Bùi Văn Nam Sơn là con người được/ tự khai sáng đạt tầm cao tuyệt. Cao, và qua dấu chân triết gia tiền bối, anh trở lại “khai sáng” chúng ta. Không kêu mình “triết gia”, mà – rất khiêm tốn, anh vui vẻ nhận danh vị người đời gán cho anh: Nhà nghiên cứu triết học.
*
Tôi từng say mê các nhà văn: Bùi Giáng, Chế Lan Viên và có nhiều cơ hội “gặp” họ, nhưng tôi không ham thích.
Các nhà nghiên cứu nổi tiếng: Nguyễn Hiến Lê, Cao Xuân Hạo tôi từng nghiền nát công trình họ, cũng thế. Với nghệ sĩ thời danh như Trịnh Công Sơn, hơn mươi bận thấy anh lù lù từ xa, hoặc anh đi ngang qua tôi đang ngồi cà phê ở Hẻm Trịnh, chỉ cần kêu một tiếng: “Sara thi sĩ Chàm đây” [mình cũng nổi tiếng chớ bộ], là anh không ngại quay lại ngồi, nhưng tôi không. Cả Phạm Duy, cùng dự Tuần Triển lãm Nhân vật Việt Nam tk XX tại Nhà Văn hóa Thanh niên [có ông và tôi ở trỏng], tôi cũng không “gặp”.
Còn giới chính trị, tôi suýt có ảnh chung với Nông Đức Mạnh. Là thế này: Giờ giải lao Đại hội Nhà văn, nhà thơ Dương Thuấn hú/ ngoắt anh chị em nhà văn dân tộc thiểu số hội lại chỗ Tổng bí thư đang “chờ”, xong anh chạy qua kéo tay tôi lôi tới, thì đột ngột tôi nghe ai đang kéo mình giật lại: nhà văn Kim Lân. “Sara không phải làm chuyện đó… lại đây với tôi” – ông nói. Thế là tôi bị hụt.
Ngay như cánh chữ nghĩa đương thời tôi khoái là Tạ Chí Đại Trường hay Nguyễn Hưng Quốc có ghé nhà tôi chơi, tôi cũng chả có được tấm ảnh nào mang khoe bà con. Hôm nay với Bùi Văn Nam Sơn cũng hệt. Hai tôi gặp mặt khá thường xuyên, vậy mà mươi năm qua tôi mới có với anh hai tấm ảnh… lu mờ này [photo].
Tôi viết về anh như sau (in cả 2 báo Đà Nẵng cuối tuần & Bình Thuận cuối tuần)
Inrasara
VỚI BÙI VĂN NAM SƠN, TRIẾT HỌC KHÔNG ĐÂU XA
Đây là con người bình thường vĩ đại: Bùi Văn Nam Sơn, tôi dám nói thế. Ở Việt Nam, của hôm nay.
1. Lớn, bởi đây là “một người uyên bác, biết thành thạo nhiều thứ tiếng: Hy Lạp, Đức, Anh, Pháp, Hoa; một bộ óc khổng lồ về tri thức triết học.” – như Chungta.com cho biết.
Anh sinh năm 1947 tại Vĩnh Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam; học triết học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn; rồi sang Đức du học (khoa Triết) tại một Đại học lớn với các triết gia hàng đầu. Về nước, anh dịch, chú giải, hoặc giới thiệu, chú thích, hiệu đính các tác phẩm triết học và khoa học xã hội. Có thể kể: Phê phán lý tính thuần túy (2004), Phê phán năng lực phán đoán, Phê phán lý tính thực hành (2007) của I. Kant, Hiện tượng học Tinh thần (2006), Khoa học Lôgíc (2008) của G.W.F. Hegel. Vân vân.
Đây là các tác phẩm triết học nền tảng quan trọng, được làm rất công phu bởi bàn tay của một dịch giả và là người hiểu biết triết học bậc thầy, điều mà trước đây hiếm có tác giả ở Việt Nam làm được. Lâu nay chúng ta hay than phiền về sự thiếu căn bản của sinh viên khoa học xã hội về triết học, tư tưởng; càng than phiền hơn về hiện tượng dịch sai, dịch ẩu, nhất là diễn giải ngoài lề ít liên quan đến văn bản gốc. Sự khởi đầu của Bùi Văn Nam Sơn gợi ý, và phần nào giải quyết vấn đề nan giải đó.
Điều anh quan tâm trước hết là “Khai minh” (Sapere aude! (Latin: “Hãy dám biết!”) – hiểu theo nghĩa của Kant. Đó “là việc con người đi ra khỏi sự không trưởng thành” tự thân, hay do chính mình chuốc lấy. Việt Nam chưa có triết học, chúng ta còn chưa nhận rõ sự thiếu khuyết ấy, và càng không chuẩn bị để vượt qua tình trạng “chưa trưởng thành” kia. Do đó chúng ta cần bắt đầu, từ đây và ngay bây giờ. Và phải biết bắt đầu: học từ nền tảng. Không đi đường vòng, càng không nóng vội đi tắt đón đầu.
