Chiến & Chối từ cuộc chiến? 01
[Trong cộng đồng Cham, tại sao tôi không dự cuộc đấu?]
Đây là câu hỏi cốt tủy của triết học, chứ ít thuộc phạm trù xã hội.
Mỗi lần cộng đồng xảy ra xung đột, câu nói đầu môi mang tính mỉa mai hay được phát ra là: Trí thức Cham lại đánh nhau rồi! – Là một phát ngôn không hiểu mình nói gì.
Hôm nay, dù ta là Cham Ahiêr, Cham Awal, hay dù ta là Muslim hay Ki-tô hữu, tất cả chúng ta đều được truyền thừa từ tinh thần triết học Bà-la-môn. Nó ăn sâu trong tâm thức cộng đồng, không thoát ra được. Văn hóa và truyền thống ngàn năm, chớ có đùa. Dù ít dù nhiều, tinh thần Tứ đẳng cấp vẫn còn dính đến ta!
Tại sao tôi không dự cuộc đấu? Tại sao phải chiến? Và tại sao Cham không thể không chiến với nhau?
1. Cuộc đối thoại giữa Krishna [hóa thân của Đấng Tối cao] với Arjuna [anh hùng thuộc đẳng cấp Ksatriya] trước trận chiến sinh tử giữa hai dòng họ chung huyết thống, ở ngay phần đầu của Chí tôn ca Bhagavad-Gita – quyết toán cho chúng ta nan đề này.
Chuẩn bị lâm trận, khi nhìn về phía đối thủ thấy những người thầy, ông, chú, bác, anh em, bạn chơi… Arjuna đã từ chối chiến đấu. Arjuna thà chịu chết chứ không muốn sát hại người thân, không thể ra tay giết họ dù phải bảo vệ ngai vàng trị vì ba thế giới. Bậc anh hùng cái thế này toan buông vũ khí…
Krishna, người tình nguyện đánh xe cho Arjuna, đã đánh thức “bổn phận đẳng cấp” của người anh hùng:
“Hỡi Arjuna, linh hồn là vĩnh cửu nitga, là bất khả hủy diệt anāshi, là bất khả tri aprameya, là vô tận ananta, không tạm bợ như thân xác. Chớ than tiếc cho những phù sinh! Linh hồn không thể giết được ai và cũng không thể bị ai giết. Binh đao không thể sát hại được linh hồn, lửa không thể làm khô héo linh hồn…
Còn thân xác kia, chúng đều giả tạo và hư phù.
Với một Ksatriya, hỡi Arjuna, không gì đáng khát khao hơn là chiến đấu cho công chính… Đó là sứ mệnh của đẳng cấp ngươi, thiên chức cao cả của ngươi. Từ chối cuộc chiến, nhà ngươi ném bỏ bổn phận và danh dự; rồi nhà ngươi sẽ sống như là một tội phạm. Nhân loại sẽ truyền nhau nghe về câu chuyện mất danh dự của nhà người. Vậy, ngươi còn chần chừ chi nữa!”
Giác ngộ về bản chất linh hồn, theo mệnh lệnh của Đấng Tối cao, Arjuna xông vào chiến trận làm bổn phận đẳng cấp Ksatriya, đạt đến chiến thắng cuối cùng.
2. Tại sao tôi không dự phần vào cuộc chiến, với các sinh linh Cham?
Không phải tôi sợ, không phải tôi thiếu khả năng, mà đẳng cấp Brahmin không cho phép.
Ở đẳng cấp CPK, tôi chỉ cần “giơ chân hơi cao” cũng khiến họ phát khiếp, hay với cái “gạt tay trúng má” thôi cũng đủ đưa họ nhập viện, nhưng tôi không làm. Bởi đó không là bổn phận thuộc đẳng cấp tôi.
“Thực hiện không đầy đủ bổn phận được quy định của chính mình còn tốt hơn hoàn thành xuất sắc bổn phận của người khác. Kẻ sống theo luật lệ của đẳng cấp khác, ngay lập tức sẽ bị loại khỏi đẳng cấp mình”
[It is better (to discharge) one’s own (appointed) duty incompletely than to perform completely that of another; for he who lives according to the law of another (caste) is instantly excluded from his own – The Laws of Manu, X.97].
Hỏi tôi có muốn loại/ tự loại khỏi đẳng cấp mình không?
PS.
Không dự cuộc chiến, nhưng tôi không ít lần “đính chính” hay “giải minh”, chủ yếu để GIÚP anh chị em nhận biết “phương pháp”, cung cấp “phương tiện” cần thiết và đúng đắn để Cham có thể tham dự vào các trận chiến bảo vệ sự công chính.
*
Chiến & Chối từ cuộc chiến? 02
[Cham cần thiết phải học biết đấu với nhau, tại sao?]
“Khôn ngoan đối đáp người ngoài…” – ta hay nói thế. Thế nên, khi thấy Cham đấu với nhau, ta buồn, ta giận rồi quay lưng đi. Có khi, ta chán ta bỏ Cham luôn.
Đó là cách nghĩ cạn. Ta chiến với ngoài, ta chiến [quan điểm] với Cham, và ta chiến với chính tâm hồn ta, mỗi ngày.
Câu hỏi đặt ra ở đây, AI xứng đáng dự phần vào cuộc chiến? Nói theo triết học Bà-la-môn, đẳng cấp nào có thể dự phần?
1. Là một Brahmin, dù chiến đấu không LÀ bổn phận của tôi, nhưng nhập cuộc văn học Việt Nam, tôi đã tham chiến. Chẳng có gì trái lề luật Manu cả. Làm nhà văn Việt Nam, tôi tạm rời bỏ thế giới Bà-la-môn. Tôi cần tham dự vào cuộc chiến đó, quyết liệt và tới cùng.
Riêng ở cộng đồng Cham, thì khác. Chiến đấu không phải là bổn phận của tôi, thế nên tôi đã từ chối nó. Từ chối, nhưng bảo: Cham cần thiết phải biết đấu với nhau, tôi né tránh trách nhiệm và xúi người khác vào cuộc chăng? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG.
2. Vậy trong cộng đồng Cham, AI là kẻ có thể tham gia tranh luận?
Lối nghĩ của xã hội văn minh hiện đại, ta có thói quen cho rằng: tất cả mọi người, bình đẳng và không phân biệt. Ở đây, triết học Bà-la-môn có quan điểm khác: tham dự cuộc chiến chỉ có đẳng cấp Ksatriya!
Là một Ksatriya, từ chối nó, là bạn từ bỏ bổn phận. Xã hội Cham hiện đại, chữ nghĩa [quan điểm] là một chiến trường trọng yếu. Thực tế cũng đã diễn ra như thế. Câu hỏi: bạn có phải là một Ksatriya?
3. Hiện tại, khi đẳng cấp truyền thống đã nhạt nhòa, việc xác định việc ai là, hay ai xứng đáng rất khó biện biệt. Bởi tất cả mọi người đều bình đẳng trong việc cất lên tiếng nói của mình. Muốn biết AI có quyền tham chiến, điều kiện để xét là hắn đã chiến NHƯ THẾ NÀO? Và chỉ khi soi xét hành động của hắn, ta mới xác minh được hắn là hay không là chiến sĩ.
Triết học Ấn Độ trường phái Nyaya phân tranh luận làm 3 loại:
[1] Đưa ra quan điểm khác vượt trội để đánh bại quan điểm của đối thủ,
[2] Tranh luận là tranh thắng bằng lí luận, và
[3] Cãi bướng khi đã đuối lí.
4. Hơn 2 ngàn năm trước, The Laws of Manu đã dạy: “… idle disputes, backbiting, and lying, and from hurting others” (II.179). Thực tiễn ở cộng đồng Cham mươi năm qua trong các cuộc tranh luận, để xem bạn có xứng đáng là một Ksatriya không, hãy đặt ra cho mình 3 câu hỏi cốt tủy:
[1] Bạn có lao vào cuộc tranh cãi vô bổ không?
[2] Bạn có đưa bằng chứng dối trá, hay lập luận giả ngụy hòng đánh bại đối phương không?
[3] Nhất là, bạn có làm tổn thương đối phương bằng cách tấn công vào đời tư họ không?
Kết luận.
Chiến với Cham là điều cần thiết, như chiến với “người ngoài” nào bất kì. Chiến, để tìm ra cái đúng, sự thật, chân lí. Nhưng bạn phải là một Ksatriya đúng nghĩa, KHÔNG THÌ bạn chỉ thuộc đẳng cấp nông dân-thương nhân, thậm chí chỉ thuộc giới hạ đẳng, mà cố đấm dự phần. Qua đó, bạn phá hỏng cuộc tranh luận, và làm hỏng chính bản thân bạn.
Muốn biết mình thuộc về đẳng cấp nào, bạn hãy soi chiếu vào [3] điểm chính yếu trên. Vi phạm một trong ba điểm, bạn tự loại mình ra khỏi cuộc chiến.