Sống minh triết 30. THĀNG HALAM & ĐỨA CON CỦA ĐẤT

Tôi
đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao

[Tháp Nắng, “Đứa con của Đất”, 1992]

“Ngọn gió lang thang”, “biển khơi trùng trùng bão thét” là biểu tượng của chuyển di, của động và dịch; ngay “nắng lửa”, hay “đôi mắt tháp Chàm mất ngủ”, nhìn ở bề khuất và bề sâu, cũng là sinh thể đang chuyển dịch. Vậy mà đứa con của bao cái động ấy, vẫn cứ là “Đứa con của Đất” – biểu tượng của sự ngưng đọng, đứng yên, tích tụ.
Không có gì mâu thuẫn ở đây cả. Cây càng vươn cao lên khoảng xanh thì rễ phải được đâm sâu xuống vùng đất đen. Diều muốn bay cao, nó càng cần đến sợi dây dẫn về chiếc cọc cắm vào nền đất. Ngay con thuyền viễn dương cũng cần đến sợi dây vô hình kết nối để nó còn cơ may tìm về mảnh đất quê hương.

Người Việt có thành ngữ: “Nơi chôn nhau cắt rốn” để chỉ quê cha đất tổ. Cham thì khác. Ông bà nói: “[Nơi] chôn nhau đặt viên gạch” (Dar thōk padōk kiak). Chôn nhau chỉ mới liên quan đến máu mủ, còn “đặt viên gạch” [dựng tháp] là đặt nền móng cho đời sống tâm linh. Đó là huyền nghĩa của Đất. Nhà được dựng trên Đất đó.

Tôi là kẻ lang thang, lang thang từ tuổi lên bốn chăn trâu, kéo dài qua thuở Tiểu học bán cà-rem vắt sang Trung học phiêu lưu vào các palei Cham cho đến khi bỏ giảng đường Đại học lang bạt qua bao tỉnh thành trên đất nước Việt Nam.
Rồi đi rồi đi rồi đi
Biệt như mây thuở chưa kì hẹn sông…
Đến khi vào làm dân Sài Gòn, định mệnh ấy không một lần rời bỏ tôi: LANG THANG. 9 nhà trọ tôi sống qua, và cả khi có nhà riêng, tên cha mẹ đặt cứ vận vào tôi: PHÚ TRẠM. Thành phố 26 năm, tôi chưa có một chỗ ngủ, bàn làm việc gọi là.

Bởi Cham văn hóa biển, đất được sinh linh Cham khao khát hơn bao giờ.
Thế nên, dẫu lang thang tới đâu tôi cũng quay về với đất.
Hậu 75, bao cơ hội vượt biên ngon lành, tôi vẫn không thể rời bỏ đất.
Đất chính là Đất Mẹ, biểu tượng của NỮ, CÁI, của sản sinh và tái sinh.
Những lần nơi Atah pakei karei angan Xa làng khác tên gọi, khi trí mòn sức cạn, tôi đều quay về Chakleng, trở về với Đất bơm sinh khí mới để lao vào cuộc chiến trở lại.

Đất, tôi thèm có THĀNG HALAM. Thèm, như là một ám ảnh. Thèm này thể hiện ngay trong tiểu thuyết Palei Có Gì Lạ Không Em? được viết và post liên tục lên Inrasara.com mùa Hè năm 2014.
Một THĀNG HALAM mộc mạc mà sang trọng. Ở đó dung chứa tất cả sản phẩn tinh thần của tôi, của Cham xưa và nay; ở đó có cà phê và trà, có kinh sách Ahiêr Awal cùng không khí tri thức thu hút tinh hoa Cham đến để LUẬN về Đạo Ahiêr-Awal.
Nó phải là NHÀ cắm sâu vào ĐẤT – nơi trú ngụ dành cho những ĐỨA CON CỦA NGỌN GIÓ LANG THANG luân lạc trở về.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *