Tư duy mở 4&5. CHAM KHÔNG CĂM THÙ, TẠI SAO?

Kêu “Cham không căm thù” dễ bị bắt bẻ chủ quan và, dân tộc hẹp hòi. Không phải! Con người hỉ nộ ái ố đủ cả, Cham không khác.

Nói “Cham không căm thù” là nhìn từ lòng truyền thống.

Dưới góc độ tổ chức xã hội ở thượng tầng, Việt và Tàu không khác nhau mấy. Một khía cạnh nhỏ, như truyền ngôi chẳng hạn. Cha truyền cho con, cho cháu, hay cùng lắm phải là kẻ máu mủ. Thế nên, khi người ngoài dòng tộc tiếm ngôi, bên này truy tìm và quét cho sạch bách giọt máu dù mù mờ nhất của nhà cũ. Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, để không còn ngọn cờ chính nghĩa nào sót lại. và hệ quả tất yếu là: Tru di tam tộc, cửu tộc.

Với “kẻ phản nghịch” như Nhà Nguyễn xử dòng họ Cao Bá Quát, hay với công thần như Lê Lợi quyết toán tam tộc Nguyễn Trãi, ngay người cùng máu mủ ta cũng không chừa: Lê Thánh Tông giết người anh ruột Cung vương Khắc Xương chất phác nho sinh, là rất điển hình.

Champa không nhất thiết như thế. Ngôi vua có khi chỉ được truyền lại cho người tài, cho cháu chớ chẳng phải con, cho rể chứ không phải người máu mủ, thậm chí cho người ngoài dòng tộc rất xa. Do đó, việc truy nguyên để tru di là hoàn toàn không cần thiết.

Thù truyền đời, đời này chưa trả xong còn truyền sang tận đời con cháu chắt chít, Cham không có, là vậy.

 

5.  SỰ THẬT & GIẢI SÂN HẬN

 

“Nghìn hồn oan bay khắp nhân gian

Thù muôn đời muôn kiếp không tan” (Tố Hữu)

Ngàn hồn oan, không phải, mà triệu triệu hồn oan, mới đúng; nhưng tại sao lại thù muôn đời muôn kiếp? Trên mảnh đất như là vùng trũng hay ao làng của trái đất này, thù một kiếp không đủ sao?

Thích Nhất Hạnh lần trở về, mong lập đàn giải oan cho hồn chiến sĩ trận vong của cả hai phía đang lởn vởn khắp đất nước, chưa chịu vĩnh viễn về.

Trước đó, Chế Lan Viên bằng cảm quan thi sĩ, đã thấy hồn oan “muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi” suốt giải đất miền Trung mấy thế kỉ đau khổ. Ai ý định lập đàn giải oan?

Nữa, 74 chiến sĩ hải quân Cộng Hòa, 68 bộ đội Gac-ma phía Cộng Sản, rồi mấy chục vạn hồn oan Việt chết thảm đủ kiểu ngoài biển khơi trong trận vượt biên lịch sử. Ai người nghĩ đến chuyện giải oan cho họ?

Giải oan không là hành vi mê tín, mà là: 1. Để tất cả cùng nhìn ra sự thật; 2. Nhận chân mình – không chừa trừ ai, là kẻ có tội; 3. Qua đó, ta thành tâm hối cải; 4. Để cuối cùng, là giải sân hận, từ đó tâm ta được an. Và chỉ khi tâm an, ta mới có thể nói đến sáng tạo và xây dựng.

Ở ao làng, ta chỉ nhìn thấy ta, mà không ai khác, không gì khác. “Ta là ta mà lại cứ mê ta” (lại Chế Lan Viên), nên “ta về ta tắm ao ta”, và ta tiếp tục chương trình… tự mê. Dù đây đó, vài tiếng chuông gióng lên:

Ngày vui đại thắng lắng xuống, Võ Văn Kiệt đã thấy ở đó “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Thích Nhất Hạnh sau bao trải nghiệm, đã nhận ra sự thể. Hay thiên tài tuổi trẻ họ Chế xưa đã thấy. Và không ít người Việt, theo chỗ tôi biết, đã thấy. Nhưng ta lại cứ mê ta, mê ao làng của ta, mà không chịu nhìn ra thế giới.

Ở ngoài kia, “Úc chính thức xin lỗi người bản địa” về “một thế hệ bị đánh cắp”. Ở ngoài kia, xa hơn – quê cha đất tổ Marx, hai miền nước Đức đã ngồi lại ngon lành. Còn ta thì sao? Ngồi lại kiểu Hội Nhà văn Việt Nam ở hội thảo “hoà hợp hoà giải trong văn học”, thể loại nghệ thuật vốn được xem là lá cờ đầu dẫn đạo tư tưởng, sẽ đưa Việt Nam về đâu? – Về nỗi giả dối to hơn nữa, ao làng sâu hơn nữa.

Bởi ở đó, kẻ tổ chức biết mình giả, người tham dự biết mình giả, Đảng cũng biết cả hai đều giả [nhưng nhắm mắt cho qua], mà chỉ có nhân dân là [chịu] thiệt.

Tội hôn?

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *