Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, hệ thống thuộc địa của Pháp ở Đông Dương bị sụp đổ. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời và tiếng Việt được chọn làm ngôn ngữ chính thức trong giáo dục và giao tiếp trong cộng đồng quốc gia đa tộc người. Tuy nhiên, nền độc lập của Việt Nam kéo dài không bao lâu, người Pháp quay trở lại. Do đó, ảnh hưởng của giáo dục Việt Nam chưa đi sâu vào các làng quê Chăm. Ngày 18-11-1946, chính phủ Pháp cho thành lập Trường École des Cadres Chams Phan Rang do ông P. Fayolle làm Hiệu trưởng, nhằm mục đích đào tạo cán bộ người Chăm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, hành chính và thông ngôn. Để được học tại Trường này những học sinh người Chăm phải đạt trình độ tốt nghiệp bậc Tiểu học. Lớp học tổ chức được 2 khoá thì trường đóng cửa. Nhờ đó, mà người Chăm có lực lượng trí thức Tây học. Năm 1954, Hiệp định Genève được kí kết, đất nước Việt Nam bị chia cắt thành 2 miền Nam và Bắc với 2 chế độ chính trị khác nhau. Người Chăm Ninh Thuận nằm ở phía Nam của đất nước chịu ảnh hưởng của không gian văn hóa và giáo dục Việt Nam Cộng hoà.
Đa phần người Chăm sinh sống ở nông thôn và sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Giáo dục chưa phát triển, chỉ một số ít gia đình người giàu mới có điều kiện cho con cái vào thành phố để đi theo con đường học vấn, khoa bảng. Tình trạng mù chữ, thất học rất phổ biến trong cộng đồng người Chăm. Khi những thế hệ Tây học của người Chăm đã trưởng thành, một số chọn con đường binh nghiệp, y khoa hoặc nghề giáo để mưu sinh nuôi sống gia đình. Lực lượng học thức này tích cực phát triển dân trí, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, khuyến khích lối sống văn minh, tin tưởng vào khoa học, bài trừ mê tín dị đoan, lối sống lạc hậu. Đặc biệt, là đề cao chương trình kiến thiết phát triển giáo dục để khai sáng dân sinh. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục ở Ninh Thuận còn chậm phát triển, học sinh người Chăm chỉ theo học đến bậc Tiểu học ở trường làng, lên bậc học cao hơn phải vào thành phố Phan Rang mới có trường học.
Năm 1965, khi có thông tin Ty Giáo dục Ninh Thuận sắp cho phép mở thêm một trường trung học. Ông Dương Tấn Sở làm Quận trưởng quận An Phước đã xin xây dựng trường tại quận An Phước nơi có đông người Chăm sinh sống nhất trong tỉnh. Tháng 6-1965, ông Thành Phú Bá nhận được quyết định mở trường và được bổ nhiệm làm Quản đốc (tương đương Hiệu trưởng). Mặc dù vậy, nhà trường vẫn chưa có giáo viên và cơ sở vật chất để phục vụ công tác dạy và học. Các trường khác đã tiến hành khai giảng và nhập học. Riêng, tại Trường Trung học An Phước hoạt động dạy học chưa thể tiến hành được.
Ngày 1-10-1965, ông Thành Phú Bá quyết định tổ chức khai giảng khoá học đầu tiên của Trường Trung học An Phước tại làng Bàu Trúc chỉ có một lớp 6 với sĩ số 65 học sinh. Hoạt động dạy và học diễn ra được 6 tháng kết thúc học kỳ I của năm học, nhà trường vẫn chưa tiếp nhận được giáo viên. Ông Thành Phú Bá phải đứng ra dạy tất cả các môn học. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Thế là, ông Quản đốc Thành Phú Bá kiến nghị lên ông Quận trưởng Dương Tấn Sở cho phép chuyển trường về trung tâm hành chính quận để thuận tiện giao thông, mới hy vọng tiếp nhận được giáo viên đến công tác. Hoạt động giáo dục Trường Trung học An Phước từng bước chuyển mình về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Từ năm 1965-1969, Trường Trung học An Phước đã có học sinh các lớp 6,7, 8, 9. Mỗi năm học, nhà trường tuyển thêm lớp 6 khoảng 40-50 học sinh. Sau khi, hoàn thành chương trình đào tạo bậc Trung học Đệ nhất cấp (Trung học cơ sở), học sinh Trường Trung học An Phước được chuyển sang học tại Trường Trung học Duy Tân để theo học bậc trung học Đệ nhị cấp (Trung học phổ thông).
Năm 1970, Trường Trung học An Phước bị pháo kích lạc vào. Tuy không có thương vong, nhưng đã khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng, không yên tâm học tập và sinh hoạt tại Ký túc xá. Vì, cơ sở đào tạo của nhà trường, nằm quá gần với Trung tâm Huấn luyện Địa phương quân – một mục tiêu thường bị tấn công quân sự thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Một lần nữa, nhà tiếp tục xin được chuyển vào thị xã Phan Rang. Cơ sở mới của nhà trường chỉ là một khoảng đất cát trống rỗng. Học sinh và phụ huynh cùng các đoàn thanh niên chí nguyện hợp sức với nhau xây dựng phòng học, xây dựng khu nội trú Ký túc xá cho học sinh. Với tinh thần hiếu học và ý chí vượt khó nhà trường đã sớm ổn định tình hình dạy và học. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên phát triển thuận lợi. Trước sự phát triển nhanh về số lượng học sinh và điều kiện sinh hoạt, Trường Trung học An Phước đã đề xuất mở rộng chức năng đào tạo bậc trung học đệ nhị cấp. Do đó, ông Lưu Quang Sang giáo viên của Trường Trung học Duy Tân được cử đến làm Hiệu trưởng thay cho ông Thành Phú Bá.
Năm 1971, nhà trường phát triển không ngừng về mọi mặt. Ban lãnh đạo nhà trường đã đưa ra kiến nghị đổi tên Trường Trung học An Phước thành Trường Trung học Pô Klong có chức năng đào tạo bậc trung học đệ nhị cấp. Vì vậy, những học sinh sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 không phải chuyển sang trường khác học nữa mà được chuyển lên lớp 10 học tiếp. Nhà trường nhận sự giúp đỡ của Ty Phát triển Sắc tộc về chi phí ăn, ở và nội trú tại Ký túc xá, hoạt động giáo dục do nhà trường đảm nhận. Để có điều kiện phát triển về cơ sở vật chất ngoài sự hỗ trợ của Ty giáo dục, nhà trường đã chủ động đứng ra tổ chức 14 đêm văn nghệ qua các làng Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận xin tấm lòng vàng xây dựng cơ sở vật chất và hình thành Quỹ học đường từ nguồn vốn của xã hội Chăm quyên góp, nhằm mục đích phát triển giáo dục.
Nhận chức Hiệu trưởng được 1 niên học, ông Lưu Quang Sang xin thôi chức vụ để ra ứng cử vị trí Dân biểu của Việt Nam Cộng hoà. Ông Nguyễn Văn Tỷ được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Trung học Pô Klong thay thế ông Lưu Quang Sang cho đến ngày giải phóng tỉnh Ninh Thuận và thống nhất đất nước.
Như vậy, trong thời gian 10 năm hoạt động Trường Trung học Pô Klong đã đào tạo được một thế hệ học sinh từ các lớp 6,7,8,9,10 và 11. Xây dựng được một cơ sở vật chất phục vụ giáo dục vùng dân tộc thiểu số sinh sống với mô hình trường dân tộc nội trú. Ngày nay, cơ sở đào tạo của Trường Trung học Pô Klong được Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Ninh Thuận thừa hưởng.
