Tư duy mở-21 & 22

Tư duy mở-21. HUYỀN THOẠI & GIẢI HUYỀN THOẠI [1]

Khác với thú vật, ngoài nhu yếu phẩm nuôi sống thân xác, con người còn được dưỡng nuôi bằng hơi thở huyền thoại…

  1. Không có Chúa! – Voltaire tuyên thế, và thêm: Nhưng ông chớ nói vụ ấy cho đầy tới tôi hay, nó giết tôi mất. Chúa là một huyền thoại.

Người/ nhóm người tạo huyền thoại, họ tin [hoặc giả vờ tin], rồi lôi kéo cộng đồng tin. Đó là thứ niềm tin chung một huyền thoại. Thiếu nó, xã hội mất ổn định.

Y.N. Harari cho rằng: Từ bộ luật Hammubari cách chúng ta 3 thiên niên kỉ rưỡi cho đến Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776, loài người mãi nỗ lực dựng huyền thoại, và làm mọi cách cho thần [công] dân tin vào huyền thoại chung kia.

  1. Cộng sản với lí tưởng thế giới đại đồng, nơi thôi còn chuyện người bóc lột người, không còn cảnh ăn xin, bán vé số hay móc túi, mọi tín đồ Marxism làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, vân vân và vân vân, là một huyền thoại.

Thiên đường mặt đất kia từng làm mê mẩn bao nhiêu trí thức hàng đầu Tây phương, đến đỗi Sartre hạ một câu rợn người: Các tên chống Cộng đều là chó.

Rồi chỉ một lần du khảo Liên xô về, với bao sự thật bị phơi bày – qua đêm, trước hết là thiên đường ấy đổ vỡ trong tâm thức trí thức trẻ nông nổi, không lâu sau kéo theo cả hệ thống sụp đổ dây chuyền, đến vài vùng trũng còn bám vào nó đã phải hối hả chạy đôn đáo tìm một huyền thoại khác thay thế. Việt Nam là một.

  1. Chủ nghĩa yêu nước [đính kèm yêu chủ nghĩa xã hội] + Kinh tế thị trường định hướng XHCN + Tư tưởng Hồ Chí Minh là 3 chân kiềng tạo nên huyền thoại cục bộ này. Kẹt nỗi là cả 3 đều dựng bằng bê-tông cốt tre.

Nó không thể không gợi cho ta nhớ đến mâm “bánh vẽ” của Chế Lan Viên.

Nhóm người tạo dựng huyền thoại vừa ăn bánh thật đồng lúc giả vờ nhai bánh vẽ; đảm bảo với nhân dzân về miếng bánh thật ở thì tương lai. Một tương lai ngay cả chủ xị cũng không biết đến cuối thế kỉ đã đổ xong chưa nữa.

Vậy mà đòi thiên hạ đặt niềm tin chung vào nó, thì đích thị là một… huyền thoại.

  1. Huyền thoại nào cho Cham hôm nay?

_____

Yuval Noah Harari trong kiệt tác: Sapiens Lược Sử Loài Người (Nguyễn Thủy Chung dịch, NXB Tri thức, 2017), trang 137 cho rằng:

Từ “cách mạng nhận thức”, con người đâu cũng một giuộc.

Từ Bộ luật Hammubari [1776 trước CON NGƯỜI, tuyên bố “dẫn dắt mọi người đi theo con đường của chân lí và cách sống đúng đắn…”] cho đến Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ [[4-7-1776, “rằng tất cả con người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, đó là quyền được sống, được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc”] cũng hệt. Đó chỉ là “huyền thoại chung”, một thứ “trật tự tưởng tượng được dệt vào tấm thảm cuộc sống”.

Tư duy mở-23. HUYỀN THOẠI & GIẢI HUYỀN THOẠI [2]

[hay Đâu là Huyền thoại Cham hôm nay?]

  1. Thời cận đại, Cham có huyền thoại Cây Krek, loại lim thần biểu tượng cho sức mạnh của vương quốc Champa. Thế rồi qua hôn nhân ngoại lai [Pô Rômê với Công nữ Ngọc Khoa], Krek bị đốn ngã, Champa sụp đổ ngay thời điểm đó. Dẫu sao…

Huyền thoại sống dai dẳng trong tâm thức Cham. Ở Cambodia, bà con vẫn hỏi: Krek còn sống không? Cham Việt Nam cũng hệt. Thập niên 1960, bà con vẫn còn truyền tụng nhau về gốc Krek nứt rễ (canưk) trở lại.

Nhưng không lâu sau, huyền thoại mang tính thần bí này không còn chỗ đứng trong tâm thức thế hệ trẻ, nó chết nhanh chóng.

  1. Huyền thoại cũ không còn, Cham tìm biểu tượng mới.

Thời hiện đại, vài biểu tượng nhỏ lẻ ra đời, đó là: Quận An Phước [Ninh Thuận] và Quận Phan Lí Chàm [Bình Thuận]; Trung tâm Văn hóa Chàm và Trường TH Pô-Klong; ngay Nội san Panrang in roneo cũng làm biểu tượng.

Vận hành chưa tới đâu, thì…

Sau 75, các biểu tượng kia chìm dần. Trước hết là các quận Cham, tiếp đến là Trung tâm Văn hóa Chàm, rồi là Trường TH Pô-Klong mòn hao lần hồi rồi mất hút trong kí ức cộng đồng.

Ban Biên soạn sách chữ Chăm được dựng lên năm 1978 như là biểu tượng mới, nhưng rồi hơn ba thập kỉ sau, nó cũng đã biến. Tuyển tập Tagalau thay Nội san Panrang ra đời từ năm 2000 không gánh nổi sứ mệnh nặng nhọc đó.

  1. Cham còn gì?

Sinh linh Cham tứ tán khắp thế giới. Sợi dây nào có thể kết liên họ, để có thể còn được gọi là một cộng đồng?

Ba CHÂN KIỀNG: Một Quá khứ oanh liệt dù đã bươn bấy; một Tiếng nói giàu có bị lai tạp; và một Tôn giáo độc đáo đầy bản sắc đang suy thoái.

QUÁ KHỨ thì không thể thay đổi rồi. Dẫu sao, Lịch sử, tháp Chàm, và những chuyện kể… vẫn còn ẩn nơi góc khuất tâm linh, để Cham biết mình là chung.

Tiếng nói [chứ không là chữ viết]: Cham nói độn Việt, độn Khmer, hay Malaysia, Thái, Mỹ… Việc đặt nền cho NGÔN NGỮ CHUNG là khó nhưng không phải bất khả.

Tôn giáo? Ngoài vài tôn giáo mang tính quốc tế như: Islam, Tin Lành, Công giáo… Cham có TÔN GIÁO DÂN TỘC: Đạo Ahiêr Awal, đang làm suy thoái.

Làm gì cứu vãn nó, với hi vọng phục dựng lại huyền thoại nền tảng?

[Lưu ý: 3 yếu tố để hiểu tôn giáo bản địa Cham: Thiếu căn bản triết học Ấn Độ, bạn khó bàn, là đương nhiên rồi; tiếp đến cần đọc-hiểu các văn bản Agal Ahiêr Awal; sau đó nắm cấu trúc tiền tôn giáo là hệ Kadhar-Pajau cùng hệ mới là Mưdôn-Muk Rija.

Nếu không, thì mọi phát ngôn chỉ là suy diễn vu vơ, hay nói mò may rủi].

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *