Vấn đề Po Riyak. bài 5. Jaya Bahasa: TRUYỆN KỂ VỀ PO RIYAK: VỊ THẦN SÓNG BIỂN CỦA NGƯỜI CHĂM

Truyện kể rằng Po Riyak sinh ra và lớn lên ở làng Aia Dak ở khu phố Chăm huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận ngày nay. Từ nhỏ, Po Riyak đã thể hiện tố chất lanh lợi so với bạn bè cùng trang lứa. Là đứa con lễ phép và hiếu thảo với cha mẹ nhưng Po Riyak lại ít làm các công việc ở gia đình. Po Riyak có ý thức về học vấn nên đã sớm rời xa quê hương đi tìm thầy để học về đạo lý làm người. Điểm dừng chân của Po Riyak là thánh địa Mưkah của đất nước Ả Rập. Ở đó, có thánh đường Hồi giáo Mưkah do các Po Nưbi cai quản.
Po Riyak được các Po Nưbi tiếp nhận, dạy dỗ về lịch sử và văn hoá rất ân cần và chu đáo để bồi dưỡng về tri thức. Khi đã hoàn thành chương trình đào tạo về văn hoá và đạo pháp, Po Riyak xin được quay trở về quê hương để giúp đỡ dân làng. Nhưng các Po Gru can ngăn và khuyên răn nên ở lại thêm một thời gian. Thấy như vậy, Po Riyak đành phải nói thật lòng với các Po Gru biết là ở quê nhà đang bị chiến tranh, giặc Ulik đang tàn phá ác liệt, người Chăm rơi vào hoàn cảnh loạn li, áp bức, chết chóc, điêu tàn. Vì vậy, Po Riyak xin phép được sớm trở về đất nước để giúp dân cứu nước.
Các Po Gru trả lời với Po Riyak rằng , về đạo pháp thì các thầy đã truyền thụ cho hết rồi. Vận mệnh của dân tộc Chăm là ở ý trời. Lúc này, con trở về là chưa thuận tiện. Nếu ta có cho con đi chăng nữa thì cũng chẳng thay đổi được tình hình gì đâu. Trái lại, con còn phạm phải trọng tội luật lệ của nhà trời do Po Débita sắp đặt. Con hãy ở lại với ta đợi khi nào vận hạn đi qua khỏi rồi hẳn trở về quê hương.
Khi Po Gru kiên quyết giữ lại, một mực khuyên bảo không cho đi. Nghe vậy, Po Riyak không ăn không ngủ được, trong lòng lúc nào cũng đau đáu, tim gan nóng hừng hực. Một hôm, trời ngã về đêm Po Riyak lén trốn đi. Bằng cách, lấy tấm ván kết thành thuyền bè thả xuống biển, lấy lá cờ cắm ở đằng trước mũi thuyền, giăng buồm ở đuôi. Trong khi Po Gru vẫn còn đang ngủ say Po Riyak lạy Po Gru 3 lần rồi xuống biển về nước bất chấp lời ngăn cản và chấp nhận mang tội với Po Gru.
Sáng sớm thức giấc Po Gru kêu không thấy tiếng trả lời của Po Riyak, đi tìm khắp nơi cũng chẳng thấy đâu. Po Gru làm phép và bói mới biết là người học trò đã tự ý trốn đi rồi, phạm phải những tội lỗi với Po Débita Thuer. Người thầy nguyền rủa cậu học trò vì không chịu vâng lời: “Nếu ngươi đi trên biển thì con cá sẽ đớp, còn đi đường rừng thì con cọp sẽ vồ ăn thịt”. Lời nguyền linh ứng, sóng biển dâng cao. Khi Po Riyak vừa gần bãi biển quê hương thì trên trời bỗng dưng tiếng sấm tiếng sét nổ rền vang cả ngày lẫn đêm. Giông tố, mưa bão đánh tan nát thuyền của Po Riyak ra thành hai khúc. Po Riyak bị tử nạn linh hồn hoá kiếp nhập vào thân hình con cá voi. Po Riyak qua hình dạng con cá voi luỵ vào vùng biển Phan Rí gần làng Chăm sinh sống trên một khu đất cát màu đỏ. Dân làng thấy vậy, lập đền thờ cúng, mang trầu cau, bánh trái đến cầu khẩn. Po Riyak hiển linh, nhập đồng cho biết về gốc tích để dân làng biết mà thờ phượng. Po Riyak đi chu du khắp nơi xem đời sống dân làng quá cơ cực mà chẳng thể giúp đỡ được gì.
Rồi, Po Riyak quyết định quay trở lại làng Chăm của mình ở Tánh Linh kết hôn với người con gái Kahaow ở làng Pat sinh được 2 người con trai rồi hoá kiếp thành yang. Ngày nay, người Chăm thờ phượng Po Riyak qua nhiều hình thái khác nhau tuỳ thuộc vào các nghi lễ cúng mà gọi tên huý để khấn xin sự giúp đỡ. Nếu theo hệ thống yang thì thuộc nhóm yang mới. Nếu gọi theo hệ thống cei thì mang tên huý là Cei Traong. Tên gọi trong nghi lễ Rija Dayep là Karamat Bituk. Vua Karamat ở trên các vì sao cai quản khắp đất trời và biển cả mênh mông.
Thượng đế cho phép Po Riyak đi xuống trần gian để cứu giúp người dân, phù hộ độ trì cho các ngư dân sinh sống ven biển. Khi ở hạ giới Po Riyak hiện hình qua hình hài con cá voi./.

Chú thích:

1. Po Riyak: Po là danh xưng trước tên gọi dành cho thần linh và vua chúa. Riyak có nghĩa trong tiếng Việt là sóng biển. Văn bản viết tay của người Chăm thường viết là Po Riyak hoặc Po Riyak, cả hai cách viết này đều chỉ về một vị thần.
2. Khu phố Chăm: Là một địa danh làng của người Chăm ở huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Tiếng Chăm gọi là Palei Pacam.
3. Mưkah: Là tên thánh địa Islam giáo ở vùng tiểu bang Kalentan của liên bang Malaysia. Tuy nhiên, văn bản Chăm nhằm lẫn Mưkah là địa danh Mecca ở nước Ả Rập. Vì tôn trọng văn bản gốc nên chúng tôi giữ nguyên và chỉ dịch sang tiếng Việt theo nguyên tác. Mưkah còn có cách viết và đọc khác là Mâ-kah.
4. Po Nưbi: Là tên thánh gọi chung của người Hồi giáo Bà Ni ở Việt Nam.
5. Po Gru được sử dụng nhằm để ám chỉ người thầy, người đứng đầu trong các hàng giáo phẩm chức sắc người Chăm Bà Ni.
6. Ulik: ám chỉ người Việt vùng đất Châu Ô, Châu Lý ở tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế trước đây thuộc về người Chăm.
7. Po Débita: Tên gọi đầy đủ là Po Débita Thuer. Là vị thần lớn nhất của các vị thần, cai quản trên thiên giới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *