[Nhân vụ lớn, ghi vài kỉ niệm nhỏ]
1. Tôi gặp Điếu Cày lần đầu vào Katê 2009. Anh đến nhà tôi ở Chakleng, cùng vài sinh linh nữa. Ngủ 2 đêm tại đó, rồi đụng sự cố. Sự cố liên quan tới tôi, chứ không phải anh. Anh tính làm căng, nhưng tôi can: Thôi đi anh, mình vào Sài Gòn, ở đây họ chơi anh chị em thì hết đàng đỡ. [Vụ này đã kể, nay xin miễn].
Gặp, anh thuyết về tự do ngôn luận, quyền công dân, và khích tôi cần phải làm tới. Các “quyền” thế nào thì tôi rành, bên cạnh tôi cũng rất hiểu anh, bởi tôi xưa cũng hệt: lí tưởng, và nhiệt. Tuy nhiên, tôi không thể.
Tuổi 15, lần đầu đốn ngộ về phận cùi Cham, tôi loại bỏ hẳn máu liều trong huyết quản. Lần thứ hai ở tuổi 20, tôi cắt tiếp phần não trạng dân tộc hẹp hòi. Rồi qua tuổi 30, tuổi “nhi lập”, tôi hiểu mình phải chọn lối đi riêng.
Nếu tôi là Việt, thì khác; đằng này tôi lỡ sinh ra làm… Cham.
Vào Sài Gòn, tôi có gặp anh lần nữa ở Quán ăn đường Kỳ Đồng quận 3. Rồi sau đó không lâu, anh được Đảng biếu tặng cho đôi dép tổ ong… nổi tiếng.
2. Giáo sư Chu Hảo thì khác. Đảng viên, trí thức, và lành tính.
Gặp anh lần đầu lúc ra Hà Nội nhận Giải thưởng VH Phan Châu Trinh năm 2010, Sau đó cùng anh xét hạng mục Sách Nghiên cứu Giải Sách Hay của Viện IRED, nên chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn. Mươi năm đi qua, anh vẫn thế.
Tư thế đĩnh đạc ấy, nói – cũng lối phản biện vừa phải ấy, bằng giọng điệu điềm tĩnh ấy…
Nhà văn Phạm Thị Hoài từng tặng Chu Hảo nhãn “phản biện trung thành” – chả oan tí nào cả.
Thế nên 3 năm sau, khi nghe siêu sao DLV Trần Nhật Quang hô: “Nguyên Ngọc, Chu Hảo là nhà dân chủ khát máu”, tôi mãi cười, cười cho tận chiều nay.
Rồi, sáng nay đọc tin thấy Chu Hảo bị Đảng… “trị”.
Hậu hiện đại Việt Nam bước chân chữ bát theo lối bất khả đoán, là thế!