xa tận Cuba cũng bị bộ phận Cham tẩy chay rằng a dua, nịnh bợ. Cộm hơn cả, Akhar thrah chữ viết truyền thống ông bà Cham tự ngàn xưa được Ban Biên soạn sách chữ Chăm “chuẩn hóa”, hai mươi năm sau bị một số Cham lôi ra mổ xẻ và kết án phá hủy ngôn ngữ tổ tiên, tạo nên mười năm “Chiến trường Akhar thrah” nóng bỏng.

Tôi thích cuộc chiến. Chiến để có mặt, chiến cũng để biết rằng mình và sự thể mình chiến cho đang có mặt. Với Cham, chiến còn mang huyền nghĩa của tinh thần Arjuna, anh hùng thuộc đẳng cấp Ksatriya trong Chí tôn ca Bhagavad-Gita.

Đâu là cuộc chiến của hôm nay, và cho mai sau? Cham “chưa hề tuyên chiến. Chiến trường chỉ là nơi khai mở cho con người thấy rõ tất cả sự điên rồ và tuyệt vọng của họ, và sự chiến thắng chỉ là ảo tưởng của những triết gia và những thằng khờ” (W. Faulkner).

Cham chưa mở ra cuộc chiến – cuộc chiến đích thực để có thể sống sót tràn ý nghĩa cho cuộc chơi dài lâu. Đâu là cuộc chơi đó?

 

Palao – một cuộc chơi, hay là chuyến ra khơi khởi động trở lại sau nhiều thế kỉ bị đình trệ từ thời Minh Mạng. Con thuyền tâm tưởng Cham với những sinh linh tuổi trẻ còn bỡ ngỡ trước đại dương bao la. Choáng ngợp trong làn gió mới đương đại, còn men say lịch sử, và cả mơ hồ phương hướng trong thế giới phẳng, các bạn có vững tâm, và sẽ đi bao xa trước vận hội này? Tinh thần phiêu lưu và tiếng hát nâng cánh buồm phải chăng là hy vọng cho Cham hôm nay? Một cuộc ra khơi rất nhân văn, một con thuyển chở hy vọng của kiếp người là vậy. Ít nhất, ánh lửa hi vọng cần được thắp và tiếng hát cần được cất lên, để cánh buồm rũ bụi lịch sử và lướt sóng, thực hiện thiên chức của nó trong thời cuộc này.

Những chiếc chum đất nung đủ kích cỡ hiện diện mang nhiều tầng ý nghĩa, cùng màu trang phục trắng làm nền cho show diễn thể hiện qua ngôn ngữ múa và dàn nhạc dân tộc đặc trưng. Thế thôi, còn lại hoàn toàn không “đậm đà bản sắc” Cham ở đó. Nhưng Palao đã làm toát lên hồn cốt Cham, không thể lẫn. Để cuối rốt, dù bao biến thiên cuộc thế, thay đổi lòng người, Cham vẫn tồn tại. Tồn tại với những thế hệ tiếp nối hát đồng dao Chim Chak Chak qua sự hiển linh của bộ chữ cái K, Kh, G, Gh… cùng biểu tượng Haumkar linh thánh.

Trẻ thơ vui vẻ khởi đầu trên tri thức nền tảng sẽ dựng nên xã hội Cham ngày mai trên đất nước Việt Nam giữa lòng cộng đồng dân tộc Đông Nam Á trong thế giới toàn cầu.

Là thành công lớn của Palao.

 

  1. 5. Coda.

Dẫu sao,

nếu Akhar thrah của Palao được chép tay là truyền thống viết Cham, nó sẽ bay bướm hơn;

nếu giọng hát Kadhar ở mục diễn trống Baranưng âm vang hơn thì màn múa “phồn thực” chắc chắn sẽ say đắm và cuốn hút hơn;

màu trắng đặc trưng sử dụng cực đắc, thế nhưng nếu có vài bóng áo dài Cham đội ciêt loáng qua sân khấu ở mục “chơi”, Palao sẽ được điểm xuyết thêm sắc thái tươi tắn hơn;

và nhất là, nếu bớt đi màn “chết chóc”, “quằn quại”, để thêm vào một ít vui nhộn và mạnh mẽ ở vài phân đoạn, show diễn sẽ tuyệt hơn – có lẽ.

Dĩ nhiên coda này được nói lên, khi Palao vẫn còn trên con đường hoàn thiện.

 

Phan Rang, 18-11-2018

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *