Inrasara: HÀNH TRÌNH VĂN HÓA CHĂM – MỘT HÀNH TRÌNH MỚI

Đọc Hành trình Văn hóa Chăm, của Inrajaka, NXB Văn hóa Dân tộc, 2017
Hanhtrinh VH Cham
Hành trình Văn hóa Chăm của Inrajaka do nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành tháng 11 năm 2017, là tác phẩm đầu tay của một tác giả còn khá trẻ: 33 tuổi. Sách dày 200 trang, bao quát cả phạm vi rộng lớn thuộc nhiều lĩnh vực, khía cạnh của một vương quốc cổ, một tộc người đã dựng xây nền văn minh phát triển sớm trên phần lớn giải đất miền Trung Việt Nam ngày nay.
Tác giả dẫn đưa người đọc vào cuộc hành trình thú vị: Từ lịch sử vương quốc Champa đến lai lịch tộc người Chăm, từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần sang văn hóa ứng xử, đều được tác giả động cấp đến với một văn phong giản đơn mà không kém thú vị.
Cụ thể hơn, người đọc có thể nhận biết: Người Chăm là ai, và đang ở đâu qua tư liệu lịch sử cũng như truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian; tiếp đến là Hải sử và văn hóa biển Chăm với Cù Lao Chàm và Cửa Đại Chiêm trong quan hệ khăng khít với thế giới Đông Nam Á Hải đảo.
Văn hóa vật chất gồm ẩm thực, nhà cửa, trang phục, ngành nghề thủ công truyền thống, phương tiện đi lại và vận chuyển, di tịch lịch sử – văn hóa, vân vân là những khía cạnh đã được thông tin đại chúng đưa nhiều nhưng chưa đủ và nhất là – vẫn còn thiếu cái nhìn hệ thống. Hành trình Văn hóa Chăm thì khác. Nó cũng khác công trình mang tính hàn lâm như Văn hóa Chăm [của Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp] do Viện Khoa học Xã hội in từ một phần tư thế kỉ trước.
Đặc biệt Hành trình Văn hóa Chăm đưa độc giả vào những vùng đất độc đáo nhất của văn hóa Chăm, qua những câu hỏi cốt tủy: Tại sao người Chăm Bà-ni cúng tế tháp? Đâu là khác biệt giữa Islam và Bà-ni? Ở đây người đọc có thể tra cứu hay kiểm tra kiến thức của mình về Chăm như tra cứu từ điển bỏ túi. Về lễ hội chẳng hạn, có các “mục từ”: Yor yang, Katê, Cabbur, Pơh Bơng Yang, Rija Nưgar, Palau Paxah, Xuk Yơng, Ramưwan…
Về Văn chương, là: Sử thi Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra, Akayet Um Mưrup; Trường ca, là Ariya Bini Cam, Ariya Cam Bini, Ariya Xah Pakei, Ariya Glơng Anak, Ariya Po Parơng, Ariya Twơn Phauw, Pauh Catwai, Jadar và Ariya Nau Ikak; Gia huấn ca, có: Ariya Patauw Adat, vân vân. Rất tiện lợi cầm tay và tra cứu!
Cuối cùng, tác giả dẫn người đọc “Đi vào làng Cham cùng khám phá đời sống Cham” qua các palei Chăm cùng di tích: Kut, Ghur, đập, làng nghề cùng những lối kiêng kỵ rất Chăm. Ở đó vẫn tồn tại những huyền thoại, như huyền thoại về Harơk Kah, về Ma Hời và Vàng Hời, về Samri, Yang Ing và Ciet sách, về Mương Đực Mương Cái…

Chắc chắn chỉ có con người thực sự yêu quê hương làng bản mới có được tri thức bao quát và có cái nhìn toàn cảnh như thế. Và khi thực sự yêu, đứa con của Đất ấy mới đắm chìm vào miền thẳm sâu của nó như vậy. Cho dù rất khiêm tốn, như lời Inrajaka tâm sự ở (“Lời đầu sách”):
Sinh ra ở làng Chăm, 9 tuổi tôi vào Sài Gòn. Kí ức về quê hương là những cánh đồng chiều vàng tiếng dế, lang thang cánh rừng thưa, lũ bạn sông Lu, bầu trời sao, hay những đêm theo tiếng trống lễ tìm một chén chè ngon. Kí ức về văn hóa, hầu như không, có lẽ bởi ý thức con trẻ.
Lớn hơn, dần biết đến những khái niệm rộng và trừu tượng: văn hóa và bản sắc, lễ tục và tín ngưỡng, tiếng mẹ đẻ và những triết lý sâu xa, lịch sử và huyền thoại; và nhận ra nguy cơ mai một ngày một nhanh của một nền văn hóa giữa đa dạng tộc người Việt Nam. Ngay bản thân tôi cũng đã thành xa lạ với chính văn hóa dân tộc mình.
Tôi trở về, và bắt đầu chuyến hành trình nguồn cội, lang thang các làng Cham Pangdurangga, các đền tháp dọc dải đất miền Trung đến Thánh địa Mỹ Sơn, những xóm Bà-ni hiếm hoi còn lại ở Campuchia, một vài hậu duệ sót lại ở Baan Krua Bangkok. Tôi lạc giữa mênh mông di tích còn hiện hữu quanh các palei Cham, những câu chuyện kể kì bí và lôi cuốn, những nghi lễ / lễ hội nhộn nhịp và linh thánh, điệu múa, lời ca, kèn trống cùng đa dạng những diễn giải đầy lí thú. Trong tầm mươi năm, nhìn những ghi chú nhằm lưu lại dấu vết để về sau tìm hiểu cặn kẽ, dù vẫn còn rất nhiều để khám phá, tôi choáng ngợp trước bề sâu rộng của nền văn hóa tổ tiên để lại.
Bạn bè từ xa đến thăm, tôi thường huyên thuyên kể về những gì mình biết, rồi bạn bảo: sao không viết lại, để các bạn trẻ Cham khác cũng được biết, hay các bạn dân tộc khác quan tâm cũng được hiểu, để san sẻ và gần gũi nhau hơn. Đó là lí do quyển sách này chào đời, vắn tắt những gì mình đã đọc, nghe và thấy được
.”

Đó là lời nói từ đấy lòng, mộc mạc và chân tình.
Viết lại để san sẻ vài trải nghiệm, những kiến thức gom nhặt, với mục đích giúp bạn hữu đồng trang lứa cùng học hỏi, bên cạnh góp phần nhỏ vào hiểu hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên đất nước hình chữ S này. Thế nên đối tượng Hành trình Văn hóa Chăm hướng tới chính là độc giả phổ thông, do đó người đọc cũng đừng mong có khám phá mới mang tính đột phá về kiến thức về Chăm và Champa ở đây. Dẫu sao sự có mặt của tác phẩm là cần thiết, cả cấp thiết nữa.
Dĩ nhiên một tác phẩm đầu tay của một tác giả còn khá trẻ không tránh khỏi sự sai sót, nhất là khi nó có ý hướng bao quát một phạm vi rộng lớn của một nền văn hóa văn minh đã bị hao mất nhiều qua thời gian.
Tôi hân hạnh và trân trọng giới thiệu tác phẩm mỏng nay đến với người đọc cả nước.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *