Inrasara: 30 NĂM ĐỔI MỚI, CÁC TRÀO LƯU THƠ VIỆT Ở ĐÂU, VỀ ĐÂU?

00-
Cà phê Văn học, sang 4-7-2015
19B Phạm Ngọc Thạch – Q.3- TPHCM

MỞ. Tìm trào lưu thơ Việt ở đâu?
Có thể sử dụng hạn từ “trào lưu”, “phong trào” hay “xu hướng”thơ, tùy mức độ phát triển và tác động của “dòng” thơ ấy vào quần chúng, cộng đồng văn học, thậm chí chỉ ở phạm vị hạn hẹp, là những người sáng tác. Ở đây, tôi tạm dùng từ “trào lưu” để chỉ xu hướng thơ gồm một nhóm người cùng thời, cùng sáng tác theo một hệ mĩ học [nhỏ hơn: ý hướng, vài hình thức biểu đạt…] với mục đích chung nhất, qua đó lôi cuốn một số người đi theo, ủng hộ.
Thơ Việt sau 30 năm đổi mới đã nảy ra nhiều trào lưu mới với nhiều cách biểu hiện và xuất hiện khác nhau.Một khi văn hóa internet phát triển cùng nhiều quan điểm sáng tác và xuất bản khác nhau, khi văn học trong nước và hải ngoại phần nào đó đang xu hướng “hợp lưu”, để tránh sự thiếu khuyết, người nghiên cứu cần có cái nhìn toàn cảnh mới bao quát được vấn đề. Nhìn toàn cảnh thơ Việt sau 30 năm đổi mới qua con mắt hậu hiện đại là lối nhìn giải trung tâm, coi các phong trào thơ ngoại vi là những dòng chảy quan trọng không chút kém cạnh so với thơ dòng chính, để tạo thành một hợp lưu là thơ Việt, nói chung. Thơ của các nhà thơ ở vùng sâu vùng xa hay thơ người Việt ở nước ngoài, thơ in photocopy hay thơ đăng lên mạng, thơ của các nhà thơ là người dân tộc thiểu số hay thơ nữ, thơ của người làm thơ chưa [không muốn] là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tất cả! Chính lối nhìn mở này mang khả tính phát hiện và thông dòng mọi trào lưu thơ Việt, 30 năm qua.
30 năm, thơ Việt có bao nhiêu trào lưu?

KẾT. Chuyển một hướng say
30 năm và 7 trào lưu thơ, là nhiều và không nhiều với một nền văn học. Bởi không ít phong trào ra đời sớm nở tối tàn, như Nhóm Ngựa Trời. Trào lưu thì nội lực chưa mạnh, như tân hình thức. Có trào lưu xuất hiện rầm rộ và kéo dài: nhóm Mở Miệng trong dòng thơ hậu hiện đại, nhưng do bị kì thị và nghi kị, nghi kị cả ở phía cách tân khác, cho nên nó chỉ tác động ở phần chìm mà chưa được sự công nhận rộng rãi của xã hội.
Phía ngoại vi đã vậy, phía chính thống cũng chẳng hơn gì. Nỗ lực cách tân cá nhân các loại, bởi không đặt trên nền tảng lí thuyết và lí luận vững chắc, khi vào trận, đã lâm nguy ngay. Các “cách tân” của Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương hay Phạm Đương… được Hội Nhà văn Việt Nam mạnh dạn vinh danh vài năm qua, gần như rơi vào sự im lặng đầy nghi kị, khi bị công phá. Bởi cư dân mạng, lẫn dư luận chính thống(15). Tại sao? Không ai hiểu tại sao! Hội đồng Giải thưởng khinh thường miễn chấp, hay không đủ lập luận để bác lại các “luận điệu xuyên tạc” kia? Không ai buộc Hội Nhà văn phải trả lời các phản bác về giải thưởng cả. Thế nhưng sự im lặng – dù bất kì nguyên do nào – ở khía cạnh này, Hội Nhà văn Việt Nam rất dễ tạo hồ nghi về sự bất lực của mình. Qua đó, thơ cách tân thất bại. Và hệ quả là: nền văn chương Việt Nam chịu thiệt.
Dù sáng tạo văn chương là hành trình cô độc, như rất nhiều nhà thơ độc hành trong tìm tòi, thử nghiệm trong thời gian khá dài và đạt không ít thành tựu, nhưng chính các trào lưu, nhóm văn học mới tạo nên không khí sôi động cho văn đàn. Chúng xuất hiện, cạnh tranh nhau để có mặt và tồn tại. Vậy, đâu là diễn đàn độc lập để các trào lưu thể hiện? – Không đâu cả. Báo chí văn học chính thống thường đăng ý kiến một chiều, hiếm khi chấp nhận sự phản biện, những phản biện ở cấp độ mĩ học, chứ không phải ở mấy chi tiết lẻ tẻ, vụn vặt.
Do đó, cuộc cách mạng văn học, nếu có – luôn bị dang dở.
Dẫu sao, qua ý hướng cách tân thơ cũng như sự thâu thái các trào lưu nghệ thuật đương thời trên thế giới cùng việc tiếp nhận tinh thần dân chủ mới, thơ Việt đã có bước chuyển động mạnh. Chuyển động cả ở cách nghĩ, cách làm, và thái độ. Nhã Thuyên dám chơi dám chịu. Ở Lê Anh Hoài, mỗi tác phẩm là mỗi sáng tạo, ngẫu hứng mà thâm hậu. Tuệ Nguyên bên cạnh khẳng định bản sắc Cham, vẫn phản biện quyết liệt cộng đồng ấy với lối nhìn mở. Lê Vĩnh Tài, trên nền hiện thực đa diện của cuộc sống đương thời – đã hư cấu nên nhiều câu chuyện hư hư thực thực qua giọng thơ-truyện mini bỡn cợt độc đáo, và cuốn hút. Không ít nhà thơ nữ không còn quan tâm đến nữ quyền nữa, mà biết rời bỏ cái tôi chủ quan ẻo lả để tương giao ở bề sâu sự vật quanh mình (Phan Thị Vàng Anh), hướng tới suy tư siêu hình (Đỗ Khánh Phương) hay ưu tư thân phận người hiện đại (Lưu Mêlan, Du Nguyên).
Hậu hiện đại giai đoạn đầu với thái độ quá khích [rất cần thiết] phản kháng lại mấy đại tự sự và nỗi hãnh tiến vô lối các loại qua những Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh., Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Lý Đợi… , đã tìm hướng đi nền tảng hơn trong hành trình đổi mới thơ Việt. Lê Văn Tài, Vương Ngọc Minh, Lê Vĩnh Tài, Lê An Thế, Lê Anh Hoài, Tú Trinh, Phan Quỳnh Trâm… đang đi trên con đường gập ghềnh và đầy hoan lạc ấy.
Họ sẽ làm nên bước chuyển mới của thơ Việt ngày mai, hi vọng thế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *