TÍN NGƯỠNG, MÊ TÍN & CUỒNG TÍN

[Đặt Nền Triết Học Đạo AHIÊR-AWAL.III: ADAT VINAYA LUẬT-2]

Yāng tabiak di pabah lôg: Thần từ miệng thế gian mà sinh
– ông bà Cham nói thế.

1. Chuyện chung.
Khoảng đầu thập niên 1980, một bà mẹ Việt từ miền Trung ôm con thơ lội bộ vào Sài Gòn tìm sinh nhai. Đến ngả quẹo Cà Ná, đứa con trở nặng rồi tắt thở, túng thế, bà mẹ tội nghiệp này mới bế thi hài con đặt lên tảng đá cao, và bỏ đi. Thi thể rã ra dính chặt vào đá, dân xung quanh muốn mang đi chôn, không cách nào gỡ ra được.
Thế là tin!
Tin và cúng. Dân địa phương cúng, rồi các bác tài lái xe ngang qua cũng bắt chước cúng; đến kẻ không tin thần thánh cũng dừng xe cúng: Thôi thì bao nhiêu đâu, đường xa bất trắc, một nải chuối với ba cây nhang cho linh hồn cháu, cho trót…
Tấp nập đến kẹt xe, để rồi phải 20 năm sau, công an mới dẹp yên thứ “thần yang” nẩy ra từ miệng thế gian này.

2. Chuyện Cham.
Sinh linh yểu mệnh, thai nhi chết trong bụng mẹ được gọi là ANÜK TALABUH.
Theo một vị Imưm ở Pabblāp Birau, trước 1980, Cham chưa có lệ cúng “thần” này, mãi vào năm 1978, làng có người bệnh lạ chữa thế nào cũng không khỏi, mới qua nhờ một vị Imưm làng khác [xin giấu tên]. Ông này cho biết: “do con talabuh hành”. Ông bày cách cúng: đơn giản thôi, và như thần – bệnh dứt hẳn.
Tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn xa, thế là bà con bắt chước. Đến 20 năm sau, nhà nhà làng làng khi có chuyện, đều “đi nghe thầy” cho “nó ăn”: Ngak ka anük Talabuh. Lễ không còn giản đơn như trước, mà có khi to ngang một Đam Mưtai thực sự. Tốn từ 4-5 triệu một đám, chớ chẳng chơi.
Mà thời hiện tại, người nữ theo lối sống hiện đại [trong quan hệ] trong khi suy nghĩ thì cổ hủ, nên đời người có khi có đến 3-4 con/ thai nhi yểu mệnh.

Hai Yāng mới này từ đâu mà ra? – Từ miệng thế gian. Đó chính là MÊ TÍN.

3. Trong sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng cộng đồng, MÊ TÍN hành hạ sinh linh Cham khủng gấp nhiều lần TÍN NGƯỠNG.
Xin miễn đề cập đến chuyện đội giá ở các Đám Cưới Đam Likhah, hay Vào Nhà mới Tamư Thāng Birau… trong vài chục năm qua, bởi đó do tùy hứng/ học đòi mang tính cá nhân, tôi chỉ nhấn vào chuyện nội tình tôn giáo tín ngưỡng Cham. Có 2 dạng:
– Lễ Đầu năm Rija Nưgar, Lễ Cúng Thần Sóng Pô Riyāk, hay cả Lễ Katê trên tháp [không tính tiệc tùng ở nhà], là các lễ mang tính cộng đồng, Cham chi phí rất ít. Tất thẩy cho mỗi lễ chưa tới 1 triệu đồng!
Đó là TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN.
– Còn Rija Dayaup, Rija Prong thuộc phạm vi gia đình hay tộc họ [khi nhà có chuyện, vì tin mà hứa với Thần Bbôn Yāng], phí tổn cho một cuộc có khi lên đến 20 triệu.
Chính là MÊ TÍN.
Cần PHÂN BIỆT rạch ròi 2 phần để không bị nhầm lẫn.

4. Còn CUỒNG TÍN thì sao?
KM kể trong tác phẩm Palei Phước Nhơn Của Tôi:
Năm 1960, Islam được truyền vào palei Bà-ni này. Ý chính:
“Islam rất hay, cũng duh Pô (phụng sự Allah) như Cham mình ở đây, nhưng không Ngak Yāng (cúng tế) thần Yang. Nghĩa là vẫn là Hồi giáo nhưng không mê tín dị đoan.
Đây là quan điểm được cộng đồng ủng hộ, bởi lâu nay người Cham đã bị bao nhiêu lễ lạt cúng tế gây hao tiền tốn của, nên nghe thế ai cũng thích, và rủ nhau tin. Có thể nói khi ấy bà con Phước Nhơn theo Islam gần hết.
Đó là vào cuối năm 1961. Để rồi chỉ sau 4-5 tháng, con số “gần hết” ấy rời bỏ Islam ngay, khi quan điểm mới này VA CHẠM VỚI THỰC TẾ TÍN NGƯỠNG BÀ-NI.
Trước tiên là Ngak Đôk Tian Cúng lúa làm đòng liên quan trực tiếp đến lễ nghi nông nghiệp; rồi chuyện vứt bỏ Ciêt Atau là biểu tượng của dòng họ, cuối cùng là bỏ Êo Yāng (cúng thần Yang) trong nhà. Bà con Bà-ni kêu: Bảo Cham bỏ gì thì được, làm sao mà bỏ thần Yang!
Cuối cùng dẫn đến xung đột, bị thương, chia xé…”

Cho rằng tôn giáo nào cũng hay, không ai phản đối. Truyền đạo mình vào một cộng đồng nào đó, cũng là chuyện thường tình trên thế giới. Nhưng chỉ vì đức tin tôn giáo – không kể bên nào – mà hành động dẫn đến CHIA XÉ cộng đồng, thì đó là thái độ cuồng tín rồi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *