Đặt Nền Triết Học Đạo AHIÊR-AWAL.III: ADAT – VINAYA – LUẬT.01. CHAM NHÌN GẦN

[nói thêm về chữ TÙY TIỆN]

PADŌK PABÊN XAKARAI AGAMA: Đặt Nền Triết Học Đạo AHIÊR-AWAL, gồm 5 mục lớn với nhiều tiểu mục. Để tiện cho Mik wa, Adei xa-ai & Yut côi theo dõi, tạm nêu các mục lớn như sau:
MỞ – I. Giáo chủ Pô Rômê – II. Đất thánh & Hành hương – III. ADAT – LUẬT thế nào? – IV. Tín đồ – V. Dọn đường cho XAKARAI – LUẬN.
“Đặt nền” này sẽ hoàn thành trước mùa Katê năm nay.
Karun Mik wa, Adei xa-ai & Yut côi đã đọc và ủng hộ. – Sara.

*
Dùng một từ định danh cho căn cước Cham, tôi không tùy tiện, mà đặt nền tảng trên điều nghiên kĩ lưỡng qua thực tế nhiều vùng miền khác nhau ở các thời điểm khác nhau. Từ thực tế ấy, tôi rút ra kết luận, và định danh, trong đó có “tùy tiện”, “tinh thần Tùy tiện Cham” hay nói vống để gây chú ý xíu, là: “Chủ nghĩa Tùy tiện Cham”.
[Ở chân trời khác, tôi gọi nền phê bình văn học VN cảm tính, cảm tình và [khen, chê] tùy tiện, cũng vậy. Không phải phát ngôn vô bằng, mà dựa trên các nghiên cứu kĩ lưỡng trước đó; từ đó tôi mới bày ra Phê bình Lập biên bản để bước đầu đặt nền móng khoa học cho phê bình].

Để bàn vào vấn đề, tôi xin lấy 3 ví dụ gần nhất:

1. VỀ XAKAWI qua phân tích thì quá rõ rồi, sự sai lêch và làm KHÁC nhau gây lao đao cho cộng đồng không ít. Nếu không dùng chữ “tùy tiện” thì các bạn đề nghị tôi dùng từ gì cho chuẩn nào?(1)
Riêng cách thức tổ chức Rija Nưgar ở 4 palei như đã nêu, dù nó chả làm hại ai, nhưng vẫn nói lên sự “tùy tiện” của Cham.(2)
Xin cho qua 2 vụ này.

2. VỀ ĐẤT PÔ RIYĀK ở Vĩnh Trường [nơi dự kiến đặt văn phòng Nhà máy ĐHN1]. Ngay thời gian đầu, tôi được cho biết Ban Dự án tính bồi thường rất lớn, NẾU CHAM CHỊU DỜI. Để bà con có ĐẤT, có ĐỀN mà thờ phụng.
Nhưng rồi Văn Lâm thì muốn dời qua Bàu Ngứ, các palei Cwah Patih, Katuh và… thì đòi dời lên cạnh làng Việt Hòa Thủy. Cuối cùng đến hôm nay Cham không có đất, chả có đền, nói chi BỒI THƯỜNG!
Năm 2016, bà con còn hành lễ ở 2 nơi: Pô Ông ở Vĩnh Trường [là trung tâm] và Pô Mūk cách trung tâm 3km. Còn năm 2017, thì chỉ có palei Cwah Patih, và… qua hành lễ ở Pô Mūk.
Vậy là, chỉ vì nghĩ KHÁC nhau, và nhất là ta chưa nghiêm túc ngồi lại thảo luận tại sao chọn địa điểm này mà không chọn chỗ kia, mà Đất Pô Riyāk có thể bị bỏ quên. Để rồi Cham nguy cơ mất NÓ luôn!
Lỗi tại ai? Các bạn có đau không?
Ta nên DÙNG TỪ NÀO để định danh sự vụ này cho chính xác? Bà con và các bạn hãy nghiêm túc trả lời đi. Dùng chữ TINH THẦN CỤC BỘ thì không nên, do đó tôi đã chọn chữ nhẹ nhất: TINH THẦN TÙY TIỆN.

3. Đầu tháng 3-2018 về quê, tôi nhận bản sao: “Quy ước lễ tạ công đức trong các lễ tục Chăm Bà-la-môn (số 04/HĐCS/CBLM) do Cả sư Hán Đô kí ngày 1-1-2018. Văn bản quy định chi phí cho các đám-lễ thuộc Cham Ahiêr.
Đã có QUY ĐỊNH, nhưng rồi có vài vị làm KHÁC, nghĩa là vi phạm ngay khi Quy định kí chưa ráo mực. Nêu chuyện này ra thì hơi buồn, dẫu sao tôi trình bày cho mọi người rõ (xin giấu tên làng, người kể, và đương sự trong cuộc).

– Lễ Dựng Kut, ở thời điểm bàn thảo, một vị chức sắc Paxeh định giá: 15tr, khi ông Mưdôn Gru mang lễ này ra so sánh với Rija Prong, thấy “oan” quá – bên kia mới chịu bớt dần, để còn lại: 8tr.
Đã kí, nhưng rồi một vị ra giá riêng: 12tr, và viện lẽ:
“Do bên gia đình chịu lễ yêu cầu, chứ tôi có đòi đâu!”
Chú phụ trách giám sát Quy ước kêu: “Tùy tiện thôi là tùy tiện! Chú mầy chịu thua rồi Sara ơi…”

Đã kí, đã thỏa thuận nhưng rồi một vị ở bộ phận khác kêu:
– “Ai dạy tôi làm “thầy” mà dám định giá cả cho tôi?”
Một trí thức trả lời vị ấy:
– “Cham có đào tạo anh giáo kia đâu, mà chính cha mẹ anh nuôi anh thành tài chứ, nhưng khi ra trường dạy học, anh ta phải chấp nhận KHUNG GIÁ chung của Nhà nước để nhận lương?”
Không phải sao?
Ông dứt khoát không tuân thủ “Quy ước”: 300.000đ, mà đòi: 500.000đ, nên gia đình Chakleng qua mời “thầy” làng khác: 200.000đ cho lễ này.
Đây không phải hiện tượng cá biệt, mà nảy ra từ đơn lẻ rồi nguy cơ thành ĐẠI TRÀ [như ở quá khứ], để sau đó “Quy chế” được/ bị làm lại, và cứ LẶP LẠI. Vụ này tôi không dám dùng chữ THAM LAM, mà chỉ là do TÙY TIỆN – không nhẹ hơn sao!

Tạm kết.
Một hiện tượng tự nhiên hay xã hội nào bất kì cần có tên gọi. Tên gọi càng chính xác càng tốt. CHÍNH DANH thì mới mong có GIẢI PHÁP đúng.
Đặt tên cho một hiện tượng là NHẬN ĐỊNH, chứ không phải chê bai, chê bai tổ tiên mình thì càng không.
Các hiện tượng như trên là có thật trong xã hội Cham, nó xảy ra thường xuyên và kéo dài, kéo dài từ lâu – nên nó không còn là “tinh thần” nữa, mà trở thành “chủ nghĩa”.
Chỉ có người nào chịu ĐI VÀO LÒNG xã hội, thật sự VA CHẠM sự thể mới thấy hết bao nỗi ấy: Đau, từ đó quyết tìm cách giải quyết. Còn nếu bạn ở ngoài nhìn vào, hay chỉ nhìn ở bề MẶT CHỮ, thì dù tinh thần dân tộc bạn có cao tới đâu, bạn cũng chỉ là một Outsider mà thôi.

_______

(1) XAKAWI. Xưa, Cham viết 3 tập thơ về Lịch, ở đó tác giả nào cũng cho mình đúng cả, rồi RỦA phía bên kia: ai dùng sai sẽ tàn mạt cả dòng họ. Hơi bị ghê!
Thời Pháp, ông Huyện Cham kêu 3 Adhya về huyện quyết một lần “thống nhất” nó cho xong. Đã chấp thuận, đã lăn tay, vậy mà về nhà cứ chủ nghĩa tùy tiện mà hành. 2-3 lượt ông mời về, hết giải thích đến dọa vẫn không xong, cuối cùng ông buộc phải dùng tới biện pháp mạnh, và khá ác: Đánh; đến nỗi sau đó vị kia về nhà đổ bệnh mà mất.
Từ đó đến 1990, Cham không thôi tùy tiện. Mãi năm 1991, Hội Bảo thọ Chakleng [ông Châu Văn Mỗ, Quảng Đại Hồng và tôi] mới mời các nơi về Chakleng họp thống nhất. Lẽ ra Lịch thống nhấy này đã in ngay năm đó để “định”, nhưng bất thành.
Hôm nay trong cộng đồng Cham có đến 3 Lịch khác nhau, và ai cũng nghĩ mình… đúng, và “ông kia biết gì Xakawi mà nói”. Rồi cãi nhau. Sự thể không tùy thuộc vào yếu kém về KIẾN THỨC mà, tùy tiện.

(2) RIJA NƯGAR là lễ quan trọng nhất của Cham, thử nhìn 4 palei:
Chakleng: 1 cái Kajāng, Halau janưng là: Mưdôn và Ka-ing.
Cwah Patih: 2 cái Kajāng, Halau janưng là: Mưdôn và Ka-ing + Acār [đương nhiên, vì đây là palei Bà-ni].
Thôn: 1 cái Kajāng, Halau janưng có: Mưdôn và Ka-ing + Acār ăn Bánh Patih [5 năm qua họ không mời Acār nữa, vì “ăn” có vài phút thấy… mất công quá!]
Bal Riya: 1 cái Kajāng, Halau janưng là: Mưdôn và Ka-ing + Kadhar [ko có Acār].
+ Thêm: Xưa nay tất cả lễ đều nhường cho Rija Nưgar, 2 năm nay, người ta quyết Rija Nưgar phải tránh tháng Sahban!!!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *