Chuyện vặt-6. NHÀ VĂN GIẢ MẠO 01

I.
1. Tháng 11-2003, Bàn tròn Văn chương tổ chức tại tư gia anh Nguyễn Hòa SCL ở Vũng Tàu với tiêu đề: “Văn học Việt Nam & Hậu hiện đại”. Ở đó chúng tôi mới nhà thơ Xuân Sách phát biểu khoảng non nửa tiếng. Xong ông nói:
– Cả đời viết văn, đây là lần đầu tiên tôi được nói chuyện thoải mái, và được nói dài như thế này trước số động cử tọa như thế này. Nửa tiếng đồng hồ chớ chẳng ít. Xin cảm ơn các anh chị! Xuân Sách là vậy, khi có cơ hội – không sợ sự thật.
Trong khi khổi nhà văn có cả đống cơ hội xuất hiện trên báo, đài, nhưng cứ lãng tránh sự thật, vuốt đuôi sự thật, hay mãi cho “ngôn ngữ quẩn quanh hàng rào sự thật” (thơ Inrasara).
Đó là loài nhà văn giả mạo.
Hoặc như…

2. Chuẩn bị cho buổi nói chuyện ở Salon Cà phê Văn học tháng 9-2014: “Hiện thực đời sống và văn học Việt Nam đương đại”, tôi đã ướm thử hơn mươi nhà văn thuyết trình về chủ đề này, có đến 90% nhà thoái thác, đùn đẩy và, từ chối. Chỉ có mỗi Dạ Ngân nhận. Tại sao?
Nhà văn Việt Nam không đọc nhau, càng không đọc nhau có hệ thống nên ít ai nắm được toàn cảnh văn học đương đại nước nhà, nói e bị hố;
Nhà văn Việt Nam thiếu lí thuyết, thế nên hiếm khi hệ thống được vấn đề đang bàn, thuyết sẽ rất lúng túng;
Nhà văn Việt Nam không được đào tạo/ không quen đứng trước công chúng, sanh tâm lí e ngại;
Nữa, nhiều nhà văn Việt Nam không “thích” truyền đạt ý tưởng của mình bằng thuyết lí [trước công chúng], là nguyên do rất đáng kể. Chúng ta ưa nói: “tôi muốn lên tiếng bằng chính tác phẩm của tôi hơn”!
Cuối cùng, nhà văn Việt Nam sợ đối mặt với vấn đề hóc búa, ở đó điều họ không thể tránh: Những câu hỏi “nhạy cảm”.

II.
Năm ngoái, ghé thăm nhà ông bạn thơ, ông mở và chìa vào mặt tôi bài thơ trong tập thơ vừa mới in:
– Sara coi nè, mình viết trên đầu tụi nó, mà nó có hay đâu.
Tôi lướt qua. Tưởng gì, lại là một câu chửi đổng, một lời cạnh khóe rất ư là trừu tượng đầy tính… ám chỉ. Ông bạn tiếp:
– Mình hưu mươi năm rồi, qua bát thập mình sẽ viết hồi kí kể lại sự thật về đời mình, sự thật về bọn chúng…
Nhà văn An Nam ta mãi hôm nay mà vẫn thế đấy.

30 năm trước, Nguyễn Minh Châu:
Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn. Vì thế mà từ xưa tới nay có bao nhiêu nhà văn nhà thơ đã đi ở ẩn ngay trong tác phẩm? Chúng ta vắng thiếu những cây thông đứng sừng sững. Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!”, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng. Có người cầm bút đến lúc sắp bước sang thế giới bên kia vẫn chưa dám thốt lên một lời nói thật tự đáy lòng, không dám viết hồi ký thực, vì sợ để liên lụy đến đời con cái.
(Báo Văn nghệ, Hà Nội, số 49 & 50, 5-12-1987)

Còn ngoài kia, Richard Pipes”
“Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” đòi hỏi nhà văn phải “coi hiện thực là không tồn tại, còn tương lai thì lại như đã hiện diện rồi”. Kết quả là tất cả những gì được in, được dựng trên sân khấu, được đưa lên phim ảnh hoặc phát trên sóng radio đều không phải là hiện thực, mà là siêu (hiện) thực. Để thích ứng với hoàn cảnh như thế, người ta buộc phải chia tách nhận thức và cá nhân con người mình thành hai mảnh, người ta buộc phải sống trong tình trạng tâm thần phân lập, nghĩa là người ta biết sự thật nhưng phải đè nén nhận thức và chỉ chia sẻ những hiểu biết đó với những người thân cận; mặt khác, người ta lại phải giả vờ tin vào mọi phát ngôn của bộ máy tuyên truyền chính thức.
Dối trá trở thành phương tiện sống, mà từ dối trá đến lừa đảo chỉ là một bước nhỏ.
(“Communism: A History”, Phạm Nguyên Trường dịch)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *