Bản sắc chuyển động khôn lường, chứ không hề đứng yên một chỗ. Dẫu sao, ta cứ đòi “bản sắc”, và quyết giữ gìn bản sắc ấy. Muốn tìm bản sắc thì phải trở về nguồn. Vậy, trở về nguồn tới đâu để gặp bản sắc? Múa Cham chẳng hạn.
Thời HTX Nông nghiệp, dân Chakleng lên tháp Po Klaung Girai dự Kate, thấy cánh nữ palei Tabơng múa lắc thân hơi mạnh, chị em kêu: Chi mà lắc như ma ám thế chứ! Múa thì phải chậm rãi, nhẹ nhàng mới là múa Cham.
Hôm HTX Chakleng mời Đoàn Văn nghệ Phan Rí về giao lưu cũng thế. Dưới mắt tôi, khách lạ đẹp như tiên nữ với điệu múa mê hồn, nhất là đôi môi luôn mĩm cười. Cánh trẻ huýt sao quá trời. Vậy mà cũng bị quý bà Chakleng quê tôi chê: Múa gì mà nhe răng cười như khỉ ấy. Nghĩa là dân Chakleng xịn thì phải múa khác.
Thế nhưng Hani [bà xã Sara] vẫn là dân Chakleng, chuyên gia độc vũ, lại khác: Luôn biến tấu, điều tiết nhịp điệu tài tình, và nhất là – cuốn hút đến giây cuối cùng.
Xa hơn, thuở Pô-Klong, thầy Đàng Năng Quạ phụ trách văn nghệ dạy nữ sinh múa truyền thống Cham. Thầy bảo, dứt khoát đôi tay người nữ Cham không được vươn dài hết cỡ, đưa tay lên cao [quá 90độ] thì càng tối kị, vậy mà nhiều nơi Cham cứ múa cho tay vươn thoải mái, nghĩa là khác.
Cũng ở Pô-Klong, lớp Anh văn dưới tôi một lớp, khi trình diễn múa tập thể lớp (6+1), cô Dẫn luôn được lớp chọn làm nhân vật trung tâm: nhịp nhanh, hấp dẫn; thầy Quạ thì khác: Múa tập thể Trường, thầy luôn chọn Yến Vân bạn học của tôi. Không phải Yến Vân múa đẹp hơn (nếu bỏ phiếu, cô Dẫn phải đứng đầu), mà là chuẩn hơn – theo thầy.
Đó là câu chuyện của những năm 80 của thế kỉ XX trở về trước.
Vậy, múa Cham vẫn có CHUẨN: tức bản sắc.
Nhưng chuẩn ấy bắt đầu từ đâu? Nó cần được xác minh thời điểm, như là cách rạch một đường ngang dòng chảy biến thiên của thâu thái và sáng tạo.
Cham chưa có công trình nào: sách, ảnh, băng dĩa… để xác minh bản sắc. Ta cứ tùy tiện kêu bản sắc, mà không biết bản sắc kia thế nào.
Năm 1998, tôi đã thử mở lối để đi tìm bản sắc ấy.
*
Như vậy, “truyền thống-bản sắc” luôn biến động.
Thế kỉ XX sắp kết thúc, Cham vẫn còn chưa biết bản sắc như là bản sắc ca-múa-nhạc dân tộc như thế nào. Đây đó vài tập sách mỏng kí âm các điệu trống, vài bài viết về múa Cham, về dân ca Cham, còn lại chỉ là những tiếc mục trình diễn của Đoàn Văn nghệ bán chuyên, và buổi diễn dân dã ở các lễ hội. Chưa có công trình tầm cỡ cho độc giả có thể cầm trên tay để nhận diện được đâu là ca-múa-nhạc Cham. Tuyệt đối chưa!
Dù đây không phải chuyên môn của tôi, nhưng dòm qua ngó lại không thấy ai làm, tôi phải xắn tay áo vào cuộc.
Năm 1994, tôi cùng thầy Lương Đức Thắng về Phan Rí thu âm, ghi ảnh. Năm 1995, tôi gửi băng dĩa kèm tiền thù lao nhờ anh Sử Văn Ngọc thu các loại hát xướng dân gian Cham Ninh Thuận. Năm 1998, hết nhiệm vụ ở Đại học, tôi về quê làm chương trình Âm nhạc Dân gian Cham.
17 nhân vật ca-múa-nhạc Cham tụ về Chakleng và vài palei Cham nguyên một tuần: thu âm, ghi hình, chụp ảnh. Mưdwơn Hán Phải, Đàng Năng Quạ, Kadhar Khâm, cha con Anh Đồn, Lâm Gia Tiến, Hani, Kiều Loan… Để tránh lai tạp, tuyệt đối tôi không mời các nghệ sĩ trong Đoàn Văn nghệ tỉnh. Gần như tất cả dữ liệu cần thiết để dựng nên Âm nhạc Dân gian Cham được ghi nhận trong tuần lễ đó.
Kate 1998, chương trình Âm nhạc Dân gian Cham dự trù diễn 2 tối ở Chakleng. Tôi mời cả nghệ sĩ từ xa: Tantu, Amư Nhân, Hồng Loan… và dự tính chính tôi sẽ trực tiếp phỏng vấn họ trên sân khấu.
Tôi nghĩ, nếu thành công, đó sẽ là thời điểm xác định được “truyền thống-bản sắc” ca-múa-nhạc Cham. Một bản sắc có bằng chứng để xác minh: âm và hình thuộc đủ thể loại, nhất là nó còn chưa bị lai tạp.
Nhưng Bà Trời đã không chiều lòng người.
Tối, Đài báo có bão, chương trình bị hoãn, các nghệ sĩ về nhà chuẩn bị Kate; thế nên chương trình hôm sau chỉ còn 1/3 người ở lại.
Tiếc nữa, trong 5 năm liền tôi tìm nhạc sĩ có thiên hướng nghiên cứu cộng tác làm bộ sách Âm Nhạc Dân Gian Cham, tìm khắp Bắc Trung Nam, mà không có. Nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên rất thích, nhưng mãi lưỡng lự, rồi thôi.
Tiếc cuối cùng, sau 7 năm không dùng, băng hình bị hết đát, thành công cóc. Sau này 2014, nhạc sĩ Tuấn Khanh chỉ cứu được “tiếng”, ngoài ra không gì khác.
Thương thay!