Tham luận tại Hội thảo Thực trạng & giải pháp bảo tồn phát huy văn hóa cổ truyền các Dân tộc thiểu số Việt Nam – Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, 21-12-2016.
*
Tham luận xin không thuyết lí, mà đi thẳng vào sự việc cụ thể. Ba vấn đề ở đây, thứ nhất, đứng trước câu hỏi xã hội đặt ra: hiện thực đất nước, hiện thực văn hóa dân tộc, và hiện thực văn học nghệ thuật, đâu là thái độ của văn nghệ sĩ? Thứ hai, nhà nghiên cứu là người dân tộc thiểu số đang ở đâu? Cuối cùng, đâu là công cụ/ phương tiện thực tiễn nhất nuôi sống văn hóa dân tộc để văn hóa được là văn hóa sống?
Lưu ý, vì các vấn đề liên quan trực tiếp đến tôi với tư cách nhà văn, người nghiên cứu văn hóa dân tộc, và một trí thức từng giáp mặt với chúng, thế nên nhiều vụ việc xin nhắc đến bản thân mình.
Mở
Tôi muốn bắt đầu từ câu chuyện đất Ghur Cham Bà-ni.
Tháng 7-2013, sau khi đi thăm tất cả Ghur Cham Bà-ni ở Ninh Thuận và Bình Thuận, được bà con phản ánh thực trạng bi đát của nó, tôi mở cuộc thảo luận trên web inrasara.com, trả lời phỏng vấn BBC, RFA… để cuối cùng, ở Hội trường Khách sạn Phong Lan – Ninh Thuận nơi báo Dân tộc & Phát triển tổ chức hội thảo “Báo chí & Vấn đề chủ quyền biển đảo”, ở tham luận đầu tiên của hội thảo, và ngay câu đầu tiên, tôi nói:
“Ghur Bini là chứng tích văn hóa biển Cham, nêu vấn đề Ghur Bini không gì hơn là giúp Chính phủ giải quyết vụ việc. Tại sao gọi là giúp? – Bởi, không chính quyền nào chấp nhận vài cá nhân tham lam (một số gia đình Việt) xâm hại đất tập thể (Ghur của người Cham Bà-ni) cả. Nếu không ngăn ngừa trước, chắc chắn sẽ xảy ra sự cố. Sự cố dẫn đến thiệt hại: Mất đoàn kết cộng đồng cư dân và dân tộc, mất nhiều tiền để giải quyết hậu quả, và có khi cả mất sinh mạng. Nhà văn thấy trước, lo trước và cảnh báo trước, là vậy”.
Tôi lên tiếng, nhiều trí thức Cham cả trong lẫn ngoài nước đồng tình, bà con Cham Bà-ni, nhất là người dân Pabblap ủng hộ. Cuối cùng, chính quyền đã giải quyết theo chiều hướng tích cực nhất, để “Lễ Khánh thành Ghur Darak Neh” khai mạc đúng 2 năm sau đó.
Đứng trước vấn đề xã hội đặt ra, văn nghệ sĩ cần trách nhiệm và có tiếng nói, là vậy.
A. Giáp mặt vấn đề
I. Giáp mặt hiện thực xã hội
Tôi xin nêu 4 sự kiện nổi bật, lớn và nhỏ.
1. Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa lần thứ nhất năm 2007, tôi phản ứng bằng bài “Ở nơi ấy, hảo hảo hảo”. Bài thơ được Đài Radio Australia chọn là một trong ba bài thơ hay, đọc và bình(1). Mạng Tienve.org mở chuyên đề “Viết cho Hoàng Sa – Trường Sa” thu hút vài chục cây bút nhập cuộc qua gần trăm bài thơ nóng bỏng; trong khi đó, nhà thơ chính thống lặng thinh. Để mãi 4 năm sau ở sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa kì hai, ta mới phản ứng đầy dè dặt. Ngay tức thì, tôi có tiểu luận ghi nhận và phân tích hai cảm thức sáng tác khác nhau của hai bộ phận người viết này: chính thống và ngoại biên (2).
Một phong trào sáng tác tự nguyện chưa từng có về một chủ đề liên quan trực tiếp đến sự kiện chính trị xã hội nóng nhất nước, vậy mà chưa một nhà phê bình nào động bút, không lạ sao!
2. Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua, tôi có bài nghiên cứu dài: “Cham Pangdurangga, ngang bướng, đau khổ, kiêu hãnh và bất an”(3). Bài viết phân tích để cho cộng đồng Cham biết, cho thế giới thấy, và nhất là cho bộ phận lập dự án hiểu được ba điều cốt tủy: Thứ nhất, người Cham là cư dân có mặt ở đất này từ hơn 2.000 năm trước; thứ hai, có đến nửa số dân Cham trên đất nước hình chữ S này đang sống ở Ninh Thuận (76.000 người), cuối cùng, hơn 100 điểm văn hóa – tín ngưỡng đang được thờ phụng nằm trong vùng ảnh hưởng.
3. Vụ Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Ninh Phước
Theo điều tra của báo Đại Đoàn kết đăng hai kì liên tục vào tháng 9-2015, Hiệu phó trường này vi phạm 3 điểm chính. Xin trích nguyên văn:
“Sai phạm về thu chi tiền bạc, như không công khai các khoản ủng hộ trong ngày khai giảng, mua sắm sai nguyên tắc, ăn chênh lệch giá, bớt xén tiền học sinh… Phát ngôn mang tính phân biệt đối xử, cạnh đó còn “cấm tất cả giáo viên học sinh không được giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc. Khi bị tố giác, ông gây khó dễ, trù dập giáo viên, nhân viên trong trường hay sa thải chấm dứt hợp đồng lao động những người gửi đơn khiếu nại về những sai phạm của ông”.
Tôi cùng nhà nghiên cứu trẻ Jaya Bahasa, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Cham Ninh Thuận phản ánh và phân tích cái nguy hại của sai phạm này trên mạng cá nhân, cuối cùng hai tháng sau, ông Hiệu phó “bị” chuyển qua giữ chức Hiệu trưởng ở một Trường PTTH thuộc huyện khác của tỉnh! Xử lí sai phạm: không; xin lỗi phụ huynh và học sinh: không; phục chức cho các giáo viên và nhân viên bị hại, càng không.
4. Mới nhất, Dự án hạ tầng Khu công nghiệp & Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná, Ninh Thuận.
Liên quan đến vụ này, trước đó về Formosa, tôi có bài thơ “Miền Trung đau khổ… quen rồi” và “Và sống sót và kêu từ cõi chết lạ”(4). Ảnh hưởng cũng như tác hại to lớn và lâu dài của sự cố Formosa với đời sống ngư dân 4 tỉnh miền Trung cùng môi sinh và môi trường biển thì ai cũng biết rồi, thế mà sau thời điểm nóng bỏng ấy chưa lâu, Dự án Thép Cà Ná lại lòi ra. Một nhà văn trách nhiệm cộng đồng, tôi nghĩ không thể im lặng, ở đây không còn là thơ nữa, mà là nói.
Tôi đã phân tích sự việc, xin trích:
“Suốt dòng lịch sử, và cả hôm nay, Ninh Thuận thực sự cần 3 thứ: Nước, Văn hóa Cham & Du lịch Bán Sa mạc. Cần, lo cho nó, và được nó trả lại cả vốn lẫn lãi…
– Nước. Ninh Thuận là vùng đất tốt, kẹt là thiếu nước. Thế nên, chính phủ nào giải quyết được vấn đề này, là được lòng dân Ninh Thuận. Trước đây, Po Klaung Girai nổi tiếng với Đập Nha Trinh ở thế kỉ XII. Năm thế kỉ sau, Po Rome được bà con biết ơn qua công trình Đập Mưren của ngài.
– Du lịch bán sa mạc. 5km khúc quành qua biển Cà Ná được xem là đoạn đường độc đáo nhất nước: núi, đường rày xe lửa, Quốc lộ Một và bờ biển cùng rủ nhau uốn lượn. Ở Việt Nam chưa có đoạn đường nào ngoạn mục với tứ trụ siêu đẳng như thế.
Biển Cà Ná mặn và xanh nhất nước, do 2 con sông lớn [Sông Dinh – Sông Cà Ti] từ đầu này đến đầu nọ cách khoảng 150km . Núi đá Chà Bang được nhà đầu tư người Mỹ xem là mỏ vàng du lịch của Ninh Thuận, và đã từng yêu cầu chính quyền Ninh Thuận tuyệt đối không được đụng đến nó. Từ đồi cát Nam Kương chạy dọc bờ biển cho đến Cà Ná với chiều dài 40km, chiều ngang bình quân 10km là vùng bán sa mạc rộng nhất nước.
4 yếu tố môi trường cùng địa hình họp lại biến Ninh Thuận trở thành vùng đất Du lịch Bán Sa mạc độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
– Cuối cùng là Du lịch Văn hóa Chăm. Vùng đất hơn hai ngàn năm cư trú và xây dưng của Champa, hiện còn lại 3 khu tháp, lễ hội Kate và Ramưwan với những điệu múa, làng nghề [gốm cố nhất ĐNÁ, Dệt truyền thống, thuốc Nam…] Cham cùng vô số di tích có giá trị lịch sử và văn hóa lớn.
Triển khai các Dự án khủng [2 Nhà máy Điện hạt nhân, Dự án Nhà máy thép…], Ninh Thuận sẽ mất tất cả. Chỉ còn lại là SA MẠC: Sa mạc người, sa mạc văn hóa, sa mạc môi trường.
Không biết các cơ quan chức năng có lắng nghe ý kiến kia không, dẫu sao điều cần là: nhà văn, trí thức phải lên tiếng. Như Nietszche từng cảnh báo: “Sa mạc lan dần… Tai hại thay cho kẻ nào cưu mang sa mạc”(5).
Sơ kết.
Phản biện là cần. Điều quan trọng là phản biện thế nào?
Xin nhắc lại chuyện cũ. Tiểu thuyết Fulro? của Ngôn Vĩnh(6) ra đời đã gây bao nhiêu ngộ nhận và nghi ngờ nhau trong cộng đồng Chăm, bởi lúc đó không ai nói, vì không dám nói. Cho dù tác giả nghĩ mình thiện tình:
“Tôi thấy khi viết về những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề mang tính chính trị, nhất là những vấn đề liên quan đến dân tộc và tôn giáo thì phải rất thận trọng. Mình không thể thượng tôn sự thật để rồi ảnh hưởng đến chính trị, đến sự đoàn kết dân tộc. Xử lý hài hòa giữa văn học và chính trị là hết sức tế nhị và khéo léo”(7). Tuy nhiên chính “thiện tình” của ông đã gây cho cộng đồng Cham không ít khốn đốn.
Không nói là vậy, chậm nói cũng nguy không kém. Ví như vụ Ghur Bini, nhiều trí thức Cham biết nhưng bởi chậm nói: hậu quả là đất Ghur bị lấn khá nhiều. Dẫu sao, muộn còn hơn không.
II. Giáp mặt hiện thực văn hóa dân tộc
Thử nêu lên 3 sự vụ.
1. Đất thờ cúng Po Riyak – Thần Sóng Biển
Mảnh đất nơi dựng đền thờ Po Riyak ngày trước ở thôn Vĩnh Trường, thuộc huyện Thuận Nam, Ninh Thuận rộng cả mẫu không rào không rãnh, thời gian gần đây bị dân địa phương lấn làm đầm tôm, cứ teo dần để hiện tại đọng lại chưa tới sào đất. Cả cây Kayo to lớn mà bà con tranh thủ bóng mát để đặt mâm lễ cúng, cũng đã bị bứng đi mất. Po Riyak chỉ còn trơ trơ mấy mảnh đá ong nhỏ rải rác đây đó, làm chứng tích.
Việc thỉnh hòn đá tạm về cạnh đường mòn hành lễ không phải là chuyện xảy ra mới đây, mà ngay từ thời chiến tranh, khi bà con không thể đến vùng đất cũ do mất an ninh. Po Riyak nguyên bản được phân thân làm đôi: Po Ong (Pô Ông) và Po Muk (Pô Bà). Po Ong vẫn trụ tại vị trí cũ, cách bờ biển khoảng 50m, còn Po Muk dời cư về vùng đất phía bắc, cách Po Ong hơn ba cây số.
Dự án lớn của Chính phủ, bà con không ưng cũng chịu. Riêng cả mẫu đất Po Ong nơi dự tính đặt trụ sở Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 ngày xưa ấy, cơ quan nào trách nhiệm truy thu để bồi thường cho Chăm, bồi thường thế nào, và đâu là đất để dựng đền thờ cúng mới? Rồi khi mới đây, tháng 11-2016, Chính phủ tuyên bố ngưng Dự án, vấn đề sẽ được giải quyết thế nào?
Câu chuyện diễn ra từ mươi năm trước, nay vẫn cứ nghẽn mạch. Bà con hoang mang, mảnh văn hóa biển nguy cơ tiêu tán, như các dấu vết văn hóa biển ở Cù Lao Chàm, vân vân từng tiêu tán. Câu hỏi đặt ra: làm thế nào, để khơi thông bế tắc này?(8)
2. Vụ đốt nhang trong lòng tháp Chàm
Lễ lạt dân gian từ ngàn xưa, sau này để phục vụ cho văn hóa du lịch, đã biến thành lễ hội. Tháp Chàm được người Việt trong vùng thờ cúng, sự thể nói lên tinh thần hòa hợp Việt Cham trong tín ngưỡng. Là điều tốt. Tuy thế, với khói của nhang mà người Việt mang theo để đốt trong lòng tháp, thì đã thành chuyện. Tháp Po Inư Nưgar ở Nha Trang, tháp Po Klaung Girai Ninh Thuận, Po Xah Inư ở Bình Thuận, đang mù mịt khói.
Truyền thống Cham đốt nến ở mọi cuộc lễ, lễ diễn ra ngắn ngủn, qua lễ là tắt. Mỗi năm trên tháp và trong tháp diễn tối đa ba cuộc, lễ kéo dài tối đa một tiếng đồng hồ. Ở đó chỉ có Cả sư Po Dhya mới có quyền làm thủ tục tín ngưỡng mở cửa tháp. Ba ngọn nến to được đốt lên vừa cung cấp ánh sáng để hành lễ vừa khử tạp uế.
Người Việt đến sau, lẽ ra cần nhập gia tùy tục, nhưng không. Nhang (hương) được mang đến xài. Nữa, hiện nay tháp được mở quanh năm suốt tháng, và cả ngày, không kiêng kị gì cả. Văn hóa du lịch, tiền là trên hết. Nhang được đốt lên thì cho cháy đến lụi tàn, lớp này đến lớp khác, cháy cả ngày. Người Việt đốt đã đành, bà con Cham mấy năm qua cũng học đòi đốt… nhang. Tiện quá thành tội!
Gạch tháp thôi còn màu gạch cổ kính, mà ám đầy khói. Ngay tháp Yang Prong trên Tây Nguyên mới phục chế vài năm qua cũng đã ám đen những khói là khói, cả trong lẫn ngoài. Người Cham hiểu biết nhìn thấy mà kinh, khách Tây phương mới bước vào cũng sợ. Thì hỏi các thần Yang còn có thể chịu đựng đến bao giờ? Hay các Ngài đã bỏ đi từ lâu lắm, mà ta không hay?
Trước thảm trạng ấy, ai kêu?
3. Báo chí viết sai
Xin nêu một sự việc cụ thể. Bài báo “Tục đẽo xương sọ thành đồng xu ở Ninh Thuận” được báo 24 giờ đăng ngày 28-12-2013 (ghi theo: Nguyễn Khiêm Tốn – Dòng Đời); sau đó báo News, ngày 10-1-2014, biến báo thành “Kỳ bí tục đẽo sọ người chết thành hình xu để thờ ở Ninh Thuận”.
Các nhà báo thiếu hiểu biết về văn hóa dân tộc cứ nghĩ sắc tộc là huyền bí, kì bí ghê lắm.
Ngoài cái sai rất căn bản là nhận lầm Ghur Cham Bà-ni thành Kut Cham Ấn Độ giáo cùng vô số sai chi tiết khác, bài báo còn thể hiện lối mô tả phong tục tập quán dân tộc thiểu số như thứ lạc hậu, kì bí gây tò mò bệnh hoạn.
Ai sẽ viết phản hồi? – Nhà văn và trí thức.
Liên quan đến nỗi “huyền bí” này, còn có bài “Huyền bí Tết Katê của người Chăm: Inrasara đã phát ngôn như thế?”, ở đó một nhà báo đã phỏng vấn [tưởng tượng] tôi với các sai lầm cực kì tai hại(9). Sau vài lần thư qua lại, Tổng Thư ký Tòa soạn nhận thấy lỗi, cho gỡ bài, và “cảm ơn ông đã phát hiện những sai sót”. Mươi năm qua, đã có hơn mươi lần báo chí gỡ gạc như thế, với tôi. Hỏi, nếu không phản hồi kịp thời, sự thể sẽ dẫn tới đâu?!
4. Công trình nghiên cứu
Xin nêu một “công trình khoa học” mới nhất: Văn hoá Sa Huỳnh với Đông Nam Á của nhóm tác giả gồm Nguyễn Văn Chừng, Dương Minh Chính, Lê Văn Công, Lê Sơn, Nguyễn Văn Thanh, Lê Quốc Ân, Nguyễn Quốc Chiến thực hiện, NXB Hồng Đức in năm 2015.
Tháng 10-2016, một trí thức khoa bảng Quảng Đại Tuyên (Isvan Campa) đã có bài phản biện trên Blog của mình, chỉ ra: [1] về khoa học: đầy sai lầm; [2] về quan hệ dân tộc: dễ gây ngộ nhận, mất đoàn kết; từ đó [3] độc giả phổ thông tiếp nhận tri thức sai lạc và nguy hiểm.
Làm gì tiếp theo? Có thể theo trình tự: Gửi bài phản hồi đến Nhà xuất bản, từ đó hai bên có thể làm việc với nhau với tư cách nhà khoa học. Nếu các ý kiến nêu ra không thể phản bác, nhà xuất bản và tác giả cần công khai nhận sai lầm, xin lỗi độc giả, và thu hồi tác phẩm.
III. Giáp mặt hiện thực văn học nghệ thuật
1. Phim Tiếng trống Paranưng
Tiếng trống Paranưng dựng với mục đích: “mang đến cho khán giả những thước phim về văn hóa dân tộc Cham với không gian làng quê bình yên, giản dị… đặc trưng in đậm vào lòng người về bản sắc văn hóa dân tộc, và cả tiếng trống Paranưng là một câu chuyện huyền thoại kiêu hùng. Tất cả đã kiến tạo nên kho tàng nghệ thuật vô giá của vương triều Champa kiêu hãnh tồn tại qua thời gian”(10).
Đó là chuyện nói. Rủi thay phim quay xong, các diễn viên tự đưa các ảnh nóng lên báo. Và sự cố xảy ra: cộng đồng mạng Cham phản đối quyết liệt. Thi sĩ Kiều Maily còn đưa đơn lên tận Cục Điện ảnh. Thế là Tiếng trống Paranưng chẳng những không được tham dự Liên hoan phim năm ấy, mà còn cho nhập kho.
Lỗi cả hai bên: nóng vội và háo thắng! Lần nữa, tôi vào cuộc(11). Nguyên văn:
“Phim Tiếng trống Paranưng chưa được duyệt, nó còn chưa chiếu ở Liên hoan phim.
Phản biện là cần, nhưng có nên nóng vội và quyết liệt thế không? Giả dụ phim có nhiều cảnh nóng, sai, tệ… mà đạo diễn không chịu cắt bỏ, thì nó sẽ bị cho nhập kho. Thế là hết chuyện! Và ta không cần to chuyện. Các bạn tin tôi đi, gì chớ, cơ quan kiểm duyệt nhạy cảm với vấn đề liên quan tới dân tộc mươi lần hơn tôi và các bạn cộng lại.
Tại sao không đặt ngược vấn đề: Nếu phim làm hay, đẹp mà chỉ có vài hạt sạn; và rồi khi mấy hạt sạn này được biên tập cắt bỏ, sau đó phim trình làng, đó không là điều tốt cho Cham sao? Khi đó làm sao ta có thể rút lại lời lẽ đã vội vã ném ra trước đó? Nhìn xa hơn một xíu: Nếu ta nặng lời không phải lúc, trong khi cộng đồng Cham chưa có khả năng làm phim nhựa về mình, hỏi còn ai có hứng thú làm phim về Chăm?”
Có vậy, chuyện mới yên.
2. Về điệu múa Apsara
Cuối thập niên 80 của thế kỉ XX, Đặng Hùng đã “giải mã” các thế chân, tay trên các phù điêu Cham để sáng tạo nên vài điệu múa, mà ông đặt tên là “Múa cung đình Chăm”. Sau đó vài người khác đã tiếp nhận nó và cách điệu thành nhiều điệu khác nữa. Múa Apsara gặp phản ứng của vài trí thức Chăm, rằng nó lai căng, nó hở hang, vân vân. Thời gian gần đây, điệu múa bị công phá dữ dội hơn bởi các cư dân mạng Chăm, nhất là trên Champaka.info.
Dù điệu múa kia tiếp tục xuất hiện trên sân khấu lớn, trên màn ảnh nhỏ, mà cả vùng nông thôn hẻo lánh; và chị em Cham đón nhận nó như là của mình, tuy thế đã không một ai có ý kiến phản biện chính quy.
Tôi đã phản biện, ở đó hai ý được đưa ra là: Thứ nhất, đó là một “sáng tạo độc đáo”; không thấy nó độc đáo, là tự thể hiện không biết thưởng ngoạn nghệ thuật. Thứ hai, đây là hiện thực không thể chối bỏ: Nhiều thế hệ chị em Cham đón nhận nó “hào hứng và sáng tạo” với nhiều biến thái khác nhau. Họ múa điệu Apsara ở sân khấu nhà quê trước mặt cha mẹ, thầy cô và anh chị em mình. Kêu đó là “vũ điệu trần truồng”, xin hỏi có đứa con nào dám múa trần truồng trước mặt bố mẹ, thầy cô mình không? Nhà nước Việt Nam có cho phép họ làm vậy trên sân khấu không?
3. Cuối cùng là tiểu thuyết Mật Mã Champa của Giản Tư Hải
Cuốn này được báo chí giới thiệu rằng: “Điều làm ông bất ngờ và sợ hãi là những bí ẩn kho báu Champa và lễ hiến tế người gắn liền với một hội kín tà giáo có từ thời trung cổ”(12).
Đây là tác phẩm văn học, nghĩa là tác giả có quyền hư cấu. Dẫu sao, có 3 câu hỏi đặt ra:
Thứ nhất, hư cấu trên nền tảng lớn không hề có trong lịch sử Champa, có nên chăng? Bởi trong lịch sử Champa, tuyệt không có hội kín tà giáo để hiến tế người theo kiểu Trung Cổ. Thứ hai, tên tác phẩm là Mật mã Champa, nghĩa là cả “vương quốc cổ Champa”, chứ không phải một mảnh nào đó của nó. Vậy, “Mật mã” Champa là thứ hội kín tà giáo để hiến tế người theo kiểu Trung Cổ sao? Champa có nhiều mật mã hay, độc đáo cần giải, ai lại đi hư cấu điều hoàn toàn không có (hội kín tà giáo) để kêu là “mật mã Champa”?
4. Chuyện trong giới văn học
Không thể không nói lên, bởi nó tác động xấu đến việc nhận diện hành trình văn học hay nhận định vấn đề thuộc sinh hoạt ngoại vi văn học.
Như ý kiến của Nguyễn Hòa [chỉ lặp lại ý kiến của Lò Ngân Sủn từ 20 năm trước]:
“… ngày nay, đọc tác phẩm của một số cây bút trẻ, ngoài họ và tên hay đôi dòng tiểu sử giúp nhận biết xuất thân dân tộc thiểu số, lại thấy cách cảm, cách nghĩ, lối diễn đạt, cách thức xây dựng hình ảnh,… trong thơ của họ có điều gì đó gần gũi với cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt, cách xây dựng hình ảnh, giọng điệu… trong thơ của tác giả người Kinh!”(13). Với nhận định vội vã, hời hợt và lạc hậu như thế, chỉ cần đặt vài câu hỏi, ta có thể xô nó đổ rụm ngay.
Tệ hơn, từ sự thiếu hiểu biết về dân tộc và văn hóa dân tộc, nhà thơ Đỗ Hoàng đã nhận định đầy thành kiến và sai lệch:
“Dân tộc [Chăm] chưa quá một phường trung bình của một thành phố loại 2 (trên dưới 100 000 người [sic]). Quanh năm suốt tháng Nhà nước phải trợ cấp lương thực nhu yếu phẩm kể cả bút giấy sách vở để con em đi học (16 tỉnh miền núi Nhà nước phải trợ cấp ngân sách)”(14).
Có ai thấy “quanh năm suốt tháng Nhà nước trợ cấp lương thực” cho bà con Cham không? Đỗ Hoàng chưa thuộc bài về địa lí-dân cư Việt Nam cứ tưởng Cham đang sống “miền núi” nên thành ra thế! Mà miền núi thì có sao? Nó liên quan gì giữa “thơ vô lối” với miền núi? Đỗ Hoàng nhà thơ mà có tâm phân biệt đối xử thế, nếu bà con dân tộc miền núi hỏi vặn lại, ông trả lời thế nào đây?
Vấn đề đó, ai nói? – Nhà văn và trí thức, những người hiểu biết về văn hóa dân tộc mình. Họ đang ở đâu?
B. Người hiểu biết là người dân tộc thiểu số ở đâu?
Đây là một câu hỏi thực tế và cấp thiết.
Khoan nói đến các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc bởi tính đặc thù khu vực và lịch sử của nó, chỉ tạm dẫn ra 3 vùng miền: Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, người Cham ở Nam Trung Bộ và người Khmer Nam Bộ. Đâu là các công trình nghiên cứu về dân tộc do chính các nhà nghiên cứu là người Khmer, Êđê, Giarai, Churu, Bana… viết?
Cham đã có, có nhiều nữa là đằng khác. Ở đây xin miễn đề cập dân khoa bảng, mà là các công trình khoa học thực thụ. Tạm kể: Thành Phần có hai tác phẩm về bi kí và dân tộc học, trước đó Bá Trung Phụ cho ra đời công trình nghiên cứu về hôn nhân và gia đình Chăm, Phú Văn hẳn cũng đã xuất bản ba tác phẩm riêng, còn Thông Thông Khánh có tác phẩm về Phật giáo Chăm. Thế hệ trẻ, Kiều Maily xuất hiện với tác phẩm Độc đáo ẩm thực Cham khá rình rang, đi trước một bước là Văn Món Sakaya cho in hơn chục công trình về ngành nghề cổ truyền dân tộc, luật tục, lễ nghi Chăm. Riêng Inrasara được coi là chuyên gia về văn học Cham qua công trình Văn học Cham khái luận – văn tuyển ba tập hơn ngàn trang in, cạnh đó tác giả này còn tham gia biên soạn 4 cuốn Từ điển song ngữ Cham Việt. Tiếp đó, khoảng mươi khuôn mặt trẻ khác đang dấn mình vào công cuộc nghiên cứu mang tính chuyên sâu. Đó là chưa kể các bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành kí tên tác giả Chăm, bên cạnh là các tác giả kí tên chung trong các công trình nghiên cứu ra lò từ Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Cham – Ninh Thuận. Nghĩa là chỉ qua hai thế hệ, các nhà nghiên cứu Cham đã bao quát được gần như toàn bộ lĩnh vực về văn hóa dân tộc mình.
Còn các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thì sao? – Khá đìu hiu. Một Linh Nga Niê K’đam trước đó hay một Trang Nhung sau này vẫn chưa có công trình nào tầm cỡ. Lực lượng nghiên cứu ở đây vừa thiếu vừa yếu. Nhà văn cũng lác đác, nói chi nhà báo như là nhà báo. Trong khi cả một mỏ quặng đang lộ thiên chờ bước chân nhiệt tình cùng khối óc với tri thức thâm hậu bước đến với nó. Không thể chờ đợi các nhà nghiên cứu là người Việt làm thay. Với phương pháp và tri thức chuyên môn cao, họ vẫn có thể; tuy thế chỉ có những đứa con dân tộc sống giữa lòng dân tộc mới có thể khai vỡ được phần thâm sâu nhất của văn hóa dân tộc mình.
Đâu là nhà nghiên cứu người dân tộc thiểu số? Tìm họ ở đâu? Và làm thế nào để họ giữ lửa lòng mãi cháy với văn hóa dân tộc? Là các câu hỏi không lời giải, nếu ta không quyết tâm đi tìm câu trả lời.
C. Và, đâu là công cụ/ phương tiện nuôi sống văn hóa dân tộc?
Câu trả lời là ngôn ngữ. Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là – chưa vội đề cập đến tham vọng lớn lao là phát triển – làm thế nào để ngôn ngữ dân tộc không chết? Ba đòi hỏi thiết thực nhất, đó là: Vấn đề dạy ngôn ngữ dân tộc, biên soạn sách công cụ, ra đặc san cho các/ mỗi dân tộc để nhà văn, nhà thơ dân tộc có thể sáng tác và đăng tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ mình.
Về việc học ngôn ngữ và văn hóa, trong khi vùng đồng bào Khmer và Chăm, con em hai dân tộc này được học tiếng và chữ [trong đó có văn hóa] hết cấp tiểu học; sau đó có nơi còn tổ chức học nâng cao, thì các cháu dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên – do điều kiện khách quan lẫn chủ quan – ít được hưởng đặc ân này. Mà tiếng, chữ và văn hóa quan hệ máu thịt với việc phát triển văn học thế nào, là điều không phải bàn.
Về sách công cụ, nếu từ thập niên 90 đến nay, sau 20 năm, trong khi bà con Cham đã có đến 5 cuốn Từ điển song ngữ/ tam ngữ: Cham – Việt – Anh, sắp tới họ còn có cả Từ điển Văn hóa – văn minh Cham nữa, thì đồng bào Êđê, Giarai, Sơ đăng… có gì? Rất mỏng, mỏng như thể là mảnh đất trắng! Thế thì làm sao học sinh, sinh viên các dân tộc này có thể tra cứu một văn bản văn học cổ điển của dân tộc?
Công trình nghiên cứu: có; việc dạy và học ngôn ngữ và văn hóa dân tộc bản địa: có, cuối cùng, đâu là “đất” cho tài năng đâm chồi? Đây là yếu tố mang tính quyết định. Các nhà nghiên cứu trẻ người dân tộc thiểu số sống xa các trung tâm văn hóa lớn, nên ít có điều kiện giao lưu quen biết; điều kiện kinh tế eo hẹp càng không cho phép họ in các công trình của mình; ngay cả việc đăng các sáng tác ở tạp chí văn hóa nghệ thuật địa phương, hay tạp chí Văn hóa Dân tộc, cũng không dễ dàng với họ. Nghĩa là điều kiện xuất hiện của các khuôn mặt mới người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu miền xa gần như là bất khả.
Vậy phải làm gì? Thử nhìn sang cộng đồng Chăm. Đặc san Tagalau ra đời vào mùa Katê năm 2000, sau 20 kì, đã trình làng hàng loạt khuôn mặt văn thơ, nghiên cứu thuộc nhiều thế hệ cư trú ở nhiều vùng miền khác nhau(15). Từ bác tiều phu tuổi thất thập đến anh giáo viên trung niên đang đứng lớp vùng cao cho chí các cháu còn ngồi lớp cuối cấp Tiểu học trường làng. Thơ ngắn hay trường ca, cảm nhận xã hội hay nghiên cứu, cả tiếng Cham lẫn tiếng Việt. Đây chắc chắn là mảnh đất lành cho thế hệ mới xuất hiện.
Có thể nói, ở cộng đồng này, việc cho ra đời và giữ phong độ đều đặn của đặc san Tagalau đánh một dấu mốc quyết định trong tiến trình phát triển văn chương tiếng Cham hiện đại, cũng như việc đưa các bài nghiên cứu thử nghiệm của cây bút mới vào nghề đến với công chúng nói chung. Quyết định – bởi trước đó, các cây bút người Cham hoàn toàn chưa có điều kiện đăng các sáng tác, nghiên cứu của mình. Tình trạng của các dân tộc khác ở Tây Nguyên và ở Nam Bộ hôm nay cũng không khác mấy.
Tiếng nói dân tộc thiểu số Việt Nam đang rơi rụng và ngày càng lai tạp. Ngay cả Cham mà văn hóa dân tộc vốn có sức sống mạnh mẽ, trong giao tiếp ngày thường, bà con đã nói độn tiếng Việt đến 50-60%. Mà ngôn ngữ một dân tộc chỉ có thể sống qua sáng tác văn học từ chính đứa con dân tộc, được tắm gội và Cham bón hàng ngày qua trao đổi giữa người của cộng đồng đó.
