Inrasara: NGÔI SAO MAY MẮN & KỈ NIỆM CA HÁT THỜI HỌC TRÒ

1973-poklong011973-poklong02
1973-poklong03
[tặng Dao Luu Van, Nguyễn Tỷ Chế Đạt, và lớp mình]

1. Tôi sinh ra dưới ngôi sao may mắn. May mắn từ trong gia đình ra ngoài xã hội.
Cả việc sinh ra ở một làng quê nghèo trong tỉnh nghèo ở một đất nước nghèo đang bị chiến tranh tàn phá – cũng là may mắn. Bởi được sống thôi đã là may mắn rồi.
Nghiên cứu may mắn: lúc Cham chưa có ai nghiên cứu, tôi thành kẻ tiên phong. Thơ may mắn: ló mặt, khi nền thơ ca Việt Nam “có mặt bằng mà không có đỉnh cao”. Phê bình may mắn: tôi có cơ hội trồi lên khi nền phê bình nước nhà “vừa thiếu vừa yếu”.
Huỡn đã! Hôm nay các bạn học Khóa 5 Trường Pô-Klong chuẩn bị gặp mặt, nên chỉ xin nói về chuyện may mắn học.

2. Trường Trung học Pô-Klong thành lập năm 1965 là may mắn cho Cham. Trước đó, bọn trẻ Cham thế hệ cô chú tôi phải lặn lội ra Nha Trang, vào Phan Thiết, lên Đà Lạt hay vô trường Việt ở Phan Rang học.
Thi vào Trung học đỗ Thủ khoa, tôi may mắn có học bổng khá to.
Vào Đệ Thất, thêm cái may mắn. Đó chính là năm đầu tiên Trường phân Ban Pháp văn và Anh văn, chứ trước đó – chưa.
Tôi Pháp văn, may mắn hơn nữa. Bởi lớp 49 bạn, trong đó có đến 11 nữ sinh. Nghĩa là bộn người đẹp, trong khi lớp Anh văn chỉ mỗi một bông hoa.
Đệ Tam, lại may mắn tiếp. Đó là năm đầu tiên Trường có cấp Ba. Tôi qua ban B: ban Toán.

3. Xin kể vài kỉ niệm vui tặng các bạn đồng môn, như món quà ngày gặp mặt lần hai.
Chương trình Đệ Thất thôi mà VNCH đã dạy rất căn bản, ở đó chúng tôi được học họa và nhạc, nữ sinh thì có thêm nữ công gia chánh.
Chu Trầm Nguyên Minh dạy họa. Thầy làm thơ, dường có một tập thơ, tôi nhớ có câu “Ôi đôi mắt em xanh màu trời ốc đảo” bị một ông thầy dạy Văn chê. Tôi nghĩ thơ thế đâu có dở nhỉ. Sau này thầy vào Sài Gòn sống, năm 2005 có in tập thơ mới. Tôi sang chơi và được thầy tặng 1 bản.
Đàng Năng Quạ dạy nhạc. Khi ấy, ở Kí túc xá trước giờ ăn, chúng tôi phải hát “Cơm canh chia rồi…”, chính thầy Quạ đã tự soạn ca khúc Dơr Hai thay thế, với “Lithei ia tơl anak…”. Sau đó thầy còn viết hơn mươi ca khúc tiếng Cham khác dạy chúng tôi hát nữa.
Nghĩa là tôi may mắn được học rất căn bản hai môn nghệ thuật đó từ hai nghệ sĩ tài năng nhưng cực kì mô phạm, chứ không đổ đốn như nhiều thầy bà sau này.

4. Chuyện ca hát học sinh thời đó, nhớ lại nghe hơi buồn cười.
Lớp Đệ Thất mới tí tuổi đầu, thầy Từ Công Phú bố trí Trượng Ngạt song ca với nữ sinh cùng lớp [tôi quên tên] cái bài Hai Đứa Giận Nhau: “Trả lại cho em mảnh khăn hồng đó/ Có tên hai đứa màu chưa mờ…” cùng lúc rút từ túi quần ra cái khăn mùi-xoa chuẩn bị sẵn đưa cho cô nàng! Rồi cả màn nắm tay nữa…
Dù nắm vững nhịp nhạc, tôi vẫn thích phá cách, khi hát. Thầy Quạ có bận khen “mầy biết ý tao”. Giọng tôi tạm thôi, được cái tôi thích hát. Trường mới từ An Phước chuyển về Phan Rang, đêm lửa trại, tôi được yêu cầu hát bài Đồ Bàn song ngữ của thầy.
Bài ruột của tôi khi ấy là: Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang và Nỗi Buồn Sa Mạc. Tôi hát nó theo kiểu của mình [kiểu hậu hiện đại, như bạn Trần Can sau này đùa thế]. Tiếc là tôi chưa một lần biểu diễn cả hai trên sân khấu. Lớp Đệ Tứ, tôi song ca bài Giọt Mưa Trên Lá với Kiều Nhạc: tôi giọng cao, anh bạn giọng trầm. Lên Đệ Tam tôi soạn hoạt cảnh Hận Đồ Bàn [biến tấu hoạt cảnh của Ban Văn nghệ Trường trước đó]; ở đây tôi và Kiều Nhạc thay phiên nhau ngâm thơ và hát. Trên sân khấu Pô-Klong, sau đó được chọn dự thi Văn nghệ Học sinh toàn tỉnh ở Trường Duy Tân. Chi tiết táo tợn nhất: Báo Ngọc Lít lên núi Cà Đú tìm đâu ra cái đầu lâu với hai miếng xương bánh chè Việt Cộng về phục vụ cho một phân cảnh theo ý thơ Chế Lan Viên. Vậy thôi mà hoạt cảnh đoạt giải cao.
“Sự nghiệp” ca hát của tôi đến đó, thì… giải phóng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *