[Cảnh báo về nhầm lẫn dễ tạo nguy cơ]
1. Trưa 17-6, vừa đưa tiễn ông sui về với ông bà qua buổi cuối cùng Đám thiêu ở Hiếu Lễ, tôi liên tục nhận cú phone giọng đầy bức xúc từ những người quen ở An Nhơn và Phước Nhơn, về sự cố Chứng minh Nhân dân.
“Sara ơi, con/ em tôi bị chuyển đổi sang ĐẠO HỒI nè!”. Bà con không hiểu. Qua giải thích sơ bộ, ngay tôi cũng không… hiểu.
Bạn Đạo Tấn Triển: Tôn giáo em họ tôi là “Bà-ni”, không dưng con nó bị đổi thành “Đạo Hồi” là sao?
Chị Thành Thị Minh Hiền: Giấy khai sinh con tôi ghi rõ “Tôn giáo: Bà-ni”, còn CMND mới làm đầu tháng 6 viết “Tôn giáo: Đạo Hồi”, làm sao cháu nó thi đây, bác ơi.
Anh Đạo Dú (Phước Nhơn): Kiểu này như muốn xóa tôn giáo mình rồi, đây là sự xúc phạm.
Anh Tài Đại Ngọc Ty: Không sửa sai, bạo loạn là cái chắc.
Vân vân…
– Biết đâu các cháu làm đơn kê khai không rõ ràng, đã thành ra thế? – Tôi ướm thử.
– Không, một hai đứa thì có thể, chứ cả khối học sinh ở An Nhơn, Phước Nhơn không thể ngu hết. – Anh Ngọc Ty khẳng định như đinh đóng. Anh còn cho biết:
– Con Nguyễn Hữu Vạn ở Phước Nhơn 3 bị tình trạng tương tự, chạy sang Huyện xin sửa lại, thì được người của cơ quan chức năng cho hay: “Đó là ghi thống nhất cho cả tỉnh Ninh Thuận”.
Riêng tôi có phone đến một bạn ở Tỉnh, anh gợi ý bà con gửi thư kiến nghị. Thế nên tôi nói với bà con:
– Hãy thật bình tĩnh, chắc có nhầm lẫn đâu đó thôi. Chuyện tôn giáo không thể đùa được.
Tối 18-6, tôi nhận phone từ các vị chức sắc đang mùa Ramưwan, hẹn gặp. 6:45g sáng 19-6, tôi chạy xe qua Thāng Mưgīk Phước Nhơn, và nhận được THƯ KIẾN NGHỊ.
2. Trích nội dung THƯ:
“Lâu nay trong Chứng minh Nhân dân mọi tín đồ Chăm Bà-ni đều được ghi: DÂN TỘC: CHĂM, TÔN GIÁO: BÀ-NI, không hiểu vì sao vào tháng 6-2017, khi con em Chăm Bà-ni làm CMND, tất cả bị thay đổi thành: DÂN TỘC: CHĂM, TÔN GIÁO: ĐẠO HỒI. Ghi như thế, phạm vào 2 điểm sai sau:
– Không đúng với truyền thống văn hóa và tín ngưỡng dân tộc Chăm.
– Không đúng với thực tế: Hai tôn giáo Hồi giáo (hay Đạo Hồi) và Bà-ni hoàn toàn khác nhau, dù Bà-ni có nguồn gốc Hồi giáo nhưng đã được bản địa hóa từ xa xưa.
Ngoài ra nó còn phạm mâu thuẫn:
– CMND cha và mẹ đều ghi Bà-ni, trong khi con lại ghi Đạo Hồi.
– Cùng một người nhưng CMND cũ ghi Bà-ni, CMND mới lại ghi Đạo Hồi.
– Cũng người đó, ở Giấy Khai sinh ghi Bà-ni, trong CMND lại ghi Đạo Hồi.
Vì sự thật và quyền lợi của tín đồ, nay Hội đồng Sư cả và Ban Hỗ trợ Tôn giáo thôn Phước Nhơn đề nghị: Phục hồi lại tên gọi cũ là: Dân tộc: Chăm, Tôn giáo: Bà-ni cho tất cả tín đồ Chăm Bà-ni.
Rất mong Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni và Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Thuận xét đơn này và giải quyết càng sớm càng tốt.”
3. Vài dòng minh giải:
Cham Pangdurangga (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay) có 2 tôn giáo chính: Ahiêr và Awal. Awal là Islam bản địa hóa từ thế kỉ XVII mà thành. Đây là hiện tượng rất Cham, nghĩa là đầy bản sắc. Các tên gọi khác để chỉ bộ phận này có: Bà-ni, Anưk Bini, Cham Hồi giáo cũ.
Cộng đồng Cham Bà-ni ở Ninh Thuận có 7 palei, ở Bình Thuận 10 palei. Khi Islam du nhập vào Ninh Thuận đầu thập niên 1960, một bộ phận Cham cải giáo từ Awal sang, và được gọi là Cham Islam, hay Gah Birau (bên Mới).
Cham Ahiêr và Cham Awal có khác biệt thì rõ rồi: Cham Ahiêr là người Cham theo Ấn Độ giáo (hay Bà-la-môn như từ thường dùng), chứng minh nhân dân ghi: TÔN GIÁO: BÀ-LA-MÔN; còn Cham Awal thì ghi: TÔN GIÁO: BÀ-NI – rất chuẩn.
Giữa Cham Islam và Cham Bà-ni cũng có khác biệt lớn: 5 cột trụ của Islam chính thống không còn được người Cham Bà-ni tuân thủ, việc cúng tế cũng rất khác. Sự thể đã diễn ra từ 3-4 thế kỉ trước.
Từ khác biệt đó, nên trong Chứng minh Nhân dân người Cham Islam được ghi: TÔN GIÁO: HỒI GIÁO hay ĐẠO HỒI.
Vậy mà hôm nay, cả Cham Awal lẫn Cham Islam bị gộp vào chung một tên gọi: TÔN GIÁO: ĐẠO HỒI. Vừa SAI vừa phản VĂN HÓA VÀ TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC.
Sự việc bung ra bị nhiều vị chức sắc tôn giáo Bà-ni, bà con, anh chị em Cham Awal phản ứng rất mạnh.
Thế nên mới có THƯ KIẾN NGHỊ trên.
4. Đề nghị
Đây không là chuyện nhỏ, mà là TO, rất to. Đề nghị Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni và Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Thuận và cơ quan chức năng vào cuộc CÀNG SỚM CÀNG TỐT. Giải quyết chuyện thi cử cho con em Cham Bà-ni là điều trước mắt, xa hơn: Vấn đề giải tỏa “xúc phạm” tôn giáo của một cộng đồng.