[Trả lời chung] Các bác, các bạn FB thân mến!
Được các bạn đọc và còm là quý rồi, xin karun! Chỉ lưu ý 2 điều:
– Đề tài ta đang bàn là mênh mông, cả đời nói không hết, nhất là ta chưa đủ tầm để bàn về chúng.
– Ở đây tôi chỉ NHẮC VỞ bạn văn, và xếp nó trong mục ĐỜI LÀ VUI. Thế nên, nó càng không phải là một phản biện, tranh luận.
Vài điểm xin được nói thêm:
– “Đời là vui”, nên các vị như: “chánh tạ”, “sựa” cần có mặt cho nhẹ nhõm cho vui cuộc, chớ căng quá thì mất vui.
– Nhà tư tưởng ứng xử với chữ thì cực kì. Đọc Heidegger mới biết tay này siêu thế nào. Chuyện nhắc vở ở đây không thuộc chuyện “biên tập”, mà là ứng xử. Bạn NHĐ ưa trích châm ngôn, danh ngôn mà ít khi phản tỉnh về nó, nhất là thuật ngữ và cách dịch – tiếc là vậy. Ví dụ các thuật ngữ của Heidegger, Lê Tôn Nghiêm dịch rồi, Phạm Công Thiện cũng đã dịch rồi, mới đây Bùi Văn Nam Sơn ưu tư và dịch lại – cực kì. Làm triết học cần đến thái độ đó. Bạn NHĐ thiếu… nỗi cực kì này.
[về Juge, le soir, la soirée… bạn đừng nói thêm thì hay hơn].
– Bạn NHĐ cũng hơi… vội, trong khi nghệ sĩ cần làm như R.M. Rilke (Sara có trích trong ĐỜI LÀ VUI trước: “Hãy chờ đợi một cách tín thành…”). Vì vội, nên bạn hay gom – một gom rất tai hại, ví dụ: “… sức vóc và thể tạng của người châu Á cho dù cả Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn còn quá yếu, chưa nói đến lúa nước bì bõm Việt Nam”.
[Ở tiểu luận: “Văn học ĐNÁ trong tâm thế hậu thuộc địa”, “Giải Nobel cho văn chương Việt Nam, tại sao không?”, “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”, “Bế tắc sáng tạo”… tôi suy nghĩ và thử bàn nhiều về vụ này. Dĩ nhiên tôi có thể bất cập, sai nhưng chắc chắn không vội].
– Về TÂY PHƯƠNG & ĐÔNG PHƯƠNG, ở Stt vừa qua tôi chỉ trích đoạn trong bài dài, như là một gợi ý. Đề tài này tôi cũng có bàn vài lần khi đối thoại với/ về Ohan Pamuk, và…
– Về thiếu LÍ THUYẾT, nỗ lực cá nhân là một chuyện, GIÁO DỤC mới là nền tảng. Nếu ĐH Việt Nam trang bị cho sinh viên [có xu hướng văn học, tư tưởng] các lí thuyết nghệ thuật mới, xu hướng hướng triết học mới, ta sẽ tạo được nền tảng. Từ nền tảng chung kia, ta bật lên các nhân tố, vân vân. Còn chưa nền tảng, nhân tố nào bật ra chỉ là may rủi!
Ví dụ đầu thế kỉ XX, Nhật gửi 1.000 du học sinh qua Đức học triết, từ ngàn này có 100 tiến sĩ triết học, từ trăm này nảy ra 10 triết gia, từ mươi này, Nhật có 2 triết gia lớn [con số phỏng].
– Đổ cho “sức vóc và thể tạng” ,Việt Nam [và châu Á] vô tình ta tránh tập trung vào THẾ CHẾ, CƠ CHẾ, và GIÁO DỤC thì nguy!
– Riêng về HẬU HIỆN ĐẠI, non 20 năm sống với nó [lí thuyết, con người, sáng tác, phê bình, tranh luận] tôi quá biết về ứng xử [tiêu/ tích cực] của người viết Việt Nam với nó.
+ Bạn NHĐ viết: “Inrasara cũng đã viết nhiều bài về hậu hiện đại. Tôi thì không tự tin về điều này lắm, vì tôi thấy nó là mớ bùng nhùng rất ít nội dung, giống một tác giả phê bình thế giới tầm cỡ nói: “Hậu hiện đại là chiếc túi đồng nát đựng những trò phá sản”. Vậy tôi không lần dò theo lý thuyết của nó, mà viết theo hướng cảm nghiệm.”
Thì không cần nói thêm.
+ Còn Việt Nam ứng xử với hậu hiện đại, có mấy loài sau: – Dị ứng với cái mới, xem cái mới là thời thượng, từ đó: mỉa mai. – Không cần biết hậu hiện đại, vẫn chống, do quyền lợi – Hiểu sai, hiểu lõm bõm hậu hiện đại, do đó: chống. – Dù bênh, nhưng lại hiểu sai hậu hiện đại. – Hiểu đúng hậu hiện đại, cổ súy và biện hộ – Cuối cùng, sống và viết hậu hiện đại.
Cá nhân tôi chỉ xin lưu ý, hãy học-hiểu nó căn bản mới bàn về nó, hãy theo dõi sát sao phong trào hậu hiện đại Việt Nam, mới nhận định về nó. Còn không ta xem nó là THỜI THƯỢNG, từ đó nói THEO thì không hay lắm.