Trong khoảng 10 năm một thế hệ tri thức Chăm được trưởng thành trong hoàn cảnh đất nước đang xảy ra chiến tranh. Để có được thành tựu đó, là một sự cố gắng rất lớn của Ban lãnh đạo nhà trường, học sinh và phụ huynh học sinh. Nhìn lại, khoảng thời gian thơ mộng của tuổi học đường thật đẹp và chứa đựng biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt đã chăm bón, nuôi dưỡng những hạt mầm khôn lớn từng ngày. Nhớ về khung trời kỷ niệm Pô Klong, hình ảnh của nhà giáo Thành Phú Bá lại sáng ngời bởi quyết định sáng suốt tổ chức buổi khai giảng đầu tiên đặt nền tản canh tân giáo dục người Chăm, thầy Đàng Năng Quạ vỗ về những tâm hồn trẻ thơ bằng lời ca, tiếng nhạc trong những ngày tháng sống xa gia đình. Còn đó, cô giáo Nguyễn Vân Như Ý chăm sóc học sinh nữ ân cần, cô lúc nào cũng sánh bước cùng với học sinh ở giờ lên lớp hay sinh hoạt nội trú tại Ký túc xá. Từ phương xa, thầy giáo Jay Scarborough không ngại khó ngại khổ, chan hoà với học sinh mà quên cả tính mạng của mình. Có ai từng chứng kiến trong đêm bị pháo kích, thầy chạy giữa làn hoả châu, lôi kéo từng học sinh đang no giấc ngủ chạy vào hầm trú ẩn an toàn mới hiểu hết tấm lòng yêu thương vô bờ bến mà thầy gắn bó với học sinh Pô Klong.
Từ năm 1965-1969, là thời gian thai nghén và lớn mạnh của Trường Trung học Pô Klong vươn lên trong hoàn cảnh vô cùng nhọc nhằn. Thanh niên chí nguyện Quảng Văn Đủ sớm có mặt cùng với nhà trường dìu dắt học sinh về kỷ luật và nề nếp sinh hoạt. Góp phần duy trì nội quy sinh hoạt tại Ký túc xá không thể không nhắc đến giám thị Quảng Văn Đại.
Từ năm 1970-1975, Trường Trung học Pô Klong có những bước phát triển căn bản về mọi mặt gắn liền với hoạt động giáo dục của Hiệu trưởng Lưu Quang Sang và Nguyễn Văn Tỷ. Vẫn còn đó những tấm gương nhà giáo, giám thị, bộ phận cấp dưỡng chăm lo từng bước trưởng thành của học sinh, những bữa ăn và giấc ngủ ngon trong những ngày nhập trại xa gia đình.
Sau năm 1975, các thế hệ học sinh Pô Klong, hãnh diện có tên trong các Trường Đại học Y Dược, Đại học Sư phạm, Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế, Đại học Mỹ thuật, Đại học Tổng hợp v.v. Để rồi sau này, họ trở thành bác sĩ, giáo viên, nhà khoa học, doanh nhân, hoạ sĩ, nhà văn, nhạc sỹ, các công chức, viên chức góp phần không nhỏ thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội Chăm.
50 năm nhìn lại một chặng đường đi qua của Trường Trung học Pô Klong, mới hôm nào khi tóc hãy còn xanh mà hôm nay họ đã trở thành những bậc sinh thành, người ông, người bà, cán bộ hưu trí. Tìm về những gương mặt thân thương kí ức Pô Klong xưa vẫn còn in đậm nét, khắc sâu trong trí nhớ, mái trường xưa vẫn còn đó, tiếng cười vui của thầy cô và bạn bè nghe vang khe khẽ bên tai mùa tựu trường.
Một ngày nào đó có ai đi vào thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, hãy hỏi Trường Pô Klong ở đâu ? Có lẽ rằng, trong các từ vựng tiếng Chăm Pô Klong là danh từ mà người dân thị thành ở Phan Rang phát âm đúng và chuẩn xác nhất. Ngày nay, biển trường và tên trường Pô Klong không còn nữa nhưng cái tên Pô Klong là một biểu tượng về sự nghiệp canh tác giáo dục, phát triển dân trí vùng tộc người thiểu số ở tỉnh Ninh Thuận. Có nên chăng, cần lập một tấm bia tưởng niệm về tên gọi Trường Trung học Pô Klong để ghi nhận thành tựu phát triển giáo dục do người Chăm xây dựng thành công ở tỉnh Ninh Thuận trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam./.