Tư duy mở-20. HỌC, CUỘC DU HÀNH KHAI PHÁ

Tôi ngạc nhiên không ít khi rất nhiều bạn Cham thắc mắc: Hà cớ Sara phải bõ công đi nghiên cứu sâu thơ Việt đương đại. Bắc với Nam, chính thống với vỉa hè, trong nước hay hải ngoại, thơ dân tộc thiểu số cũng không chừa…

Hỏi vậy khác gì hỏi, tại sao Napoléon lại đi thành lập ngành Ai Cập học!

Người Aztec, Inca nghĩ thế giới chỉ có mỗi mình, rốt cùng bị tiêu diệt trong nháy mắt.

Châu Á – đại biểu là các đế quốc vĩ đại cỡ Ottoman, Safavid, Mughal, và Trung Hoa – tưởng mình là cái rốn thiên hạ, chẳng thèm quan tâm đến ai, nói chi học thiên hạ, cuối cùng bị thống trị và tụt hậu.

Ở phạm vị hẹp hơn, Việt Nam cũng hệt. Bế quan tỏa cảng, để rồi ta phải trả giá bằng mấy chục triệu sinh mạng đính kèm đất nước tanh bành như hôm nay. Trong khi cạnh ta, người Nhật nhanh nhạy hơn, mở, chẳng những theo kịp mà còn vượt mặt nhiều nước châu Âu đàn anh.

Đóng, đồng nghĩa với cái chết, là vậy.

Ở xã hội Cham hôm nay, tôi biết 3 sinh linh cùng thế hệ, tạm đặt cho cái tên:

A: gia đình giàu có + Tây học + học giỏi

B: gia đình giàu có + nông dân + học giỏi

C: gia đình nghèo cực + nông dân + học giỏi

Cả ba cùng yêu văn chương, xuất phát điểm chung, người thành công kẻ thất bại, là sao? Lạ là thành công lại thuộc về sinh linh kém điều kiện nhất. Nguyên do không nằm ở tâm lí nghèo-kém khiến hắn nỗ lực hơn, mà ở tinh thần: MỞ & KHAI PHÁ.

Bạn thỏa mãn với những gì đã có, mà không biết đam mê cái chưa biết.

Bạn yêu mến cái thân quen, gần gũi mà sợ bước ra thế giới xa lạ ngoài kia.

Bạn chỉ biết có mình, mà không hay phía ấy đang tồn tại bạt ngàn mình khác.

Học là một cách du hành khai phá. Riêng thế giới văn chương tư tưởng, tôi du hành từ Đức Phật, Khổng Tử đến Suzuki, Krishnamurti, từ Nietzsche, Heidegger cho chí Dostoievski, Derrida. Học để hiểu thôi đã là thú vị, chưa nói chuyện vận dụng chúng vào cuộc chữ nghĩa.

Sao các bạn Cham từ chối mở?

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *