SỐNG MINH TRIẾT CHAM-4. Tôi có yêu tôi [hơn] không?

Tôi có đủ tật xấu mà Cham có. Tùy hứng, bốc đồng và tùy tiện, nhất là Tinh thần Chủ lùi Cham.

1. Tinh thần Chủ lùi
Tôi hai lần được vời làm quan khá to, cả hai đều hỏng. Lỗi tại tôi. Lần đầu tôi ngồi ghế được 3 ngày, sau thấy mọi người đấu đá dữ, tôi kiếm cớ chuồn. Lần hai nhận giấy mời, tôi mang nó hỏi ý kiến vài vị thân tín, chú bác rất phấn khích, riêng tôi rút kinh nghiệm – xin từ quan trước khi nhận ấn.
Ở Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, nhiệm kì 2008-2014, tên tôi có trong danh sách ứng viên Ban Chấp hành, tôi tuyên rút; nhưng do thiếu kinh nghiệm – chần chừ để rồi bị dính. Kì sau tôi dứt khoát hơn, nên thoát. Còn Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ là được BCH phân công, tôi nhận; rồi sau 3 năm thấy lùm xùm quá, tôi tuyên từ bỏ. Và hết nhiệm kì tôi giữ đúng lời hứa, không ngọn gió nào cản nổi.
Ngoài tranh luận về chữ nghĩa trên các diễn đàn, còn lại chỗ nào có đấu đá về quyền và lợi, tôi lánh xa. Bất tranh nhi thiện thắng – Lão Tử nói. Thắng kiểu đó thì tốt cho cá nhân tôi, để tôi rảnh rang cho chữ nghĩa, nhưng bất lợi cho cộng đồng. Cộng đồng mà mang vác tinh thần Chủ lùi thế, rất dễ tiêu. Như người Cham xưa đã tiêu.
May tôi được di truyền hai gien khác của Cham xưa, có vẻ được.

2. Tinh thần Khai phá
Thích khai phá, tôi đã lang thang khắp palei Cham, tháp Chàm – bạt ngàn lần. Có gia đình, tôi làm không chừa nghề nào, miễn là nuôi được vợ con. Dạy học, thú y, làm kế toán hay soạn từ điển, trồng nho, rau muống với làm ruộng, câu cá hay làm hàng xáo, buôn lẻ và mở quán tạp hóa, kinh doanh hay viết lách kiếm sống.
Do tò mò, tôi học nhiều môn khác nhau, đọc nhiều loại sách khác nhau, yêu thích nhiều lĩnh vực khác nhau, là điều tréo ngoe với nhiều người, còn với tôi – cực kì thú vị. Nghiên cứu văn học – ngôn ngữ, sáng tác: thơ – văn cả tiếng Cham lẫn tiếng Việt, viết tiểu luận – phê bình, rồi cả báo chí với rất nhiều loại đề tài khác nhau nữa.
Sáng tác, chẳng những nhiều thể loại, tôi còn thay đổi cả hệ mĩ học: lãng mạn hậu thời, hiện đại, hậu hiện đại rồi tân hình thức tôi cũng không chừa. Ở đó tôi bày ra khá nhiều dụng ngữ mới: “nghĩa trang chữ”, “ngã ba đời”, “nước mắt phim bộ”, “hàng mã kí ức”, “phê bình lập biên bản”…
Tôi làm Bàn tròn Văn chương và cả Tagalau, như cách thách thức mình. Ham khai phá quá cũng dẫn đến lập dị. Thuở Trung học và mãi tận hôm nay, tôi chưa thấy Cham nào mê triết hạng nặng như tôi, mê say cỡ Kant, Heidegger, Derrida, Phật giáo Thiền tông là lập dị hết chỗ nói.

3. Tinh thần Chơi: kẻ ngoài cuộc hết mình
Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui
Chịu chơi cả trong đau khổ
(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

Tôi quan niệm, làm là chơi, làm để chơi. Chơi thì phải vui. Dù chơi, nhưng luôn hết mình. Và nhất là đến nơi đến chốn. Tagalau, dù biết nó chẳng là gì, nhưng tôi hết mình cho nó, và đẩy nó đến tận cùng. Bàn tròn Văn chương cũng vậy. Rồi khi cần bỏ, tôi cắt cái rụp, không chút lưu luyến.
Chẳng có gì trầm trọng cả. Trong giai đoạn khốn cùng của lịch sử, những lúc chìm tận đáy đau khổ và tuyệt vọng, Cham vẫn biết cười. Cả tôi cũng vậy. Ở mọi nơi tôi đến, tôi cứ nhận mình là Cham – khoái hoạt! Tôi không cho Cham ngon hơn dân tộc nào đó, cũng không phải thông minh hơn, cao đại hay ưu việt hơn. Tôi không hiểu tại sao mình khoái hoạt. Cũng chả thấy cần thiết phải tìm hiểu tại sao. Còn nếu có ai đó chối mình là Cham, thay tên hoặc dùng dao lam cạo họ Cham trên thẻ căn cước, là quyền của họ. Tôi không quan tâm sự chọn lựa đó. Khi chọn lựa là có sự tính toán lui tới, thiệt hơn. Tôi, không! Tôi yêu thương, vô ngại trong tình thương. Giữa cao ốc Sài Gòn toàn Việt hay trong chòi rách gia đình Miên miền Tây, tôi vẫn sự sự vô ngại.
Hầu như tất cả mọi chuyện, tại bất kì đâu, với bất kì ai. Trước hội trường nghịt người hay chỉ với vài bạn thâm giao. Hoặc tôi thoải mái ở đó, hoặc tôi bỏ đi. Khi không thể yêu thương được nữa, cứ im lặng tha thứ, mà bước qua – Nietzcsche nói thế! Tôi không bao giờ mặc cảm hay ức chế điều gì đó.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình khổ cả.

Bởi tôi luôn cô đơn.
Solitude, aloneness, to be alone, totally alone, completely alone cô đơn toàn phần.
To be alone you must die to the past. When you are alone, totally alone, not belonging to any family, any nation, any culture, any particular continent, there is that sense of being an outsider. The man who is completely alone in this way is innocent and it is this innocency that frees the mind from sorrow (Krishnamurti, Freedom from the Known).
Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng tôi là OUTSIDER. Nghiên cứu văn hóa Cham, tôi vẫn là kẻ ngoài cuộc. Kẻ ngoài cuộc, mà không vô trách nhiệm. Hết mình, và sẵn sàng bỏ đi. Vì…
“Dù gì đi nữa vẫn luôn luôn giữ phong thái của kẻ sắp lên đường. Như chúng ta sống mà vẫn luôn luôn từ biệt” – Rilke.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *