Trích đoạn Chân dung Cát, tiểu thuyết, 2006:
“Nỗi khuyết danh của tác phẩm cổ Cham như một phản ứng. Bỏ qua khiêm tốn của tác giả, ám ảnh hãm hại của kẻ thù ngoại bang hay kẻ đố kị cùng máu mủ, thậm chí cả truyền thống văn hóa Cham chỉ muốn coi chúng như tặng phẩm của thần thánh chứ không phải sáng tác của người phàm trần; hoặc giả sự vụ thiếu tinh thần lưu thủ đan tâm của tu sĩ Bà-la-môn đã dẫn tới tình trạng này, cái đáng nói là: tác gia Cham muốn thế hệ tới đọc chính văn bản, tác phẩm chứ không phải những gì bao phủ xung quanh nó, cả kẻ mang nặng đẻ đau nó… Hầu hết sáng tác của thi sĩ Cham mới đầu thế kỉ XX này như của Mưdwơn Jiaw, Po Thien… nay cũng đã khuyết danh, vô danh rồi”.
Ông ngoại tôi, tác giả Ariya Rideh Apwei không cho con cháu biết mình đã viết nên trường ca thế sự ấy, cũng xuất phát từ tinh thần vô danh Cham. Chứ lẽ nào ông lại đi sợ con cháu hãm hại mình!
Với văn chương chữ nghĩa là vậy. Tận sâu thẳm tâm thức, Cham càng vô danh hơn.
Ghur Bini, chỉ một sào đất mà chứa cả triệu người đã mất; Kut Cham Ahier càng khủng hơn – nó chứa cả triệu tinh cốt người quá cố trong một khoảng đất nhỏ. Tất cả đều vô danh giữa thiên địa vô cùng này. Hằng năm con cháu đến đó cúng kiếng anh linh tổ tiên. Trăm năm, ngàn năm… Chỉ khi nào người nữ cuối cùng của dòng họ kia mất đi, Kut mới trở thành Kut hoang, tan cùng tro bụi.
Đó là tinh thần Vô danh Cham.
Thế mà thập niên qua, đã thấy xuất hiện vài tên tuổi người đã khuất trên hòn đá Ghur. Ở đây, tôi xin chỉ được nói lên một ý mọn. Không đề cập đến Kut Cham Ahier là điều không thể không vô danh; còn bên Cham Awal, mỗi mộ phần [bên trên và sát cạnh] đâu chỉ dành cho một người, mà có khi cả vài mươi người. Vậy tên ai cần có mặt? Nếu bạn hiện đại hóa để mỗi người một mộ phần, bạn vừa đánh mất truyền thống Mik wa đih di tada gơp (Bà con máu mủ nằm trên ngực nhau) tốt đẹp, vừa chiếm dành phần đất không cần thiết.
Có nên không?