Thuở chân ướt chân ráo đất Sài Gòn đứng bán thổ cẩm ở thương xá TAX, tôi rất ngu ngơ về ngôn từ hàng chợ. Quầy tôi cạnh Shop quần áo hàng hiệu mấy em có cái miệng xinh đáo để, khi rỗi mấy nàng hay tạt qua tán gẫu.
– Bữa hổm em chơi thằng Pháp rất sướng, chứ đụng cái thằng sing hồi nãy kêu giá gì chán thấy bà nội…
– Thằng Pháp thì phải rồi, nhưng thằng sing nào nhỉ?
– Cái ông cao cao hay ghé em đó.
Ồ, té ra là Singapore. Ẹ thế chứ! Trong khi trước mặt các vị khách ruột kia, cô nàng một hai Yes, sir… Yes, sir… Tôi hỏi, ngốc chả kém:
– Ông khách đáng tuổi bố, sao em lại kêu thằng nhỉ! Lại lôi nước người ta ra kêu…
Thế là từ ấy, hết sang.
Chốn chợ búa là vậy, dù mang nhãn supermarket, nhưng vẫn là chợ. Chứ ở nơi sang trọng là cõi văn chương, ta vẫn một thằng này hai thằng kia, nghe muốn lủng lỗ tai.
Kể rằng một bạn thơ trẻ cứ sau lưng tôi là thằng Sara. Thế là tôi… để bụng (!). Một bữa chàng tìm tôi, kí tặng tập thơ mới in, ra giọng khúm núm: “Anh phán cho em cái điểm sách trên Thanh Niên cuối tuần với”. Tôi mới nói:
– Chú nó kêu thằng Sara viết đi, nghe đồn thằng đó viết được lắm.
Anh chàng còn miệng ăn hết ngõ nói. Ngu, ai khiến!
Lạ, ta cứ thằng này con nọ mà phang, dù chả quen thân chút đỉnh gọi là. Và dù sinh linh ấy đáng tuổi ông nội, từng là đàn anh đưa tay dìu dắt. Nhất là cánh văn nghệ sĩ. Cứ nghĩ dại, chơi thế mới sang, mới oách, mới đại ca, mới ta đây nghệ sĩ nòi.
Thời cũ có vậy không, chả biết; chứ sách vở XHCN, “thằng Mỹ” nó đầy ra… Con trẻ Việt Nam không học theo mới lạ.