[sau khi tường giải về PHÊ BÌNH ‘LẬP’, CHỨ KHÔNG PHẢI ‘GHI’ BIÊN BẢN, để tặng thi sĩ Trần Hoàng Nhân]
Năm ngoái, thi sĩ Trần Hoàng Nhân đề nghị tôi nên cải chính liên khúc phê bình của mình là: “Phê bình ghi biên bản”, chứ đừng là “lập biên bản”, bởi nó nghe cứ như vụ việc bên công an sao ấy, ớn thấy mồ. Tôi bảo: – Không, nó đã rất chính danh rồi.
Trước, tôi nghĩ [sinh hoạt] văn học Việt Nam hiện đại đến hơn phân nửa là sự cố, cần lập biên bản. Sau thời gian quan sát kĩ hơn, tôi thấy mình lầm: ở trỏng phải đến chín phần là sự cố, tai nạn.
Nhóm Ngựa Trời, nhất là Nhóm Mở Miệng tuyên bố “không làm thơ” mà cứ làm bát ngát thơ rác, thơ dơ, thơ nghĩa địa ném vào thế giới chữ nghĩa Việt Nam, là sự cố rõ nhất.
Sáng tác hậu hiện đại, thơ tân hình thức là sự cố đã đành, ngay loài thơ mãi bám trụ lối thơ xưa cũ vẫn là một sự cố.
Theo bén gót sự cố Hoàng Quang Thuận, là sự cố Đông La.
Cánh đồng bất tận bị tố, là tai nạn đáng thèm, còn Chuyện kể năm 2000 bị tịch thu, là tai nạn đau như hoạn.
Bên cạnh sự cố đơn lẻ như đạo thơ, kiện cáo, mua hội thảo, mua chuyên đề là các sự cố tập thể: Trại viết văn cùng hội thảo, hội nghị văn học các loại.
Xin-cho, in, phát hành rồi thu hồi, tái phát hành hoặc nhập kho vĩnh viễn là sự cố diễn ra bất tận không biết khi nào hạn màn.
Xét kết nạp hội viên, xét giải thưởng văn học thường niên tạo sự cố, và góp công gây nên sự cố.
Chỉ đạo cấm viết về Hoàng Sa-Trường Sa là sự cố, để rồi mở phong trào sáng tác thi đua yêu nước, thi đua viết về biển đảo là sự cố kiểu khác.
Tất cả chúng đòi hỏi có biên bản, cần đến kẻ có mặt ở hiện trường “lập” biên bản.
Cộm hơn mọi thứ cộm, Ban Vận động Văn đoàn Độc lập là sự cố lớn nhất trong các sự cố văn học Việt Nam ở những năm đầu thế kỉ XXI.
Khác với lối vào Hội Nhà văn Việt Nam, ở đây tâm thế người viết văn làm thơ An Nam phức tạp và nhiêu khê hơn, bước chân chữ bát đi theo thể điệu man mác khác thường hơn.
Văn đoàn Độc lập – những tưởng ở đó giải quyết được khâu oai ‘ta nhà văn phản biện’, cứ tưởng trong đó có gì, hoặc cứ tưởng vào đó chỉ để chơi thôi chứ chả việc gì – ta vào. Nhưng rồi…
Chỉ qua gói quà hỏi thăm, ngoắc tay mời cà phê nhắc nhở, nửa cái trừng mắt, một cú phone dọa cắt này nọ, là ta… ra.
Vẫn còn là chưa vẫn cưa là chòn. Nhà văn ta hội viên HNV ta vốn thông minh lanh lẹ, quyết gỡ gạc nỗi lỡ nhịp: Ta ra khỏi đây đồng lúc ta xuất khỏi Hội Nhà văn Việt Nam luôn thể, để tỏ rõ với làng xóm rằng, ta muốn được làm nhà văn… tự do toàn phần. Tục gọi là “hai vào một ra”.
Ban Vận động Văn đoàn Độc lập không lường trước, để hở sườn, bị nhận ngay một cú trời giáng giữa thanh thiên bạch nhật từ phía Hội Nhà văn, sau đó thêm vài miếng dưới thắt lưng, tưởng KO, nhưng không.
Là sự cố lớn. Sự vụ rất đáng “lập biên bản” lắm chớ, ở đó mà kêu ghi… ghi… ghi… phải hôn Nhân?
Sẽ còn bao sự cố nữa, ngày mai…
[Coda: “Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ…” – Xưa, Tú Xương tự biện thế. Nay tôi cũng xin học đòi: Làng văn Việt Nam có tôi ở trỏng [đâu cũng có ổng], các “Câu chuyện Văn nghệ VN” là cách lập biên bản theo thể điệu truyện kể, ghi nhận và phân tích sự thể diễn ra xung quanh. Kể, tốt xấu hay dở cũng không trừ mình ra.
Chớ không hề ý mỉa ai cả. Xin nhớ giùm cho, bớ bà con!].