Rất khiêm tốn, anh bộc bạch:
“Đối với nước ta, công cuộc tu thư ngày càng bức thiết để nhanh chóng lấp khoảng trống về học thuật, bù lại những quãng thời gian và cơ hội đã bị bỏ lỡ, nhằm tiếp cận một cách toàn diện hơn, chính xác hơn các trào lưu tư tưởng và thành tựu khoa học trên thế giới. Việc dịch sách kinh điển là con đường ngắn nhất trong việc tiếp phát văn hóa (…) Người học cần tiếp xúc với tác phẩm đầu nguồn của khoa học thế giới. Đây là điểm yếu của nền học thuật Việt Nam, vì ta đang thiếu nhiều công cụ cơ sở cho người học. Phần tôi, vẫn tiếp tục cố gắng đóng góp một phần nhỏ vào tủ sách cùng với nhiều người khác.”
2. Bình thường, bởi Bùi Văn Nam Sơn chưa hề nhận mình là triết gia, mà chỉ là người nghiên cứu triết học. Anh khởi đầu từ điều rất nền tảng: tri thức hàn lâm. Tôi xin lặp lại, hàn lâm nhưng với suy nghĩ làm sao tri thức ấy đến với đối tượng phổ thông, đối tượng mà triết gia xưa nay rất ngại, ngại và tránh, anh dấn vào.
Trong buổi trao đổi với Nguyễn Hữu Liêm – Giáo sư Triết học tại San Jose City College, California, người đã in vài tác phẩm triết học, trong đó có tác phẩm khá đồ sộ: Thời tính, hữu thể và ý chí – Một luận đề Siêu hình học (2014), tôi hỏi: – Nếu dạy triết học ở ĐH Việt Nam, anh bắt đầu từ đâu? – Từ tư duy phản biện (critical thinking)! – anh nói.
Câu hỏi đặt ra, là: Khi chúng ta còn chưa có hiểu biết căn bản, thì làm sao ta có ngón nào đó để mà phản biện? Cần phải học là vậy. Tuy nhiên Đại học chúng ta đến hôm nay vẫn chưa chuẩn bị cho sinh viên kiến thức triết học cơ bản đó. Làm gì? Và làm thế nào? Bùi Văn Nam Sơn đã khá rành mạch:
“Ngày nay, triết học không còn là đặc sản của những “thiên tài” cô độc hay của những triết gia chuyên nghiệp. Triết học sẽ dần dần trở thành món ăn tinh thần quen thuộc cho mọi người (tất nhiên người ta vẫn có thể sống mà không cần triết học cũng như có thể hô hấp và tiêu hóa mà không cần biết đến môn sinh lý học!). Nó gắn liền với sự phát triển của khoa học và với lối sống hiện đại, tức với lối sống có suy nghĩ và có cái nhìn toàn diện. Lý thuyết khoa học là sự trừu tượng cấp một; triết học là sự trừu tượng cấp hai, thế thôi. Càng có năng lực tư duy trừu tượng, càng dễ tự định hướng trong mớ bòng bong của cuộc đời muôn mặt.”
Anh nói, và anh làm. Năm 2016, anh cho ra mắt: Chat với John Locke, Chat với Hannah và Ý niệm hiện tượng học (E. Husserl). Rồi còn hứa hẹn với Jean-Paul Sartre, Martin Heidegger… nữa. “Chat” là tán gẫu, là “tám” về triết học. Ngoài giảng đường, ở vỉa hè, trong cuộc lai rai, và bất kì đâu có thể. Để bàn về triết học. Không thực tế và độc đáo sao?
Tôi chưa thấy tác giả Việt nào viết về triết học đơn giản, dễ hiểu và hấp dẫn thế. Lê Tôn Nghiêm hay Trần Đức Thảo thì hàn lâm quá; Phạm Công Thiện tài hoa, lôi cuốn nhưng đọc rồi… ít ai hiểu ông nói gì! Còn Bùi Giáng thì ôi thôi, chỉ có kẻ nhập cuộc chơi với ngôn ngữ ông mới chịu được ông. Bùi Văn Nam Sơn thì khác: hàn lâm rất mực, mà vẫn gần gũi kì lạ. Có đọc trăm thuật ngữ triết học của Heidegger mà anh dịch lại sau bốn thập niên các tác giả khác đã dịch, mới biết anh hàn lâm và kĩ lưỡng cỡ nào. Và có nhìn thấy tận mắt hàng trăm độc giả chen chúc nhau đến với anh ở buổi giao lưu “Trò chuyện Triết học” tại tòa soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 28-6-2012, mới thấy được “sức hút” của anh ra sao.
Tôi cho đó là một hiện tượng hiếm trong cuộc chữ nghĩa Việt Nam hôm nay.
Tóm lại, theo nhà nghiên cứu triết học họ Bùi, triết học không đâu xa mà ở ngay cạnh mỗi người chúng ta; triết học không [được quyền cho phép mình] đứng cao hay thấp hơn con người. Như đại biểu xứng danh của nó hôm nay ở Việt Nam: Bùi Văn Nam Sơn. Những gì anh nói và viết không thể hiện anh cao hay thấp hơn độc giả phổ thông đến với anh, đọc tác phẩm anh.
Vĩ đại mà bình thường, là vậy!