Đỗ Quyên là người viết ưa dài.
Anh sưu tầm hàng lô hàng lốc trường ca và thơ dài để làm thành Trường ca Việt với cả đống tên tuổi, bất kể hay dở.
Anh làm “200 tác giả, 8 thế hệ: Phê bình thơ Việt hậu Đổi mới”, cũng dài chán.
Là những cái dài cần thiết, có ích cho nghiên cứu văn học.
Nỗi dài ở Đỗ Quyên khiến tôi ngán nhất, là trả lời phỏng vấn. Ở Thơ đến từ đâu (Nguyễn Đức Tùng, NXB Lao Động, 2009), anh nói tận 56 trang. Đích thị là trường ngôn!
Và phê bình của anh, dài [dòng] đọc đến hụt hơi, đọc đến chữ cuối nó khiến ta như bị lạc vào rừng rậm của chữ nghĩa và diễn giải.
Hôm nay “tiểu thuyết thời sự” Trung – Việt Việt – Trung đến tay tôi, cũng dài không kém. Ngó sơ thôi đã bắt ớn.
Bỏ qua lời phi lộ, lời tựa, với mấy dòng “quảng cáo” ở bìa bốn, tôi đọc thẳng vào tiểu thuyết, và quên luôn mình đang đọc. Đọc một hơi cả buổi sáng đến hết sách. Rồi đọc trở lại…
Tôi dám chắc, cái dài của Đỗ Quyên đã tìm đúng địa chỉ kí gửi của mình: tiểu thuyết.
Mà phải là tiểu thuyết hậu hiện đại.
Mối tình Trung – Việt Việt – Trung là chuyện tình chưa bao giờ cũ. Là câu chuyện của muôn đời, của hôm qua và cả hôm nay.
Hôm nay, chuyện tình đó diễn lại. Nó gạ gẫm nhau từ thời Nhật đi, Tưởng đến và vài chục năm trước đó nữa. Nó sáp vào nhau ở Điện Biên Phủ tay bắt mặt mừng một hồi rồi thôi. Biết mình không đẹp trai, nó chơi bài dai mặt qua suốt 20 năm nội bộ anh chị em Việt lục đục. Không ưng, nó nhờ Pôn Pôt mai mối để qua ngồi tót Ải Nam Quan. Không chịu, nó chơi bạo làm một cú Gạc-Ma hết hồn. Hết Hữu Nghị quan đến Hội nghị Thành Đô, 16 chữ vàng với bạt ngàn lời đẹp đẽ họ dành cho nhau. Và họ bắt đầu sờ mó rờ rẫm nhau. Bauxite Tân Rai với Nhiệt điện Vĩnh Tân, từ công nghiệp nặng như thép Vũng Áng đến thức ăn ban tặng nhau mỗi bữa cũng không chừa. Rồi khi nàng ra bề đã chịu, chàng tấn công tới tấp. Từ phía nàng hở sườn vào mới ghê. Cắt dây cáp, đâm tàu cá, cho tàu hải giám vờn nhau hôn hít nhau, rồi tuyên bố đây kia đã là của nhau, thây kệ Tòa án CPA vừa ra tuyên bố cắt cái lưỡi bò, ta vẫn hảo hảo hảo…
Bao giờ là đêm động phòng hoa chúc?
Tiểu thuyết thời sự Trung – Việt Việt – Trung khởi đầu từ ấy, nhấn vào và tô đậm những nỗi ấy: chuyện vừa xảy ra, đang xảy ra. Nhưng không chỉ từ ấy, nó còn cho cặp tình nhân kia đầu tựa gối ấp kể lể mấy kỉ niệm xa xưa, và vẽ vời ra bao viễn tượng ngày mai nữa.
Trung – Việt Việt – Trung ở quanh ta, trong ta. Nó là của ta nhưng không hẳn là của ta, mà như là của ai đó xa lạ. Nó khiến ta mất ăn mất ngủ, nó làm ta mất việc, mất kế hoạch từng vẽ, nó bẻ gẫy cả lí tưởng ta từng mơ. Ta lên tiếng hay im lặng, ta đổ lỗi hay xuống đường, đánh đập và bị đánh đập, tuyệt thực phản kháng hay cười cợt cái tuyệt thực đó, ta bỏ bê văn chương để lên facebook phản bác tố cáo hay mỉa mai nhau, ta họp báo giả vờ, tuyên bố giả vờ, phạt vạ giả vờ, đến xử án chung thân ta cũng giả vờ. Chạy xe ngoài phố ta nhìn thấy nó, nó theo ta về tận nhà, vào tận giường chiếu ta. Ta đã hải ngoại xa xôi tự bao giờ mà nó vẫn không tha. Nó ám ta, ám miết. Ta thấy nó trên khuôn mặt cười méo của bạn thơ, dưới ánh mắt buồn giấu kín của cô bé bán vé số, trong tiếng chưởi loạn xạ của bà mẹ như sắp điên.
Thực và mộng lẫn lộn, cắt dán và nhảy cóc, tưởng tượng và mơ tưởng, lắm lúc sến không chịu nổi, khóc không ra khóc, cười càng chẳng ra cười: cười mếu, cười gằn, cười mỉa, cười ra nước mắt. Ở lại không đặng: “Bom Dị Bào” chỉ là một mộng tưởng đau đớn; bỏ đi cũng không xong: Hốt cả dân Việt sang Canada với điều kiện bỏ làm thơ, thì dân Việt có sống cũng như đã chết rồi còn gì. Vậy ta cứ chơi bài thắng lợi tinh thần kiểu anh Chí: Trung cũng là Việt, chỉ là đàn con cháu của Việt, vạn năm có lẻ trước nó từ nách Bách Việt mà chui ra.
Tự an ủi vỗ về ru nhau thế có xong đâu, trong khi đêm động phòng hoa chúc đang đến gần, rất gần. Có khi đã rồi mà ta nghĩ là chưa, màn trinh đã rách từ năm nảo năm nao rồi mà ta giả vờ là còn. Có khi ta mấy bận làm màn trinh giả rồi không chừng.
Mơ hồ và lung tung phèng chẳng biết đâu mà lần.
Trung – Việt Việt – Trung cho ta biết ta đang sống, thở, lo giữa khoảng mơ hồ hỗn độn để bị mớ chết tiệt kia dồi tung đến chả biết cười khóc ra sao ấy. Bằng và qua chữ nghĩa, nó nhắc lại, gợi nhớ, đánh thức ta và đẩy ta vào vùng tối của kí ức để lần nữa ta thức nhận thực tế thời cuộc trước ta, bên ta, từ ta, và trong ta.
Bạn còn chờ gì nữa, mà không thử đọc đi?
Sài Gòn, 13-7-2016