Năm ngoái, một tờ báo phỏng vấn tôi [không đăng] về nhà trường Việt Nam, tôi nói: Việt Nam 25 năm sau không bay nổi là cái chắc, 25 năm sau nữa – nếu có cuộc thay đổi lớn, may ra. Tại sao?
Có gì khó hiểu đâu! Cứ nhìn vào nền giáo dục hiện nay, cũng đủ thấy. Bởi giáo dục quyết định tất cả!
1. Nelson Mandela (trích từ Kiến Học):
“Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.
– Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy.
– Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy.
– Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy.
– Tính nhân văn chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy.
– Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy.
[Tôi thêm:
– Cái đẹp sẽ chết dưới tay văn nghệ sĩ ra lò từ nền giáo dục ấy;
– Sự thật sẽ chết dưới ngòi bút các nhà báo được đào tạo từ nền giáo dục ấy…]
Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”
2. Cụ thể hơn, hậu quả của xã hội Việt Nam hiện đại là cái nhân giáo dục từ thời đỉnh cao XHCN với loạt Phó Tiến sĩ Hữu nghị ra lò. Không ai thống kê bao nhiêu phần trăm luận văn PTS đó được/ bị làm thuê. Chỉ biết rằng, Hoàng Ngọc Hiến, được cho là giáo sư của giáo sư, nói như đinh đóng:
– Dắt một con bò qua Liên Xô, vài năm sau nó cũng mang về bằng PTS.
Ở đây, ta thấy gì:
+ Đạo đức: Giả dối ngay từ khởi điểm, thì còn mong nỗi gì xây dựng nền tảng đức lí giáo dục;
+ Kiến thức: Khuyết và hổng, thì làm sao mà đào tạo thế hệ tương lai;
+ Tinh thần: Qua hai thứ hỏng trên, làm gì ta có được tinh thần tự do và khai phóng, để nói đến sáng tạo.
Vậy mà, từ PTS qua đêm biến thành tiến sĩ, sau đó là phó giáo sư, giáo sư – là đội ngũ nòng cốt của giáo dục VN thời gian qua.
3. Bước vào thế kỉ mới, chuyện học vị ở Việt Nam khía cạnh nào đó đã đỡ nhiều, thế nhưng bao nhiêu lãnh đạo còn xài bằng giả [hay bằng thật kiến thức giả], thì làm sao mà chỉ đạo!
Cứ nhìn thẳng vào chương trình giáo dục, với mấy liên tục cải cách, đổi mới chả tới đâu của nó cũng đủ dự tri được phần nào tương lai đất nước.