1. Veda có 4 bộ kinh: Rig-Veda gồm tri thức về các thánh ca, ca tụng thần linh dưới dạng thi ca; Sama-Veda, gồm tri thức về các giai điệu, cầu nguyện thần linh trong lễ hiến tế; Jayur-Veda: tri thức về các nghi lễ, tế lễ, dạy những thể thức hành lễ theo thứ tự các bậc chư thần; và Atharva-Veda: tri thức về các thần chú, gồm công thức thần chú, ma thuật. Mỗi bộ kinh gồm 4 phần:
– Mantra: thánh ca, cầu nguyện thần linh dưới dạng thi ca.
– Brahmana: Phạn chí hay kinh Bà-la-môn, là các bài kinh cầu nguyện giải thích các nghi thức tế tự chuyên dùng cho các tu sĩ cao cấp.
– Aranyaka: Kinh Rừng, dùng cho nhà tu khổ hạnh.
– Upanishads: Áo nghĩa thư, kinh bình chú có tính triết học – tôn giáo [upa: gần, ni: cung kính, shad: ngồi = dưới chơn thầy].
2. Muốn biết Cham đào tạo tu sĩ như thế nào, cũng cần biết qua hệ thống chức sắc Bà-la-môn.
Halau janưng Cham Ahiêr hôm nay hành trình từ Đung Akok, Liah [thợ phụ và chính ở nghi thức “Đốn gỗ” trong Đám thiêu] sang Pwah để nhập vào hàng tăng lữ Bà-la-môn là một giai đoạn phấn đấu dài. Đây có thể gọi là thời tu tập “dưới chơn thầy”. Từ Pwah [phụ trách Đám thiêu hai Paxêh] lên Tapah được cho là đạo sĩ đã thoát tục, bậc có thể thực hành mọi nghi lễ tôn giáo.
Tuy nhiên tùy khả năng và lễ tấn phong, Tapah [hay Baic] còn được phân ba cấp: Tapah Katat, Tapah Kađa, và Tapah Kađôi.
Dhya hay Adhya là bậc cao nhất phụ trách Bimông cho một khu vực. Biết thêm: Trong khu vực đó, nếu Dhya chưa qua đời, các cấp Tapah vẫn cứ ở lại cấp của mình, mà không thăng tiến bậc nào nữa.
3. Giai đoạn tu tập, các chức sắc Cham Ahiêr học gì?
Thử lướt qua nội dung 5 bộ kinh:
Agal Baic Balih gồm các kinh tụng trong lễ rửa tội cho tín đồ và tu sĩ phạm tội, tụng ở cả nghi thức rửa tội trong lễ thụ chức.
Agal Prong (Đại kinh lễ) dùng cho lễ tấn phong chức Tapah. Bộ này bao gồm cả Agal Baic Balih, và Kinh Mưta Yang tụng trong lễ Dựng Kut và Nhập Kut.
Agal Pak Pakaup hay Agal Pak Bêl Bôi dùng trong nghi thức Đih swa (nằm thiền) thuộc lễ tấn phong chức Tapah.
Baic Pakap hay Nat Cuh Yang Apui (Tế Thần Lửa) dùng tụng ở đền, tháp.
Baic Pakap Palei kinh tụng tẩy uế palei.
Như vậy, giáo sĩ cao cấp chỉ [mật/ bí] truyền cho nhau Kinh Lễ các loại, còn giáo dục công chúng tín đồ hoàn toàn phó thác cho… nhà thơ. Và hôm nay: cho Nhà nước.
Làm gì?
4. Đối chiếu với nguyên bản Ấn Độ, ở Cham: Thánh ca đã mất dấu, nhà tu khổ hạnh không còn nên Kinh Rừng không ai truyền tụng, còn triết lí chẳng tìm ra đất đứng thì Áo nghĩa thư biến luôn. Vậy, Cham chỉ còn Phạn chí tức Kinh Bà-la-môn, là các bài kinh cầu nguyện giải thích các nghi thức tế tự chuyên dùng cho các tu sĩ cao cấp.
Ngay cả phần này, Cham còn gì? – Thực sự, khuyết nhiều, rất nhiều.
Cả các mảnh còn lại, tu sĩ Bà-la-môn ở cấp cao nhất cũng không nắm được. Tôi đã hỏi thử các vị: “Agal càng khó hiểu, không thể giải thích, thì càng siêu, càng linh thiêng!”.
Các vị chỉ còn thuộc lòng âm, cùng các thao tác cần thiết để hành lễ. Cũng đã đủ.
Bởi dẫu sao, ta cần nói lên lời Đwa Apakal các vị: Vì đã sống, đã truyền lưu, và đã hành lễ cho chúng ta – những đứa con của Đất còn sót lại ở hôm nay.
*
PS.
Đwa karun có nghĩa “cảm ơn” bình thường, khác với chữ Đwa apakal (hay Apakar có nguồn gốc upakara của Sanskrit) là cụm từ mang hàm nghĩa lớn hơn. Khi đối tượng giúp mình một việc lớn, để mình mang ơn nghĩa lớn, mình nói: Đwa apakal.
Như trong Sử thi Akayet Dewa Mưno: “Mik đwa apakal grơp kamwơn”: Cô [hoàng hậu] mang ơn tất cả các cháu (sau khi chinh chiến trải qua bao nhiêu cơn bĩ cực, cuối cùng đưa hoàng tử Dewa Mưno về tới hoàng cung).