Chế Diễm Trâm: TÌM CHĂM

[Những ô cửa nhìn ra vườn văn, NXB Văn học, 2017)

Ai đã từng nói chuyện với nhà thơ – nhà nghiên cứu văn hóa, văn học người Chăm Inrasara, có lẽ đều chung cảm nhận: anh hiền và vui tính. Tôi được đọc thơ anh trước khi gặp gỡ anh, nên tôi chuẩn bị tâm thế để tiếp xúc với một Chăm nhân bí ẩn như trong lòng tháp Chăm, như những bài thơ anh vậy. Bởi vậy, lần đầu nói chuyện với anh, tôi đã phí hoài gần nửa tiếng đồng hồ để xóa đi tâm trạng căng thẳng. Để rồi tôi đã có được một người anh, cả ngoại hiện lẫn nội tính đều rất “thiểu số” – rất Chăm.
Ai trò chuyện ngoài đời với anh Inrasara có thể thấy anh nói chuyện khá… khó khăn; để diễn đạt ý mình, đôi khi anh cũng phải dùng trợ lực của thủ ngôn! Nhưng đó là chuyện phiếm, chuyện “ngoại đạo” – tức là những gì không gắn với Chăm. Còn, chỉ cần nhắc đến Chăm, bất kỳ phạm trù nào liên quan đến Chăm, anh đều mang đến cho người đối diện sự hào hứng, ngỡ ngàng, khâm phục.
Tôi mang một cái họ rất “thiểu số”, rất Chăm. Chỉ nghe cái tên thôi, anh Inrasara đã coi như người nhà. Có chút cảm giao anh em, bè bạn nhẹ nhàng mà thẳm sâu. Và ngay lập tức, tôi được đặc lợi: được cầm trên tay, được gối lên sách Inrasara tặng, đắm mình trong huyền sử của một dân tộc tài hoa và hào hoa…
Tôi đi tìm Chăm trong thơ anh Inrasara với tất cả âu lo vì sợ mình không với tới được tinh thần Chăm huyền bí và kiêu hãnh; không chạm nổi cái mênh mang của nắng trên giọt tháp Chăm rơi từ lưng trời gió cát; không tri ngộ nổi tiếng thơ một Chiêm dân cần mẫn gieo hạt trên cánh đồng Chăm…
Cứ thế, tôi đi tìm Chăm trong hạnh phúc lẫn khắc khoải, tìm trong tiếng thơ Inrasara, từ Tháp nắng đến Lễ tẩy trần tháng Tư

Bừng ngộ cùng tháp và nắng
Không hiểu sao đọc thơ Inrasara, trong tôi luôn sống lại cảm giác một trưa tháng Bảy của Phan Rang, ẩn người dưới tán hoa tagalau [đọc: ta-gà-lào] tím thẫm trên cánh đồng nhấp nhô bàn chải xương rồng đang trổ hạt, ngưỡng vọng lên đỉnh Tháp lung linh dưới nắng hè bỏng xát. Dáng hình tháp Chăm trong đời và trong thơ Inrasara cho tôi run lên: dẫu thế nào, dân tộc Chăm cũng cố vươn lên, vượt lên kiêu hãnh mà dịu dàng:
Biết mấy trăm năm rồi tháp đứng
Biển bên kia và cát bên này
Biết mấy vạn đời rồi tháp nắng
Trên đồi hoang
như dấu lặng
phơi bày

Trong thơ Inrasara, dễ nhận thấy có sự phân thân để thành một hành trình ra đi – trở về, tìm kiếm – bừng ngộ. “Em” dại khờ rời Chăm ra đi, “văng vào phố” để đối diện mất mát, trống rỗng; “tôi” ngoái lại sau những tìm kiếm, giật mình bừng ngộ sự vĩnh hằng của hồn cốt Champa:
Em bị nhổ khỏi plây
bị văng vào phố.

Em không có dây chuyền, không có quần jean
mang linh hồn ngọn đồi
em lạc vào phố lạ.

Chuyến xe Sài Gòn – Phan Rang tôi đi lại quá trăm lần
Tháp có đó – tôi vờ như không có
Thoáng sát-na không gian bùng vỡ
Tháp hiện nguyên hình
tháp nắng
thênh thang
.
Dễ dàng thấy Tháp là hồn vía Chăm, hồn vía thơ nhà thơ Chăm: Tháp nắng, Tháp hoang, Apsara – Vũ nữ Chàm, Cái nhìn ngoái lại, Ngụ ngôn viết cho mình, Tháp Chàm muôn mặt… Đó là những bài thơ hay nhất của tập Tháp nắng, trong đó, Chăm an nhiên trong thao thức, Chăm động cựa vượt thoát lãng quên:
Tháp hoang
người bỏ rơi – lịch sử bỏ quên
bước chân thời gian thì nhớ

Đi với Tháp là palei với dòng sông Lu, đồi nắng và tiếng mõ trâu, là lễ hội Katê cùng tiếng trống baranưng, ginang, kèn xaranai, là truyền thuyết Glang Anak, bản trường ca ariya, làn dân ca đwa buk, là 41 inư akhah Cham KCT… Cả một khí quyển Chăm quần tụ bừng bừng thương yêu và nuối tiếc, tôi lạc vào và không muốn tìm lối ra.
Tôi say mấy câu thơ Chăm đẹp và lạ như khuôn mặt mộc:
Tháng Tư khô – bờ xanh xương rồng xanh
tháng bảy mưa – bằng lăng rừng nở tím
chạp lạnh sang – đồi mai rực sắc vàng
quê ta ba mùa, đủ ba mùa phiêu lãng

Mấy câu thơ không nhắc đến tháp và nắng nhưng đọc lên cứ thấy cả nắng và tháp. Bởi tháp luôn ở trên đồi cao, ở đó có nắng, có gió; tháp làm bạn với xương rồng, talagau và mai núi… Bốn mùa thì nghe quen lắm, hai mùa mưa nắng thì chẳng lạ gì, vậy nên lần đầu tiên tôi chạm đến “ba mùa” Chăm với những sắc màu xanh, tím, vàng chân mộc mà nồng nàn và lãng du, và đầy hấp lực… Phải chăng tinh thần Chăm luôn bừng bừng và hào sảng, chỉ có xuân – hạ – thu mà không tồn tại mùa đông lạnh ủ?

Tiệm ngộ tinh thần Cham
hình như đa số bạn yêu thơ anh Sara thích Tháp nắng mà “sợ” Lễ Tẩy trần tháng Tư: Lễ Tẩy trần nhiều ẩn ngôn, nhiều biểu tượng, tác giả cố tình mờ hóa hình ảnh, câu, chữ… đọc khá nhọc nhằn. Tôi cũng đọc đi đọc lại nhiều lần và cũng… chưa gọi là hiểu! Thơ hay đôi khi không phải vì cắt nghĩa được, có những câu thơ cả đời chưa hiểu nhưng vẫn thấy hay.
Cái hay của thơ Lễ tẩy trần tháng Tư ám ảnh, ran rỉ trong niềm “đau hoan lạc”. Cái gì đang tìm lại trong thất tán và chìm khuất mà không hạnh phúc đan xen khổ đau?
Có một hành trình tiệm cận – tiệm ngộ dẫn đến bùng vỡ trong Lễ Tẩy trần tháng Tư, bởi thế hình tượng thơ đi trong bóng tối, đêm sâu để ra phía sau của đêm sâu và bóng tối – “khoảng sáng”:
cánh tay kia muốn nói gì? nó đang cố rướn hết cỡ
bỗng đứt. Bóng nó lẩn vào bóng tối tối đen hơn
chỉ còn khoảng rỗng đường cong vươn về khoảng sáng
khoảng sáng cuối cùng
.
Trong hành trình ra đi có thật trong quá khứ và hành hương về “bên kia, về phía bên kia dòng sông quê hương” có thật trong hiện tại, hình tượng Tiếng hát [viết hoa] vút lên:
Niềm vui bất ngờ vang lên trong lễ hội
Cái cuối cùng có thể cứu vớt chúng ta:
TIẾNG HÁT

Cái tiếng hát ấy, cái tinh thần Chăm ấy – “không ai có thể hát thay chúng ta” – “điêu tàn” (thơ Chế Lan Viên) mà không bi lụy, bị bỏ quên mà vẫn không tàn lụi. Trái lại, phá hủy để sáng tạo, sáng tạo trong hủy phá, tái tạo và bồi đắp:
Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui
chịu chơi cả trong đau khổ.

Sông Lu với cánh đồng quê tôi
như thần Shiva với thế giới
Shiva sáng tạo và hủy phá
sông Lu làm lũ lụt và bồi phù sa

Nếu được chọn một bài Inrasara nhất, Chăm nhất, có lẽ tôi chọn “Tiếng trống Ginang” – bập bùng, bồng bềnh, bay bổng… Thi trung hữu nhạc xưa nay không hiếm, nhưng thơ Chăm chất chứa nhạc Chăm thì có lẽ không nhiều. Tiếng trống Ginang vang lên: cứng rắn và mềm mại, thánh thiện và huyền diệu, đau khổ và hân hoan:
chỉ ginang là có mặt
hùng tráng và dữ dội vĩ đại trong vĩ đại sang trọng của sang trọng sức mạnh và yếu đuối tội lỗi và thánh thiện huyền diệu của huyền diệu hiểm nguy hơn nguy hiểm chông chênh cạnh chông chênh cô đơn giữa cô đơn khổ đau vượt quá đau khổ hân hoan bên kia bờ hân hoan


Thơ là tiếng trống hòa âm với tiếng kèn, tiếng hát: âm rền như bão nổi, như sấm sét vần vụ trên cánh đồng cát; âm cao như gió cuốn mây bay đỉnh tháp giữa lưng trời xanh biêng biếc; âm đục như bánh rít của những cỗ xe trâu chở nước về làng chở luôn ánh hoàng hôn đỏ rực… Hình thể câu thơ, chữ nghĩa “phi nghiêm cẩn” và tung phá như chính bản chất Chăm, tinh thần Chăm vậy!
Nhà thơ – nhà văn Inrasara tự nhận: “Tôi say mê dân tộc của mình”. Điều đó là đương nhiên, hiển nhiên. Điều đáng nói và đáng quý, anh đã truyền cho bạn đọc tình yêu hướng về dân tộc Chăm thực tế mà không thiếu lãng mạn, kiêu hãnh mà hiền hòa, “kham nhẫn” mà tài hoa: “Như dân Chakleng quê tôi, tưởng thủ cựu mà phá cách đáo để, ngỡ bó gối ru rú lại đẻ bộn đứa con phiêu lưu ngang dọc, nhìn bề ngoài như nhát hèn nhưng là đất sản sinh đến ba cuộc cách mạng!” (Chân dung Cát).
Điều quan trọng nhất, thơ anh đã đánh thức độc giả, chí ít là với tôi, khát vọng đi tìm vẻ đẹp Champa từ trong sâu thẳm lịch sử mười tám, mười chín thế kỷ đã qua…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *