Vanhocquenha, 9-7-2015
Ngày 8-7 tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Những trào lưu thơ Việt đương đại” cùng diễn giả, nhà thơ Inrasara. Tại đây, nhà thơ Inrasara đã gọi tên 7 trào lưu thơ Việt đương đại cùng những tranh luận thú vị.
Trong tập tiểu luận – phê bình “Thơ Việt hành trình chuyển hướng say” của chính nhà thơ Inrasara, phần Nhận diện thơ Việt đương đại thì 15 năm, từ 1996 – 2010 thì thơ Việt phát triển theo 5 dòng chính, đó là:
1. Thơ “cổ truyền”, là thơ hậu Thơ Mới cùng đủ loại biến thái với các cách tân nửa vời, sáng tác quẩn quanh trong hệ mĩ học cũ, cảm thức cũ. Có rất nhiều nhà thơ trong dòng này, ngay cả các nhà thơ mới, trẻ giai đoạn đầu cũng nằm trong số này là Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh.
2. Thơ tân hình thức, được khai sinh ở Mỹ năm 2000 và được truyền bá sang Việt Nam. Có khoảng hơn 50 tác giả, trải dài bốn thế hệ nhập cuộc và công bố trên tạp chí Thơ như: Đoàn Minh Hải, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Đạt, Đỗ Minh Tuấn, Đỗ Kh., Bỉm… Tuy nhiên, chưa có một tác giả nào làm nổi cuộc cách mạng thơ Việt Nam.
3. Thơ nữ quyền. Thơ nữ quyền không phải là làm thơ mang nội dung nữ quyền mà là: ý thức, phản kháng và giải trung tâm. Giải trung tâm ngay tại trung tâm ngôn ngữ sử dụng. Các nhà thơ thuộc dòng này: Thảo Phương, Vi Thùy Linh…
4. Thơ thị giác, trong đó có thơ trình diễn là một nhánh nổi bật. Tuy nhiên, nhiều tác giả không biện biệt giữa hành động trình diễn đương đại với các kiểu diễn cổ điển của chính nhà thơ lẫn khán giả đã gây ngộ nhận về thơ trình diễn. Nên hiểu, thơ thị giác là yếu tố thị giác kết hợp với yếu tố thơ để làm nên một tác phẩm nghệ thuật mới lạ, nhưng vẫn thuộc phạm trù thơ.
5. Thơ hậu hiện đại, là trào lưu khởi phát sớm nhất và được kỳ vọng hơn cả trong thời kỳ hậu đổi mới. Thơ hậu hiện đại được khơi mào từ giữa thập niên cuối thế kỷ XX, nở rộ cùng văn chương mạng tiếng Việt. Các nhà thơ thuộc dòng này: Đặng Thân, Lê Anh Hoài, Vũ Thành Sơn…
Năm dòng thơ này được nhà thơ Inrasara nhận định vào năm 2010. Nhưng trở về trước 10 năm, và trở về sau gần 5 năm, so với mốc 1996 – 2010, tức khoảng giai đoạn 1987 – 2015 thì Inrasara cho rằng có 7 trào lưu thơ Việt đương đại. Bao gồm: Thơ cách tân đơn lẻ, Thơ tân hình thức, Thơ thị giác, Thơ Chăm, Thơ nữ quyền, Thơ phản kháng, Thơ hậu hiện đại.
Bên cạnh 7 trào lưu thơ Việt đương đại còn tồn tại thơ truyền thống.
Như vậy, so với hai mốc thời gian trên đã có thêm trào lưu thơ, là: Thơ phản kháng và Thơ Chăm. Thơ phản kháng được ra đời gần đây. Còn Thơ Chăm sở dĩ được gọi tên và đứng riêng thành một trào lưu là vì: “Đây là thế hệ [nhóm] thơ đồng hương, xuất hiện cùng thời (từ năm 2005-2012) thường sinh hoạt chung, có xu hướng làm mới thơ Việt bằng tinh thần và tâm cảm Chăm, có diễn đàn riêng là đặc sanTagalau, họ có tác phẩm in chung: Văn học Chăm hiện đại, thơ (2009), thì việc dành một dòng chảy riêng cho họ, không phải không chính đáng”.
Câu hỏi đặt ra là liệu sẽ có trào lưu thơ của các dân tộc thiểu số vùng miền khác không? Nhà thơ Inrasara khẳng định là không; “Các nhà thơ người Dân tộc thiểu số ở vùng miền khác chưa tạo nên sự cách tân đáng kể, nói chi là làm nên trào lưu. Sau thế hệ Đổi mới như Y Phương, Lò Ngân Sủn, Mai Liễu, Dương Thuấn… thơ của người viết là Dân tộc thiểu số đang chững lại. Hoàng Chiến Thắng dân tộc Tày ở Bắc Cạn có cố gắng làm mới, nhưng đó chỉ là nỗ lực đơn lẻ, rời rạc”.
Tại buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu phê bình La Khắc Hòa cho rằng nhà thơ Đặng Thân từng chỉ ra có 17 xu hướng thơ hiện nay. Ông cũng cho rằng thơ hay là thơ nằm trong khu vực giữa lạ và quen.
Trong một bài viết của nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Tâm thì sau 1975 thơ Việt Nam vận hành theo ba khuynh hướng lớn: Khuynh hướng bảo tồn những giá trị thơ ca truyền thống/ Khuynh hướng cách tân/ Khuynh hướng cách tân trên cơ sở kế thừa truyền thống. Cũng trong bài viết này, tác giả đưa ra dẫn chứng khác về khuynh hướng nổi bật của thơ Việt Nam sau năm 1975 được Nguyễn Đăng Điệpchia ra: Xu hướng viết về chiến tranh qua những khúc ca bi tráng về số phận của dân tộc/ Xu hướng trở về với cái tôi cá nhân, những lo âu của đời sống thường nhật/ Xu hướng đi sâu vào những vùng mờ tâm linh, đậm chất tượng trưng, siêu thực/ Xu hướng hiện đại (và hậu hiện đại).
Nếu xếp ba khuynh hướng như nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Tâm thì khá an toàn và có vẻ thời nào cũng đúng.
Việc phân định trào lưu thơ căn cứ vào nội dung, hình thức của thơ hay đặc điểm khác, cần phải xác định và thống nhất giữa các nhà phê bình. Nếu không, việc gọi tên các khuynh hướng mỗi người một khác và khó đi đến sự thuyết phục độc giả.Chẳng hạn như trường hợp về trào lưu thơ Chăm, nhà thơ Inrasara cho rằng hoàn toàn có thể xếp “Đồng Chuông Tử vào trào lưu thơ cách tân các loại, Trần Wũ Khang, Jalau Anưk và Tuệ Nguyên vào thơ hậu hiện đại, hay Kiều Maily vào trào lưu thơ nữ quyền”. Tuy nhiên, Inrasara đã không xếp thế mà căn cứ vào đặc điểm… dân tộc Chăm.
Và nữa, để xác định khuynh hướng hay trào lưu văn học, bên cạnh những biểu hiện có thể nhìn thấy như; phong trào sáng tác rầm rộ, có tuyên ngôn… Liệu có cần phải xác lập giá trị ở một khía cạnh nhất định, như phải có bao nhiêu tác giả, phong trào sáng tác phải kéo dài bao lâu, cái mới của thơ đã đem lại điều gì cho văn học, có tác động như thế nào đến độc giả, được đón nhận như thế nào, tương lai ra sao… Bởi, nếu không, rất có thể những trào lưu kể trên chưa thực sự thuyết phục và kèm theo nghi ngờ, đã được gọi là trào lưu chưa, hay chỉ là biểu hiện của cách tân?
Thơ Việt Nam đương đại là một câu chuyện dài và luôn được nhắc đến với tần suất lớn, nhưng dường như việc nhìn lại, đánh giá, gọi tên để có thể đưa ra một tổng kết còn thiên về cá nhân và gặp không ít những tranh luận.