NHÀ VĂN LÀM HỒ SƠ, TẠI SAO KHÔNG?

Trên website Inrasara.com, mỗi cuối năm tôi đều có “Inrasara: Dấu vết chữ nghĩa năm…”, thống kê chuyện chữ nghĩa với tôi xảy ra trong năm. Gồm:
1. Tác phẩm đã in & Bản thảo hoàn thành,
2. Nghiên cứu & Bài báo,
3. Phỏng vấn & Dư luận,
4. Tham luận & Thuyết trình,
5. Khác… với đầy đủ địa chỉ, ngày tháng đăng hay in.
Vài bạn văn kêu chi mà khổ thế; có người còn mỉa “Sara đang dọn chỗ Văn học sử ấy mà”. Đó là chưa kể đến “Nhật kí” cùng những “Ghi chép” tùy hứng và ngẫu hứng [nhưng đều đặn], tháng 2-3 lần có; hay tuần 3-4 bài; rồi từ khi chơi FB, mỗi ngày 1-2 Status, là thường.

Mình thì vậy, chớ nước ngoài đó lại là điều bắt buộc.
Mươi lần tôi dẫn đoàn sinh viên cùng giáo sư Nhật về quê thực địa, mươi lần không thiếu một họ đều làm “hồ sơ” với những tên tuổi, nơi học và làm việc, hình ảnh các buổi sinh hoạt, phát biểu, cảm tưởng… và đóng thành tập, gửi: 1. Lưu Thư viện Trường; 2. Inrasara là người hướng dẫn; và 3. Riêng mỗi thành viên có một bản.
Sinh viên thôi mà đã được tập thói quen như vậy, trong khi nhà văn Việt Nam, có thể nói: rất hiếm. Tôi chưa thấy nhà văn Việt Nam biết làm hồ sơ về mình. Hoặc có, nhưng ý thức không đủ đầy. Do đó, ta thiếu tư liệu, đủ thứ thiếu.
Vụ này Nguyễn Hưng Quốc kêu rồi, xin miễn lặp lại. Thế nên, muốn viết cho đến nơi đến chốn về một nhà văn Việt Nam là điều cực khó. Ở đó, không nhật kí, nếu có thì lơ mơ ngày đực tháng cái; thư từ hiếm đã đành, sau đó do không ý thức lưu trữ ta lại hủy đi; hồ sơ tự làm càng không. Trong khi nhà văn Tây phương, tư liệu thừa mứa. Thời Dos mà có tới ngàn bức thư được lưu giữ, đến André Gide phải la lên rằng, đó là cả một kho tàng cho nhà nghiên cứu, phê bình làm việc. Không sướng sao! Rồi thì các tập nhật kí, nhật kí của mình và của người thân, với mênh mông chi tiết liên quan.

Người ta cá nhân thôi mà đã vậy, trong khi mình đến các tổ chức cũng lơ mơ: ý thức lưu trữ rất kém. Như Trại Sáng tác [cả ngàn Trại lớn nhỏ được mở khắp đất nước], tôi chưa nhìn thấy một hồ sơ ra hồn. Kết thúc Trại, nhà văn “nộp bản” rồi sau buổi tổng kết, nhà ai nấy về – hết! Không gì hơn, không gì khác.
Mùa Đông năm 2005, sắm vai trưởng Trại sáng tác DTTS ở Đải Lải, xong tôi làm tập hồ sơ [như Nhật] phát cho Trại viên, mọi người cứ trố mắt nhìn, bởi chưa từng thấy nỗi cá biệt này xảy ra ở VN bao giờ.

Thuở giấy bút còn hao sức, chứ thời computer…
Tại sao ta không thử làm hồ sơ về mình đi? Bỏ công chẳng bao nhiêu, mà hái được bao nhiêu là tiện, cho chính ta đầu tiên. 1. Nề nếp đâu ra đấy, dễ tìm, và tránh thất lạc; 2. Tra cứu nhanh, khi cần viết bài; 3. Cạnh đó, nó còn tiện cho nghiên cứu sinh làm luận văn, hay nhà phê bình muốn viết về ta… sau khi ta cắt khẩu!
Và cả hồ sơ về vấn đề mình yêu thích nữa?
Tôi đã làm hồ sơ [tiểu sử, ảnh, thơ, trích đoạn…] của gần 200 nhà thơ Việt. Mỗi Bàn tròn Văn chương, mỗi Cà phê Thứ Bảy đều có hồ sơ, hay ít nhất cũng Biên bản chi tiết: đủ đầy và cụ thể, trước, trong và cả [dư hưởng] sau cuộc. Thế mới có Phê bình Lập biên bản.
Về cộng đồng Cham, sau mỗi sự kiên, sự cố văn hóa xã hội, cũng có hồ sơ: Dự án Nhà máy ĐHN, Sự cố Văn hóa Nguyễn Thành Thống, Sự cố họa phẩm Chế Kim Trung, Vấn đề Ghur Bini, Tranh chấp Đất Kut Boh Dana, Vấn đề Trường Dân tộc nội trú Ninh Phước, vân vân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *