Cuối năm 2015, các nước trong khu vực Đông Nam Á đã đặt bút kí thống nhất trở thành cộng đồng chung ASEAN. Đây là cơ hội và thách thức cho sự phát triển chung của khu vực. Văn hoá Chăm có nhiều nét giống với các quốc gia láng giềng. Người Chăm đã chuẩn bị gì để hội nhập và phát triển ?. Bài tuỳ bút dưới đây chỉ là những cảm nhận về văn hoá Chăm và văn hoá Malaysia. Nhằm mục đích góp phần tăng cường sự hiểu biết về nền văn hoá Đông Nam Á.
Việt Nam trong mối quan hệ Đông Nam Á
Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á, nhưng sự hiểu biết lẫn nhau còn rất hạn chế. Điều này, phải chăng là người Việt không có phương tiện để ra khơi vươn ra biển lớn. Hay xuất phát từ sự khác biệt bởi yếu tố văn hoá. Nhìn lại, những trang lịch sử, các câu truyện cổ tích người Champa đã có thời kỳ làm chủ trên vùng biển đảo rộng lớn, được mệnh danh là những con người can đảm gắn cuộc sống với biển cả. Theo như câu nói cửa miệng của người Chăm là “Lingik tasik ley”-trời biển ơi. Văn hoá Chăm là nền văn hoá lúa nước, ăn cơm bằng tay. Còn người Việt thì ăn cơm bằng đũa giống như người Trung Hoa. Có lẽ, người Chăm sẽ ngạc nhiên khi xung quanh họ vẫn còn có các quốc gia ăn cơm bằng tay. Tại các nhà hàng sang trọng hay quán ăn ven đường dễ dàng bắt gặp người dân Malaysia, India dùng tay để ăn cơm. Văn hoá này, trước đây cũng khá phổ biến ở người Chăm. Nay, thì hiếm thấy.
Trên quãng đường từ thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố cổ Melaka của Malaysia tôi mới thấy được người Chăm đã từ bỏ rất nhiều hệ giá trị văn hoá truyền thống quý báu. Để rồi, khi các quốc gia ở Đông Nam Á đã chính thức trở thành cộng đồng chung khối ASEAN vào ngày 31-12-2015. Thì người Chăm lại trở nên cô độc trước cơ hội tìm lại anh em nhận lại đại gia đình Melayu. Trong lịch sử, người Chăm có mối quan hệ láng giềng thân thiện với các nước Cambodia, Thailand, Malaysia, Philippine, Indonesia.v.v. Mối quan hệ quốc tế giữa Champa với các quốc gia Đông Nam Á dựa trên hợp tác thương mại, quan hệ hôn nhân. Đặc biệt, là sự gần gũi về văn hoá. Trong đó, nổi bật nhất là ngôn ngữ Melayu làm nền tản để giao tiếp quốc tế. Sự chấm dứt mối quan hệ quốc tế khi Việt Nam hoàn thành việc đặt nền cai trị trên toàn cõi lãnh thổ Champa vào nửa đầu thế kỉ XIX.
Sự thật phủ phàng, cứ ngỡ rằng, người Chăm Phan Rang, Phan Thiết là Chăm Jat. Nhưng, chỉ có một bộ phận rất nhỏ chức sắc Maduen còn nhớ và sử dụng ngôn ngữ Melayu mà trong dân gian gọi là tiếng Jawa. Hầu hết, người dân thường đã không còn giao tiếp tiếng Jawa, phần lớn là nói tiếng Chăm bỏ langlikuk và chèn từ vựng tiếng Việt. Trái lại, các gia đình người Chăm ở miền Tây Nam bộ lại có ý thức giáo dục ngôn ngữ Melayu trong gia đình bên cạnh tiếng Chăm. Mặc dù, người Chăm ở miền Tây Nam phần đã lãng quên chữ viết của tổ tiên trên 300 năm nay. Họ chỉ đọc và viết thành thạo chữ Ả Rập. Thứ tài sản lớn nhất và quý giá nhất là ngôn ngữ Melayu vẫn còn lưu truyền trong gia đình là phương tiện hữu dụng để hội nhập và phát triển cùng cộng đồng ASEAN.
Một thời kỳ lịch sử đi qua của Champa
Trong thế kỉ XV-XVII, những chiếc thuyền buồm từ thành phố cảng Melaka vươn ra biển lớn. Thì những thương cảng Hội An, Thị Nại của Champa cũng tấp nập tàu thuyền quốc tế cập cảng để mua hương liệu và sản vật địa phương. Con đường thương mại cảng thị đã mang đến sự thịnh vượng và danh tiếng cho Champa một thời. Nay, người Chăm hoàn toàn không còn kỹ nghệ đóng tàu lớn và mưu sinh bằng đường biển nữa là một thiệt thòi rất lớn về mặt thương mại. Những đoàn thuyền của Po Tang Ahaok, Po Rayak mãi mãi chỉ là huyền thoại. Tương truyền, những chiếc thuyền đang ra khơi ở biển Nam Trung bộ ngày nay là hình dạng của những chiến truyền Champa ngày xưa. Thuyền của người Chăm có đặc điểm đầu nhọn, phần đuôi vuông. Người Việt tiếp nhận kỹ thuật đóng tàu của người Chăm, họ chỉ thêm phần khoan giữa làm mái nhà che nắng che mưa.
Đêm Melaka như tựa đêm không biết ngủ. Khi trời khuya đã sang ngày mới, người dân bình thản rủ nhau đi ngâm nước nóng. Bất kể, người lớn hay trẻ em. Khác với đêm thôn dã Chăm, chỉ cần chưa tới 9 giờ thì ánh đèn đã tắt hết chỉ còn bóng đêm bao trùm không gian u tối. Người dân Malaysia không buôn bán rượu, bia, thuốc lá và trò chơi đỏ đen. Nhưng, buổi tối ở các điểm vui chơi công cộng lúc nào cũng đông đúc khách. Không ồn ào, hối hả, trong đôi mắt to tròn được trùm khăn kín đầu cả ngày là nét mặt hiền lành và thân thiện. Nếu như thiếu nữ Chăm tự cởi bỏ chiếc váy và áo truyền thống. Thì trong xã hội công nghiệp phát triển, áo dài là trang phục đẹp nhất mà người dân Malaysia hãnh diện mang khi ra khỏi nhà. Nếu như đàn ông Chăm ít tham gia các công việc liên quan đến nội trợ, phục vụ dịch vụ ăn uống thì cánh đàn ông Malaysia là người đàn ông đảm đang thật sự. Bởi rằng, phụ nữ ở các quốc gia chọn Islam giáo là quốc giáo thì người phụ nữ rất ít xuất hiện tại các quán ăn, nhà hàng để làm dịch vụ. Đa phần công việc này do các ông chồng đảm trách.
Đất nước Malaysia hội tụ nhiều sắc dân khác nhau. Nhưng, chiếm số dân áp đảo là dân Mã, Hoa và Ấn. Mỗi sắc dân có niềm tin tín ngưỡng-tôn giáo khác. Tất cả, các bản sắc văn hoá đều được coi trọng và tôn trọng như nhau. Đối với, sắc dân bản địa người Mã thì họ có nhiều ưu đãi đặc biệt về giáo dục. Họ được nhà nước đặc cách cho nhiều quyền lợi về phúc lợi xã hội. Người Chăm đang bảo tồn các giá trị văn hoá Melayu. Tuy nhiên, khái niệm về thế giới Melayu ở người Chăm Nam Trung bộ vẫn còn khá mơ hồ và đơn độc. Từ đó, ngôn ngữ Melayu chỉ dừng lại trong phạm vi hạn hữu sử dụng trong nghi lễ hệ thống Rija do các chức sắc Maduen lưu truyền. Nếu phát triển được ngôn ngữ Melayu, người Chăm sẽ mở được một chân trời rộng lớn cùng cộng đồng ASEAN.
Di sản văn hoá Champa
Tạm bỏ qua những thành tựu phát triển công nghiệp và hệ thống cơ sở hạ tầng mà tìm về dấu ấn văn hoá thì Keris, chiếc nọ, áo dài, thuyền, xe trâu, đồ gốm, mộ chum, âm nhạc v.v. có nhiều nét giống nhau giữa Malaysia và người Chăm.
Cái Keris là một con dao nhỏ có lưỡi bằng kim loại, tay cầm bằng gỗ hoặc ngà voi. Người Mã Lai có 2 dạng Keris: Keris lưỡi xoắn hình ngọn lửa, Keris thẳng đầu nhọn. Keris là biểu tượng của quyền lực và sức mạnh. Lúc nào, cũng được đeo ở lưng dành cho bậc đế vương. Keris cũng được dùng để làm bùa phép trong các nghi lễ huyền bí. Người Chăm cũng có quan niệm về Keris như vậy. Đó là một báu vật quý được bảo quản trong các Ciét quần áo của gia tộc. Khi làm nghi lễ Rija Praong người ta mới dám mang ra để múa Patra. Tuy nhiên, hầu hết các Keris còn lưu giữ ở các làng Chăm đều là hiện vật mới làm lại, chứ không phải là Keris cổ xưa được lưu truyền. Múa Keris là điệu múa được nhiều người thích nhất. Một khi bà Rija cầm trên tay con dao Keris thì thần thái trở nên mạnh mẽ phi thường. Các động tác múa hoá thân Patra cùng với tiếng nhạc của trống Gineng, kèn Saranai càng tăng thêm sự phấn khích trong trạng thái lên đồng.
Cái nọ hay cái cung bắn tên của người Mã Lai có nhiều nét giống với cái nọ của các tộc người Trường Sơn-Tây Nguyên hay cái nọ người Raglai ở Canah Tang -Phước Hà, Hamu Nec-Bác Ái. Người Chăm dường như không còn sử dụng cái nọ trong lao động và săn bắn. Nhưng, ở người Chăm còn tái hiện việc Janyeng Tuan bắn cung trong nghi lễ Rija Praong Atuw Tasik. Mặc dù, chiếc cung của người Chăm được chế tác một cách thô sơ để thực hành nghi lễ chứ không thể hạ thủ sát thương con thú rừng được.
Áo dài, ở quê nhà, thành phố hay hải ngoại người Chăm vẫn ưa thích với việc mặc áo dài đi tham dự các buổi sinh hoạt văn hoá-văn nghệ. Tiếc rằng, thợ may áo dài người Chăm chưa nhiều. Nên, các chị em lại truyền tai nhau tay nghề may áo dài của các tiệm người Kinh. Và, điều vô tình đã xảy ra. Không biết vì muốn tiết kiệm vải hay cái sở thích của thời trang mà các chị em lại cắt cụt đi phần tay của áo dài truyền thống. Một số người thì cho rằng như thế thì đẹp, làm ngắn phần tay cho mát và đỡ vướng bận. Đó là người Chăm tự thay đổi chuẩn mực của chiếc áo dài truyền thống. Ở xã hội văn minh, công nghiệp phát triển hơn Việt Nam rất nhiều. Nhưng, phụ nữ Mã Lai vẫn ăn mặc rất cổ điển. Trong cái shop thời trang lớn ở các trung tâm thương mại không bao giờ thấy chiếc áo dài bị cắt ngắn ở phần cánh tay. Việc ăn mặc là theo sở thích và sự lựa chọn cá nhân, không ai có thể bắt người khác phải ăn mặc theo ý muốn chủ quan được. Tuy nhiên, cần có sự tôn vinh và trân trọng chiếc áo truyền thống của người Chăm. Đừng vì thời trang mà đánh mất đi bản sắc quý giá. Và, phải chẳng không nên mang áo dài cắt ngắn tay lên trình diễn trang phục và biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu.
Thuyền buồm là phương tiện di chuyển nổi tiếng của Mã Lai. Tại thành phố Melaka còn trưng bày một mô hình chiếc thuyền buồm bằng kích thước giống như thuyền thật. Trong lịch sử, Champa từng được mệnh danh là quốc gia biển, với kỹ thuật đóng tàu tiên tiến. Người Chăm từng vượt hải trình biển đông để giao lưu quốc tế. Trong những bức tường đá ở ngôi đền Angkor Wat của Cambodia còn còn lưu giữ nét chạm khắc hình ảnh chiếc thuyền 2 tầng của người Chăm chinh chiến với người Cambodia. Mất biển người Chăm đánh mất mối liên hệ quốc tế, mất đi bạn hàng nước ngoài và mất luôn kỹ thuật đóng tàu, các hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản. Từ đó, những hạn chế kinh tế, giao lưu văn hoá quốc tế bị phai mờ. Và, hệ quả là người Chăm bị thế giới lãng quen.
Xe trâu là phương tiện vận chuyển đồ vật và nông sản phổ biến của người Chăm. Trước năm 1975, người Chăm chỉ sử dụng sức kéo con trâu và nuôi trâu để lấy thịt chứ không có nuôi bò và ăn thịt bò như ngày nay. Tại thành phố cổ Melaka hình ảnh xe trâu sử dụng sức kéo con bò rất giống với người Chăm ở Việt Nam. Với khung chứa hình chữ nhật, bánh xe tròn bằng gỗ. Người Chăm còn cải tiến một bước về kỹ thuật nẹp vòng sắt vào bánh xe để di chuyển nhanh hơn và hạn chế được ma sát. Sau này, những bánh xe trâu bằng gỗ được thay bằng bánh xe da bằng cao su. Hình ảnh chiếc xe trâu chỉ còn nhìn thấy ở các Bảo tàng có trừng bày về văn hoá Chăm. Và, số đàn trâu ở các palei bị giảm xuống đáng kinh ngạc. Đến nỗi, khi làm nghi lễ Padhi hay tế trâu trên đền tháp, núi Đá Trắng- Cek Yang Patao người Chăm phải nhờ các thương lái hay ra Đồng Nai tìm mua. Truyền thống nông nghiệp nuôi trâu lấy sức kéo và lấy thịt bị mất hẳn ưu thế trong hoạt động kinh tế nông nghiệp.
Đồ gốm của người Chăm còn mang tính chất thủ công cao. Các sản phẩm gốm chủ yếu để phục vụ đời sống và nhu cầu tâm linh. Nhưng lạ thay, những đồ đựng bằng gốm và đồ dùng để đun nấu lại có nhiều đặc điểm giống với kỹ nghệ chế tác gốm của người Malaysia cổ cả về màu sắc, hình dáng và chức năng sử dụng. Việc chôn theo của cải cho người chết bằng đồ gốm rất phổ biến ở người Malaysia cổ xưa. Ở người Chăm cũng có quan niệm gởi của cải và chia tài sản cho người chết. Theo thời gian, gốm Chăm tiêu biểu như palei Hamu Craok- Làng gốm Bàu Trúc đã có những chuyển biến tích cực từ đồ gốm truyền thống sang đồ gốm mỹ nghệ kết hợp phát triển làng nghề với phát triển du lịch địa phương đang mang lại kinh tế cho làng Chăm cơ cực sống giữa thị trấn Phước Dân xung quanh là người Kinh. Nhìn lại, những bức hình chụp từ thời Pháp thuộc trong sách ảnh Pays Jarai của Jacques Dournes do Viện Viễn Đông Bác Cổ phát hành mới thấu hiểu nỗi vất vả và lam lũ của người Chăm gắn cuộc đời với đất sét. Hình ảnh những bà mẹ Chăm mặc áo dài màu chàm trên đầu đội gốm bước đi rao bán lu một thời đã qua. Để rồi, hôm nay gốm mỹ nghệ Chăm có mặt ở khắp đô thị và trở thành sản phẩm được ưa thích trên thị trường trong nước và quốc tế.
Mộ chum là một đặc trưng của văn hoá Sa Huỳnh, không gian văn hoá Sa Huynh không chỉ bó hẹp trong lãnh thổ Việt Nam từ Bắc Trung bộ trải dài đến Đông Nam bộ. Mà văn hoá Sa Huynh còn có thể nhận diện ở khắp khu vực Đông Nam Á. Khảo cổ học Malaysia cũng phát hiện nhiều di tích mộ chum với cách thức mai táng giống với người Champa cổ xưa. Một ngày rảo bước trong Bảo tàng Quốc gia Melayu như đang đi lang thang giữa miền quê Chăm với những nắm mộ đất, các đồ gốm, đồ trang sức sử dụng đá mã não, hình ảnh chiếc thuyền độc mộc, những thanh kiếm keris, chiếc áo dài, những toà tháp ảnh hưởng Ấn Độ giáo bị sụp đổ, văn khắc bằng chữ sanskrit. Ngỡ rằng, quốc gia Malaysia là quốc gia Islam giáo thì giá trị văn hoá truyền thống sẽ bị lãng quên. Nhưng, không ! đất nước Malaysia làm rất tốt công tác trưng bày, quảng bá văn hoá cổ truyền. Tại Bảo tàng Quốc gia Melayu, còn có một gian trưng bày về thư tịch cổ Champa và hình thuyền buồm của Champa. Có người còn cho rằng, Malaysia xưa kia chưa biết đến kỹ thuật đóng tàu, họ mua tàu và thuê người thợ Champa đóng tàu. Bờ biển Malaysia hiền hoà, sống vỗ êm đềm như bờ biển Ninh Chử ở Phan Rang. Tàu thuyền quốc tế qua lại nhiều, nhưng ngư dân lại không ra khơi đánh bắt cá và khai thác nguồn thuỷ hải sản như ở Việt Nam.
Âm nhạc là sản phẩm của giá trị văn minh. Bởi vậy, nó rất dễ dàng để phổ biến và lan truyền rộng khắp. Tiếng kèn Saranai của Champa và Malaysia giống nhau là rõ ràng rồi. Nhưng, âm nhạc của Chăm trong nghi lễ Rija Praong do các chức sắc Maduen thực hành lại diễn xướng hoàn toàn bằng ngôn ngữ Melayu là một sự độc đáo trong mối quan hệ quốc tế giữa Champa và Malaysia trong lịch sử được thiết lập từ vương triều Po Ramé. Về sau, Po Tang Ahaok, Po Riyak, Po Nai và nhiều thuỷ thủ khác tiếp nối xây dựng mối quan hệ bang giao.
Năm 2004, chính phủ Malaysia cho phát hành một CD ca nhạc truyền thống âm nhạc và những bài hát Champa do ca sĩ Chế Linh thể hiện các làn điệu dân ca Chăm. CD ca nhạc này, được người Chăm đón nhận và thích thú. Người Chăm, bất ngờ vì lần đầu tiên nghe Chế Linh hát bằng tiếng Chăm rất tuyệt vời. Nhưng, tiếng hát Chế Linh và CD nhạc Chăm bị Việt Nam cấm lưu hành trong toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngay sau đó, các báo Công an Tp. Hồ Chí Minh, An ninh Thế giới liên tục cho đăng những bài viết về Chế Linh ca sĩ gốc Chàm là một Rambo văn hoá, tiếng hát rên rỉ, uỷ mị không làm động lực cho sự phát triển, làm phát vỡ tình đoàn kết dân tộc. Cũng bằng chính giọng hát đó, con người đó và cái tên Chế Linh đó đứng hiên ngang trên các sân khấu lớn ở khắp cả nước Việt Nam trong gần thập niên gần đây. Tiếng hát Chế Linh có mặt khắp ở ngõ hẻm, khu phố ổ chuột, làng quê nghèo hay ánh đèn sân khấu của thủ đô Hà Nội. Không biết nhà báo Huy Đức và Nguyễn Hồng Lam có thích tiếng hát Chế Linh không ? Nhưng, sử dụng ngòi bút nhà báo để định hướng dư luận hiểu sai về tộc người thiểu số là điều phổ biến trên các trang báo và các phương tiện truyền thông hiện nay.
Gần 2 tiếng đồng hồ bay từ thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Kuala Lumpur và ngược lại. Khoảng thời gian đủ để chộp mắt, một giấc ngủ trưa, đủ để mơ mộng và tỉnh giấc. Tôi lại trở về trên miền đất nắng, gió, biển, núi và những cánh đồng xanh nơi miền quê tôi lớn lên và trải nghiệm. Thế giới bao la nằm trong tằm mắt, xa mà gần, lạ mà quen. Ôi ! Melaka thành phố cổ thuộc di sản văn hoá của thế giới. Con đường-Jalan đó tôi đã đi qua./.