Nguyễn Chế Đôn: Minh triết Chăm

Tagalau 16, NXB Văn học, 2014.

Trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động, xung đột, bạo loạn giữa các tôn giáo, quốc gia, sự ô nhiễm môi trường xét theo nghĩa rộng vật chất lẫn tinh thần, nhất là nền văn minh Internet đang xâm chiếm đến tận làng mạc hẻo lánh, sự có mặt của chương trình Minh triết nói chung và Minh triết Chăm nói riêng là việc làm đầy tính sáng tạo, trí tuệ và thiết thực.
Với tư cách là một nhà văn, nhà thơ Chăm, Inrasara có một lối suy tư toàn cầu, hành động địa phương đã khai thác, soi sáng một di sản văn chương, văn hóa, vận dụng khá linh hoạt, nhuần nhuyễn tạo thành Minh triết Chăm trong cuộc sống của con người.
Người Chăm lưu trú tại dải đất miền Trung Việt Nam đầy khắc nghiệt, sóng gió, nghịch cảnh, binh đao đã lưu lại nhiều dấu ấn kinh nghiệm ý chí về văn hóa đặc thù để sinh tồn và phát triển.
Toàn bộ bài Minh triết Chăm được Inrasara giới thiệu trong 10 tiểu luận thực sự là một túi Khôn sáng – Cẩm nang sống – Chúng ta vô cùng tự hào về một nền văn minh cổ rất quý báu và vô cùng bổ ích, chúng ta thử soi sáng và minh định lại qua các áng văn chương Chăm trong thực tiễn sinh hoạt hàng ngày của cuộc sống.

* * *
17 thế kỷ tồn tại và phát triển, dân tộc Chăm đã kết đúc được một số lượng đáng kể về ca dao, tục ngữ, thành ngữ… Kinh nghiệm sống phong phú, ý chí và tinh thần Trung dung được Inrasara khai thác thấu đáo trong thơ Ariya Glâng Anăk, Poh Chatôi bao hàm nhiều điểm sáng, quan hệ xã hội, tôn giáo, chế độ mẫu hệ.
Tinh thần hài hước và hóa giải hận thù theo tinh thần: hòa bình tâm thể, hóa giải hận thù, hòa đồng tôn giáo, giao hòa vũ trụ, hòa hợp muôn loài. Trên tinh thần “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” thì nghệ thuật và kinh nghiệm sống rất quan trọng để giải quyết vấn đề.
Di lôk ni prong yom ia tathik
Ra ngak kapal bloh đik, takê di ngok jalah riyak. (Glâng Anăk)
(Rộng trên đời này rằng biển cả,
Người đóng thuyền rồi đi trên mặt nước).
Qua câu trên thấy rõ: mọi trở ngại, khó khăn đều có cách tháo gỡ khắc phục. Bàn rộng theo triết lý phương Đông, có lẽ không ai phủ nhận được giá trị rộng lớn của chữ NHẪN:
Nhịn một lát sóng yên biển lặng,
Lùi một bước trời rộng thênh thang.
Giá trị của chữ NHẪN, được thể hiện rõ trong mối quan hệ chằng chịt, phức tạp của cuộc sống.
Mưthi mưthâm, tahu tahang, rahi raha,
Ra buh apuy, pađâm sara, urang payăk hanim ka drei. (Glâng Anăk)
(Mặn chua, khô khát, cơ cực
Người nhóm lửa, ướp muối, đãi phúc cho mình).
Rõ ràng trong cuộc sống, hạnh phúc và đau khổ là cặp phạm trù song hành, hai mặt trong một thể thống nhất có đắng cay, ngọt bùi. Có đau khổ ta mới cảm nhận hết được giá trị của hạnh phúc và càng biết trân trọng mọi vấn đề của cuộc sống. Hiểu một cách thấu đáo hơn là con người phải NHẪN trong lúc đói, rét, thất bại, rủi ro nghịch cảnh…
Jhak thong siam dok ngok dêbita
Padơh tăk năn ưn ka, thei likâu jang ô hu. (Glăng Anăk)
(Xấu hay lành còn ở Đấng chí tôn,
Ngưng nơi đây nhịn đã, ai xin cũng không được).
Nói cụ thể là mọi vấn đề chỉ là hiện tượng, chỉ là thử thách và rất mỏng manh, nên phải kiên nhẫn.
Dân tộc Chăm quan niệm tất cả tốt xấu, họa phúc đều do chính bản thân con người gây ra, vì thiếu kinh nghiệm kiến thức nên con người phải chịu bao hệ lụy phiền muộn:
Duis săk dok dalâm ciêw đih
Pôic ligeh nhu nao abih, hanim rok păk anăk.
(Tội lỗi ở trong chăn chiếu ngủ
Ăn nói thuận thì nó đi hết, phúc đức về đón phía trước)
Và: Ô thei ngăk di drei ô hai
Tamuh di hatai drei ngăk di drei (Poh Chatôi)
Chẳng ai gây tội cho mình,
Tâm mình sanh sự, mình hại mình thôi.
Đúng là Minh triết quá thâm thúy. Ý thức được tất cả mọi tai họa xấu tốt và lành hay dữ đều do chính bản thân mình, nên phải chọn cách sống khôn ngoan: Sống thuận theo thiên nhiên:
Ia bhông ikan jang bhông
Jan ngok ralông ôh hu halâu (Poh Chatôi)
(Nước hồng con cá cũng hồng
Nước mưa trên ngàn không có nguồn)
Mọi hiện hữu đều do nhân duyên – chỉ là hiện tượng nên chúng ta phải sống hợp với đạo theo tinh thần Trung dung của Tử Tư: cái Trời phó cho gọi là cái Tính, noi theo Tính gọi là Đạo, sửa cho hợp theo Đạo gọi là Giáo. Mừng giận thương vui chưa phát ra gọi là Trung, phát ra mà đều trung triết gọi là Hòa.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, dân tộc Chăm đã chịu ảnh hưởng nhiều nền văn hóa từ Ấn Độ và Hồi giáo, rất may mắn, dân tộc Chăm nhờ có thái độ dung hòa sáng suốt nên đã hóa giải nhiều sự phức tạp về mặt trái của tôn giáo. Thật đáng tự hào khi vua Pô Rômê với tinh thần minh triết đã giải quyết vấn đề tôn giáo bằng cách kết hợp Đạo Islam và Đạo Bà La Môn thành Đạo Bà-ni nên xung đột giữa các tôn giáo Bà La Môn và Islam được giải quyết êm đẹp rốt ráo. Không nơi nào trên thế giới lại hiện hữu việc Đạo giáo này lại dâng đồ cúng và tôn thờ Đạo khác và ngược lại. Nói một cách chính xác là hai Đạo Bà-ni và Bà La Môn được ví như Âm và Dương, đều tồn tại một cách song hành trong một thể thống nhất.
Inrasara đã trình bày vấn đề này rất rõ ràng và sáng suốt trong 10 bài tiểu luận Minh triết Chăm. Minh Triết nổi bật nhất: vì dung hòa được các tôn giáo (Bà-ni và Bà La Môn Chăm), nên cuộc sống rất yên bình, đoàn kết. Đạo giáo đã thể hiện cao độ được tính từ bi, cứu độ chúng sanh vượt qua các thác ghềnh của cuộc đời. Khổng Tử nói thật chí lý: “Con người làm cho Đạo lớn rộng chứ Đạo không làm cho con người lớn thêm”.
Ảnh hưởng trực tiếp từ tính Minh triết của tôn giáo Chăm nên thái độ sân hận được giải quyết một cách triệt để và đầy tính nhân bản.
Trong hoàn cảnh đất nước bị lâm vào cảnh hoang tàn của binh đao, Ariya Glăng Anăk được coi như phao cứu sinh, cưu mang cả bể khổ cuộc đời cuộc người. Người ta tìm đến nó như là một cứu cánh của sinh phận chìm nổi trong trò chơi xoay vần của tạo hóa. Điều cụ thể phải nói là: Chăm không biết căm thù và nuôi dưỡng sự hận thù – một thái độ thật nhân hòa và khôn ngoan đầy triết lý:
Ginong?
Ô bih hong di glai, ô bih tapay di ganôr,
… Ô bih ak di thruh
Ô bih takuh di labang, ô bih yang di kalăn
Ô bih drăn di tanưh.
(Giận ư?
Đâu hết thỏ trong rừng, đâu hết ong trong tổ,
… Đâu hết quạ trong tổ, đâu hết chuột trong hang
Đâu hết Yang trong tháp, đâu hết bọ dưới đất).
Từ kinh nghiệm thực tế ta thấy được tính Minh triết của câu thơ: Nóng giận không giải quyết được vấn đề, mặt khác nó làm cho vấn đề phức tạp thêm. Tai hại trực tiếp sẽ giáng xuống đầu nguồn thủ tâm sâu hận, kế tiếp là: “No mất ngon, giận mất khôn”.
Vì: Bbôh mưbai thong janưk dôm ôn,
Dhăr phôr calah calôn urang mưk di drei nao dahlâu (Glăng Anăk)
(Thấy thù oán biết bao là mừng vui
Phước đức thất tán, người ta lấy đi trước rồi).
Khi khởi lên tâm sân hận là mất đi tính mầu nhiệm của chữ TÂM – hệ quả của nó là bao nhiêu phước đức, ân sủng sẽ bị thất tán – thật là chí lý khi nhà Phật có câu: “Một đốm lửa sân đốt cháy rừng công đức” để khuyên chúng sinh: “Lấy oán báo oán, oán ấy chồng chất, lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan”.
Vì: Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Đúng như vậy chỉ có chữ TÂM mới có thể cứu chuộc con người khỏi sự vô minh, cái nhân của luân hồi đau khổ.
Tha pakar ghăk abih grâup ia,
Jhak hadôm pataba, ginong habăr ba pasiam.
(Có một điều ngăn cản đến các Quốc gia
Xấu bao nhiêu cũng nên giảm bớt, giận bao nhiêu cũng nên làm lành).
Nếu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều có một thái độ như trên thì tiếng “hòa bình” sẽ không phải là điều “không tưởng” trong hoàn cảnh thế giới đang giải quyết các vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn bằng vũ khí tối tân… Dân tộc Chăm được tắm trong minh triết đầy ấp tính “nhân văn”:
Mưbai janưk nao hapăk gâm di drei
Ukăn mưrai mưng halei, dok dalâm rup ita
(Hận thù nơi đâu dính vào mình
Chẳng phải từ đâu đến (mà) ngay trong thân ta).
Hay nói theo Nhà Phật: “Kẻ thù lớn nhất của con người chính là bản thân mình”.
Hệ quả trực tiếp của Minh triết ấy là: Chăm rất hài hước, yêu văn nghệ như Inrasara nhận định: “Văn hóa Chăm là văn hóa đùa vui, chịu chơi cả trong đau khổ”. Thực tế đã trả lời cho câu nhận định trên: Chăm có rất nhiều lễ hội, có 76 điệu trống ginăng và 125 vị thánh. Trong lễ Rija ta thấy được nghệ thuật bi hài qua tiếng trống ginăng cùng tiếng kèn saranai véo von, dặt dìu trầm bổng như đưa con người vào thế giới thần tiên để say sưa hoan lạc đầy tính linh thánh.
Thông điệp của lễ hội: Tôn vinh và tri ân các vị thần, Yang có công đức trong việc cải thiện đời sống và thăng hoa con người đến CHÂN, THIỆN, MỸ.
Được hiện hữu là niềm vui, dân tộc Chăm cười trong mọi hoàn cảnh, trong lúc lao động, mùa màng, lúc nông nhàn… Đúng như nhà tư tưởng đã có câu: “Đời dù sướng hay khổ thì cũng rất đẹp”! Cười làm cho con người thêm sức khỏe, thông minh, minh triết, thật có lý: một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.
Một điểm sáng không kém phần quan trọng là chế độ Mẫu hệ Chăm. Đây là nét văn hóa phải nói là rất hiếm có ở trên thế giới.
Xét xưa và nay không ai phủ nhận vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội – đàn bà là nội tướng: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Một gia đình hạnh phúc là một nền tảng của một xã hội lành mạnh: “Khi nhìn vào mỗi gia đình, ta sẽ thấy hình bóng đất nước” (Mahathir Mohammad). Chế độ Mẫu hệ rất phù hợp và thuận lợi cho việc sinh hoạt đời sống xã hội, duy trì, bảo tồn và phát triển của dân tộc Chăm.
Nét đặc biệt đáng trân trọng: tuy là Mẫu hệ nhưng phụ quyền, con cái theo họ cha – vai trò của người cha, người chồng được tôn thành thầy, có quyền quyết định và ở vị trí cao trong gia đình.
Chính vì vậy mà câu thơ réo rắt qua sự ví von:
Kamei jhak binai yâu kra
Hu likei dok taphia, hadah yâu amưh
(Đàn bà xấu tựa ma lem
Có chồng bên cạnh sáng hơn vàng mười).
Quan hệ và vai trò của phụ nữ được phân định rạch ròi:
Adat drei kamei khik thang
(Phận gái thì chăm nom nhà cửa).
Hay: “Likei dâng di mưsuh, kamei dâng di mưnưk”
(Đàn ông cho chiến đấu, đàn bà cho sinh nở).
Để cho đàn ông được nhẹ bớt trách nhiệm gia đình, lo toàn tâm cho việc chiến đấu, chống chọi với mọi nghịch cảnh, đàn bà phải quán xuyến công việc giáo dục dạy dỗ, bếp núc và tổ chức sinh hoạt trong gia đình. Cũng nhờ vào chế độ mẫu hệ, cha mẹ khi về già thì được con cái chăm nom, nuôi dưỡng rất chu đáo, khác với phương Tây: người già chỉ ở trong viện dưỡng lão.
Tôi đánh giá cao và cảm thấy hạnh phúc về việc khai phá đề tài này của Inrasara. Đây là việc làm thiết thực rất bổ ích, nhất là trong bối cảnh của nền văn hóa Internet – bên cạnh những cái lợi lại tồn tại nhiều hệ quả tiêu cực khôn lường.
Tôi rất tâm đắc với nhà thơ Inrasara đã biết khai thác, soi rọi và vận dụng nền văn hóa, văn minh Chăm một cách đúng đắn và toàn diện theo tinh thần Minh triết – Một túi khôn sáng cầm tay.
Toàn bộ 10 bài Minh triết Chăm của Inrasara đã toát lên thái độ trung dung và nhân hòa theo tinh thần: “Thuận thiên không bằng lợi đất, lợi đất không bằng nhân hòa”. Platon quả thật là sáng suốt và minh triết khi nhận định: “Cái khám phá vĩ đại nhất của con người là chúng ta muốn thay đổi hoàn cảnh cuộc đời thì chỉ cần thay đổi thái độ sống”.

Chú thích: Tất cả chữ Chăm trong bài này đều được phiên âm theo nguyên tắc của D. Blood.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *