Giải ảo 5-6

Giải ảo 5. MẶC CẢM TỰ PHONG
[& chuyện chính trị chính em]

Chuyện Cham. Chả ai đề cử, chả biết ai giơ tay bầu ở đâu, mà ăn nói như thể mình đại diện cho Cham, thậm chí cho quyền lợi “đất nước” Champa. Từ đó, kẻ nào khác ý mình, ai phản bác mình dứt khoát phải dán nhãn cho nó: “theo Yuon”, làm tay sai chính quyền Việt Nam, đồng lõa với thế lực công an chống lại dân tộc Cham.
Miệng hô hào chống CS mà hành động thì hệt CS: Ai phản biện mình, kẻ nào yêu nước không theo kiểu mình đều bị gom bỏ chung rọ “thế lực thù địch”, chống lại đất nước và nhân dân.
Thêm cái vụ đưa lịch sử ra dọa: Mi thấy đó, 2 thế kỉ trước tên này tên này nè làm tay sai cho nhà Nguyễn để rồi không lâu sau đó bị chính nhà Nguyễn mang ra chặt đầu. Đúng là suy nghĩ trẻ con!

Còn cánh văn nhân Việt hôm nay mới kì…
“Được” công an theo dõi là niềm hãnh diện vô bờ bến, nhất là sau sự kiện HS-TS 2007.
“Sáng hôm qua thằng an ninh Quận nó mời mình cà phê…”, nhà thơ phát được câu đó ra với bằng hữu mà không có ai cãi lại, là đủ rung đùi cả ngày. Mà có lớn lao chi mô, chỉ là vài hàng Stt ám chỉ, xỉa xói này nọ trên cái FB.
Khác: “Tác phẩm này không thể in được ở trong nước, ông ơi” cũng là một cách. Hô to làm hàng xóm tưởng nhà ta đang chứa áng văn chương phản kháng dữ lắm, nhưng rồi khi cắt khẩu đi chầu Mác-Lê [á quên: ông bà], con cháu lục tìm đâu chả thấy tuyệt tác nào trong ngăn kéo…
Một tự huyễn khờ khạo và ngây ngô hết biết luôn.

Giải ảo 6. ẢO TƯỞNG ĐỒ NGOẠI (chuyện văn nghệ)

Không bằng cấp thì “không là gì cả”, thế nên ta cần bằng đút túi, để thiên hạ còn có cái để mà kính thưa ở các buổi hội thảo. Khi bằng cấp quốc nội xuống rồi mất giá, ta hướng đến bằng cấp quốc tế. Âu Mỹ càng tốt.
Gì chớ, có tiền tố INTER mới vững bụng.

Cánh viết văn…
Đoạt giải thưởng quốc tế thì oách hơn hẳn giải thưởng nước nhà. Nhà thơ có 1 bài thơ được Nhà xuất bản nước ngoài chọn in tập thì ưỡn ngực lâu hơn 3 bài thơ ta có mặt trong Tuyển Thơ Việt thế kỉ XX. Được nhà phê bình nước ngoài viết bài phê bình hay giới thiệu, thì mươi lần thơm hơn.
Chẳng cần biết giải thưởng, tuyển tập, hay nhà phê bình đăng bài ở báo/ tạp chí kia đang thuộc đẳng cấp nào, miễn đó là ĐỒ NGOẠI.

Chuyện vui. Ông phó Tổng biên tập tạp chí văn học lớn của Mỹ lúc đó đang ở Bắc Kinh phone sẽ ghé Việt Nam gặp tôi. Khi ấy tôi đang Sài Gòn, nên giới thiệu ông gặp một nhà văn ở thủ đô [tôi có gợi ý anh mời thêm 4 nhà nữa]. Non năm sau, tạp chí đăng bài viết về [và phỏng vấn] 3 nhà trong đó có anh. Sáng hôm ấy ở Hà Nội, trước mặt vài sinh viên, anh mang tạp chí kia ra, mở ngay trang có mình, ý tin cho thiên hạ thấy anh đã vươn ra tầm quốc tế. Ngay trước mặt tôi. Mà quên rằng chính tôi đã giới thiệu anh, kẹt là vậy!
Do quá ham cái mác inter quá, thành ra… quên. Ngay sau đó tôi có nhắc nhẹ anh, nhưng anh lơ đi.
Thêm chuyện vui khác. Một tiến sĩ văn học ngoại [đích thực] viết về thơ tôi, đăng tạp chí ngoại hẳn hoi. Một, hai, rồi ba bài, và còn hứa hẹn. Tôi thanks, thanks, thanks, nhưng không ý kiến dù ông ta vài bận nhắc. Rốt cùng ông không tiếp tục nữa. Người ta đọc mình, viết về mình thì mình quý, mình cảm ơn. Chứ chất lượng thì mình cần xem lại, MANG VI-RUT ẢO TƯỞNG vào mình có nước bệnh. Trong khi ở đó ông ta “diễn nôm” thơ Inrasara là chính. Kẹt thế chứ!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *