Khác với xã hội Cham hôm xưa, chỉ cần bạn Trung học Tây hay Tú tài Cộng Hòa đã là trí thức lớn, chứ ngày nay đã khác nhiều. Dẫu sao, đút túi bằng thạc sĩ, thậm chí cử nhân thôi, bạn đã được bà con phong tặng cái danh “trí thức”; ví cái bằng ấy bên lĩnh vực xã hội nhân văn thì càng. Còn vị đó làm ở cơ quan Nhà nước hoặc vào hội này khác, có viết lách hay có ra tác phẩm thì được cộng thêm điểm. Thêm, nếu anh chị ta thường xuyên giơ tay có ý kiến về chuyện cộng đồng trên phương tiện thông tin đại chúng, thì nghiễm nhiên thành một trí thức đáng kể.
Và vị ấy cũng mặc nhiên coi mình là trí thức.
Nhưng vậy đã đủ chưa?
Trí thức là phải thường trực giáp mặt với vấn đề thời sự, tự nguyện và vô vị lợi. Không ít “trí thức” đã lủi nhanh, lủi trước mọi người khi cộng đồng có chuyện, và chờ đợi tiếng nói từ họ.
Bỏ qua chuyện to con như Dự án Nhà máy Điện Hạt nhân dễ bể nồi cơm thì không nói, ngay mấy vụ nhí, như: Đồng tộc mình bị nạn (chuyện Kut Boh Dana), mình vô tư; Đất tổ (Ghur Darak Neh) đồng hương mình bị xâm hại, mình im lặng; Cả khi đồng nghiệp mình (Trường Nội trú Dân tộc Ninh Phước) bị oan khuất, mà mình ngoảnh đi không một tiếng nói.
Thì đó đích thị là trí thức gà mờ, hay TRÍ THỨC GIẢ MẠO rồi.
Dẫu sao nói đi cũng cần nói lại. Làm Chàm đã khó, làm Chàm trí thức khó bội phần. Đòi hỏi chánh đáng ở đây là, bạn không NỊNH đã khá rồi, không ĐÈ hay chực LỢI DỤNG bà con mình cũng tạm được rồi. Bởi tôi biết vài trí thức Cham đích thực đã phải ngậm tăm về một vấn đề gai góc, muốn nói mà không thể mở miệng, ức muốn chết đi được.
Hiểu thì càng yêu hơn.
Yêu, cảm thông, nhưng không thể không đòi hỏi trí thức… RÊN lên một tiếng.
+
Chuyện trí thức Trung Quốc
Trung Quốc [& Việt Nam ăn ké] nổi tiếng với câu: “Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng” (“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”).
Xưa là vậy, chứ nay trí thức TQ bị chê tơi bời hoa lá. Tại ai? Bởi cơ chế nào?
1. [Lược] trích nhận định mới nhất từ trang SOHA, 29-7-2018:
Trong vấn đề chiến tranh thương mại Trung – Mỹ vừa nổ ra, với tư cách là một tầng lớp, trí thức Trung Quốc tự thể hiện họ đã vấp phải sai lầm nghiêm trọng.
– Trí thức Trung Quốc thiếu nghiên cứu sâu sắc đối với phương Tây đặc biệt là Mỹ. Căn bản nó không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của tầng lớp quyết sách chính phủ để đưa ra chính sách thích hợp đối với Mỹ.
– Một số trí thức Trung Quốc không chỉ rất thiếu tố chất học thuật cơ bản, mà còn rất nông nổi, thường chỉ dựa vào kiến thức nửa vời của mình trên một số lĩnh vực để “ăn nói lung tung” một cách thiếu trách nhiệm về rất nhiều vấn đề xã hội.
– Trong đó, một số trí thức nhà nước nổi tiếng Trung Quốc chưa từng tiến hành nghiên cứu toàn diện, sâu sắc đối với thương mại nhất là thương mại Trung – Mỹ, là “ngoại đạo” nhưng ưa phát ngôn.
Cuộc chiến này nổ ra, họ cực kỳ khinh suất khi cho rằng “lấy chiến tranh để chấm dứt chiến tranh”. Hiện nay, sự nông nổi và “tự cho mình là đúng” này của trí thức Trung Quốc có lẽ là một CUỘC KHỦNG HOẢNG LỚN HƠN, SÂU SẮC HƠN CỦA TRUNG QUỐC.
2. Chê trên có đúng không thì chưa biết, nhưng sự thể đủ cảnh báo chúng ta, rằng:
Trung Quốc to đùng là vậy, trí thức Việt Nam hôm nay có nghiên cứu sâu sắc và toàn diện văn hóa/ dân tộc KHÁC để có thể phản ứng kịp thời và thông minh trước vấn đề của thời cuộc không? Về Mỹ, Pháp, Đức, Đông Nam Á…?
Hay ta mãi “Vài nét về…” như thời bao cấp?
Trở lại trí thức Cham, nghiên cứu về mình là cần, và gấp nữa. Nhưng tại sao chỉ có MÌNH, mà không là KHÁC nữa?
Về văn hóa, con người, văn học nghệ thuật, và….
Của Việt, các dân tộc thiểu số Việt Nam, Đông Nam Á, Pháp, Mỹ, vân vân.