Hãy yêu hãy yêu như ta chưa từng
Đứa con đi hoang bỏ xa làng mạc
Mang bụi đất quê hương về miền xứ khác
Và hãy yêu hơn con người chân chất
Sống một đời ôm mang đất – phù du.
(Tháp nắng, 1996)
Chuyện kể. Năm cuối Trung học Đệ nhất cấp Pô-Klong, thế hệ đàn anh tôi sinh viên Đà Lạt về trường cũ nói tiếng Cham độn tiếng Việt nghe đến phát ớn. Tôi thấy ẹ quá, liền phản ứng: vừa chủ trương nói toàn Cham vừa đùa nghịch các anh bằng độn tiếng Việt kinh hơn, phi lí hơn nữa. Thuở sinh viên, tôi với yut Thủ hạ quyết tâm: nói rặt tiếng mẹ đẻ. Muốn thế, Thủ phân công tôi với yut Đảo “làm” từ điển Việt Cham! Thủ quyết: chữ nào chưa dịch được thì thay bằng cụm từ “yau panôic Jơk laic” (như người Việt nói)…
Sau, mỗi bạn qua mỗi ngả rẽ cuộc đời, mình tôi ở lại: không còn chủ trương, mà tự nhiên như nhiên. Tôi không hô hào nữa, mà chỉ dạy vợ con nói. Gia đình tôi Sài Gòn hơn 20 năm vẫn [học] nói tiếng Cham “harat”, ngoại trừ bà xã. Hani biện hộ: “thế cho nhanh”. Nhanh, vì không yêu thương.
Chuyện khác. Tôi cũng dạy vợ con tuyệt KHÔNG phán xét người vắng mặt. Bình luận xã hội thì được, và bình rất dân chủ, riêng phán xét thì tuyệt đối không. Các con OK, lại ngoại trừ bà xã. Hani cãi: “Em nói sự thật mà”. Tôi bảo: “Nếu là sự thật, hôm nào anh mời họ đến nhà mình để em bình luận trước mặt ông/ bà ta nhé”. Thế là giận (tranh thủ nói xấu bà xã xíu)!
Tôi gọi đó là “sống minh triết Cham”, minh triết cả trong sinh hoạt ngày thường.
*
Dường như Bà Trời cấu trúc tôi quên cấy gien thù hận. Hoặc tâm tôi trống trơn, hoặc nó đầy tràn sự cảm thông. Thù hận và muốn trả thù ai đó – không.
Tình thương – NÓ tràn đến, ngày càng tràn ngập cõi tôi. Lắm lúc nó khiến tôi đông cứng lại, đến tôi không muốn nói, viết hay làm gì cả. Tôi không chủ trương, không cố ý, không mời gọi. Nó cứ xảy đến, vậy thôi. Với tất cả…
Với người phê phán tôi trên FB, phê không cần chứng minh, phê chỉ để thể hiện với xung quanh rằng ta cũng hiểu biết như ai; với kẻ bôi xấu tôi sau lưng, không gì cả mà chỉ muốn cho thiên hạ biết “tôi có thua kém gì Sara đâu”. Tôi hiểu tâm lí yếu nhược ấy, và thấy thương họ hơn bao giờ.
Với Tiến sĩ Thành Đài qua bao vụ nổ của anh [dù nổ không phải không cần thiết], nhất là qua mấy cãi vả chả đâu vào đâu về bằng giả/ thật của anh; tôi hiểu nỗi niềm anh, và yêu anh. Với Quang Cẩn qua xông xáo hội luận của yut, dù tôi từ chối tham gia nhưng tôi hiểu tâm tư yut, và tình yêu xảy đến…
Với Champaka qua những phê phán to tát của anh chị em về các cá nhân Cham, về văn hóa xã hội Cham; riêng tôi dù họ có nhiều bài xuyên tạc tôi, tấn công cả đời tư tôi; tôi hiểu sự cô đơn cùng bức xúc của người anh em, và càng yêu hơn.
Tôi hiểu tâm thế nhiệt nồng của thế hệ trẻ Cham hôm nay trong nỗ lực đến tuyệt vọng muốn bảo vệ quyền lợi và danh dự Cham, bảo tồn văn hóa Cham; tôi hiểu như hiểu tuổi trẻ tôi đã từng với sự cảm thông đầy tình yêu thương trìu mến.
Nỗi khổ của các bà mẹ Cham, sự bất lực của các cụ già Cham, cái cô đơn của đứa con của Đất chốn tha hương… tôi hiểu và yêu họ hơn bao giờ.
Tình thương xảy đến với tôi, từ lâu lắm. Tôi từng thể hiện NÓ đây đó vài lần trong thơ văn. Bàng bạc, chập chờn. Hôm nay, NÓ đến, lồ lộ. Hè vừa qua, nằm cô đơn ngoài sân Sang Tong Jaka nhìn vào bao la màu trời đêm, NÓ lại đến.
Tôi thấy ngôi nhà trôi đi cùng cây cối trôi đi. Tháp nắng, Chân dung Cát… trôi đi. Anh chị em tôi, dư ảnh cha mẹ tôi, vợ con tôi và bạn bè tôi trôi đi. Trôi đi tháp Chàm, palei Chakleng với Hầm Mỹ. Muôn vì sao trôi đi cùng trái đất trôi đi. Như hằng hà sa số hạt bụi bồng bềnh. (Xem thêm: M. Heidegger, What is Metaphisics?).
Chỉ có TÔI ở lại. Đông cứng rồi tan chảy ra.
Như hạt bụi vô hình chầm chậm trôi qua vô tận không gian và vô cùng thời gian…
Chỉ có NÓ ở lại. Mãi mãi.