Có còn chút hi vọng nào không?
*
Thử tìm nguồn mạch khai dòng [thay lời kết]
Cộng đồng các dân tộc thiểu số chưa có nhà báo đúng nghĩa, là một thiệt thòi lớn. Thường thì khi vấn đề vỡ ra, quần chúng mới biết, biết – lắm lúc đã quá muộn. Vậy, khi đã thấy, biết được vấn đề…
Ai nói? Cộng đồng dân tộc thiểu số thường nhỏ bé, khi có chuyện, bà con hay nhìn về trí thức, nghĩa là các nhân vật nổi tiếng và các vị khoa bảng. Không hẳn! Mỗi việc đều có địa chỉ của nó. Liên quan đến xã hội, là: Đại biểu Quốc hội, Cơ quan phụ trách vấn đề Dân tộc, UB Mặt trận các cấp; trí thức chỉ được yêu cầu lên tiếng hỗ trợ. Liên quan đến học thuật, là: dân khoa bảng chuyên ngành và trí thức. Nói thì phải dẫn tới làm, nếu không tất cả sẽ chìm xuồng. Như chuyện đốt nhang thượng dẫn, bà con đã kêu nhiều, nhưng ai làm [đơn thư tới cơ quan trách nhiệm] thì… không ai cả! Hệ quả: Mười năm không gặp tình đà quên lãng…
Nói ở đâu? Trên diễn đàn, phản ánh thẳng đến người/ cơ quan trách nhiệm làm sai: Đài, báo, nhà xuất bản, cá nhân. Cạnh đó mạng xã hội được coi là phương tiện lợi hại nhất ở thế giới hiện tại. Không biết nói, thì mách trên Facebook cho người biết nói nói.
Cuối cùng, Nói bằng hình thức nào? Bằng sáng tạo văn học nghệ thuật, bằng thuyết trình, trả lời phỏng vấn, hoặc cũng có thể bằng một bài nghiên cứu chuyên sâu.
Và Nói thế nào? Trả lời câu hỏi này, tôi đã nhiều lần nêu nguyên tắc: Không chống đối quá khích, không dân tộc cực đoan, phản biện đầy lí lẽ và chứng cứ thuyết phục. Chỉ thái độ đó mới có thể mở cơ hội đối thoại.
Và chỉ như thế, hai bên mới có thể “nghe ra nhau”.
TFN, 2-10-2016
________
Chú thích
(1) Bài thơ đăng trên Tienve.org, 15-12-2007, đọc và bình lúc 19 giờ, ngày 29-12-2007
(2) “Cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa”, BBC, ngày 9-7-2011
(3) Inrasara, “Cham Pangdurangga, ngang bướng, đau khổ, kiêu hãnh và bất an”, Inrasara.com, ngày 24-3-2012
(4) “Miền Trung đau khổ… quen rồi” đăng Inrasara.com, sau đó được Đài RFA đọc và bình ngày 7-5-2016; “Và sống sót và kêu từ cõi chết lạ” đăng Tienve.org, ngày 26-5-2016
(5) Inrasara, “Ninh Thuận thực sự cần gì?”, Inrasara.com, 7-9-2016
(6) Fulro?, Ngôn Vĩnh, NXB Công an Nhân dân in 1982; in lần 2 với tên: Fulro, tập đoàn tội phạm, 1985; NXB Văn học in lần 3, 1995
(7) “Văn học tư liệu, “đặc sản” về đề tài Công an”, Phan Quế ghi, nxbcand.vn, 2-3-2012
(8) Đọc thêm: Inrasara, “Po Riyak – Thần Sóng: Lịch sử, truyền thuyết và tục thờ cúng”, tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 2-2016
(9) Mai Ninh, “Huyền bí Tết Katê của người Chăm: Inrasara đã phát ngôn như thế?”, báo Gia đình & Xã hội, tháng 10-2012
(10) Hồng Linh, “Hùng Cửu Long lần đầu đóng “cảnh nóng”, tham dự Liên hoan Phim”, Congly.com, 27-8-2013
(11) “Tiếng trống Paranưng không xuyên tạc văn hóa Chăm”, báo Lao động, ngày 25-9-2013
(12) Đặng Hà, “Mật mã Champa” và hành trình giải mã bí ẩn”, báo Văn nghệ Công an, ngày 28-3-2016
(13) Nguyễn Hòa, “Nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam: một nhu cầu thực tế hay một giả vấn đề”, Vanvn.net, 6-8-2016
(14) dohoang.vnweblogs.com, 22-12-2014
(15) Tagalau, Sáng tác – Sưu tầm – Nghiên cứu Văn hóa Cham, số đầu tiên in năm 2000, số mới nhất: Tagalau 20 ra mắt vào mùa Katê 2016.