Cham sống sót, làm gì?-14. ĐƯỜNG ĐI TRONG RỪNG

Nội dung trả lời phỏng vấn ở Ra mắt Hàng Mã Kí Ức tại Sài Gòn sáng 11-6-2011 thích hợp với serie này, xin trích lại:

– Văn hóa Cham như một ốc đảo, đứng vững chãi và đơn độc giống tháp Chàm. Nếu không có một hệ tư tưởng thống nhất để gắn kết các cụm tháp Chàm lại, trong tương lai người Cham khó theo kịp nhịp phát triển của khu vực và thế giới. Vậy, đâu là tư tưởng nền tảng của người Cham? Nhà văn có dự định làm một ngọn đuốc tư tưởng để định hướng con đường đi cho dân tộc Cham không?

Inrasara: “Làm một ngọn đuốc để định hướng…”, tôi không dại dột thế. Sau cuốn Minh triết Cham như cách đúc kết “trí khôn sáng” của ông bà, tôi sẽ đi vào rừng. Malraux nói đại ý: Không phải chín tháng mười ngày để làm nên một con người, mà phải mất đến sáu mươi năm. Để rồi tốt hơn cả, hắn nên chết đi. Tôi không chết đi, mà là trở về nguồn để “sống, nhớ và kể lại” câu chuyện của tôi…

– Nhà văn không mặn mà cãi nhau về quá khứ, nhưng tôi biết không ít người riết róng bám quá khứ, tranh luận về quá khứ, họ không là Cham sao?

Inrasara: Họ vẫn là Cham, những Cham bị con rồng liếm trúng ở bề lưng, hay liếm hụt, có lẽ. Một sinh linh Cham đúng nghĩa hiểu quá khứ, nhưng không vun quén quá khứ làm của riêng mà là dũng mãnh lên đường khai phá, theo tinh thần tư tưởng Shiva: Sáng tạo và phá hủy đồng thời và, phá hủy để sáng tạo. Dẫu sao:

Như dòng sông cho và đi/ Cho và đi mất về biển xa

(“Tặng phẩm của dòng sông”, 1982)

Được và buông bỏ, được để buông bỏ, cứ thế. Hơn 30 tác phẩm xuất bản chỉ là dấu vết những mảnh đời đã qua, cần trút bỏ chúng sau lưng. Hiện tôi có trong tay hơn 20 bản thảo chưa in. Thơ, truyện ngắn, phê bình, khảo luận, tạp bút… Từ đây đến đó (5-6 năm), đứa nào điều kiện chào đời được thì đẩy nó ra, còn thì hãy phó mặc cho duyên phần.

– Dù từ chối “làm ngọn đuốc”, dẫu sao đi nữa Inrasara vẫn được coi là con người hoạt động đa lãnh vực, nhân vật sáng giá trong xã hội Cham hiện đại ít nhiều ảnh hưởng ra “ngoài thế giới Cham”, nên không ít người muốn biết quan điểm cụ thể của Inrasara. Nhà văn có thể nói một cách dễ hiểu nhất con đường đi của Cham hôm nay…

Inrasara: Tôi có nhận ra nó, và đang dò dẫm vài bước khởi động. Tạm mơ hồ như sau…

Giú mình trong bóng tối vô danh, làm ngọn cỏ cúi rạp mình trước giông bão thời cuộc. Giữa rừng rậm thế giới hiện đại, Cham cần,

thứ nhất, HIỂU BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC, hiểu khái quát cũng được, có sai chút đỉnh cũng không sao;

thứ hai, NÓI TIẾNG CHAM. Không biết Akhar thrah cũng chả sao; biết – không cần biết rành để đọc được văn bản cố, nhưng tuyệt đối phải tập con cái nói tiếng Cham trong gia đình;

thứ ba, với quá khứ, GIẢI SÂN HẬN VÀ GIẢI QUÁ KHỨ. Giải quá khứ không phải là từ bỏ hay quay lưng lại quá khứ mà là, hiểu và buông xả. Với hiện tại: HÀNH NHẪN;

thứ tư, PHIÊU LƯU VÀ SÁNG TẠO, dấn mình vào các lĩnh vực ngoài Cham, sáng tạo cái mới, cạnh tranh với thế giới bên ngoài;

cuối cùng, dù sống bất kì đâu, KHÔNG CHỐI BỎ CHAM, khẳng định Cham với Việt Nam và thế giới.

Và nền tảng của mọi nền tảng, chính là GIÁO DỤC, giáo dục từ giữa lòng Cham, chứ tuyệt không phó mặc cho chính quyền các loại.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *