THẾ NÀO LÀ MỘT NỀN VĂN HỌC TỰ DO 3&4

3. Tự do xuất bản và in ấn
Thế nhưng, tự do sáng tạo để làm gì, nếu nền văn học đó không nhận được sự tự do in ấn, xuất bản? Tác giả có thể tự do muốn viết gì viết, cả tự do post lên mạng, in photocopy tặng văn thi hữu, ôm bản thảo chạy ra nước ngoài, hoặc giả cứ chạy giấy phép in để bị thu hồi, hay thậm chí – chịu tù tội. Hoặc, tác phẩm xong cứ cất trong ngăn kéo, sau đó kẻ sáng tạo tiếp tục dấn tới, chờ đợi thế hệ độc giả tương lại mơ hồ nào đó đón nhận.
Hỏi kẻ sáng tạo hôm nay, ai còn đủ tự tin và kiên nhẫn chờ đợi sự công nhận ở tương lai mơ hồ đó? Và để làm gì, cái sự tự do chờ đợi đến kiếp sau kia?

Tác phẩm đương đại cần được in ra để độc giả [giấy, mạng] đương thời đọc, thảo luận, phê phán. Qua cuộc cạnh tranh lành mạnh và sòng phẳng, trào lưu [hay tác phẩm, tác giả…] nào dở, kém và lạc hậu sẽ bị đảo thải. Tương tác giữa tác giả và người đọc [trên báo chí, diễn đàn] tạo không khí sôi động cho một nền văn học, làm cho văn học thực sự sống. Không khí tự do kích thích kẻ sáng tạo khám phá, tìm tòi hướng về cái mới, mở.

4. Tự do dạy và học
Sinh viên Đại học là độc giả tiềm năng của văn học ở tương lai. Thế nhưng, nền giáo dục [khoa văn] chúng ta hôm nay chuẩn bị gì cho họ? – Không gì cả! Triết học, mĩ học và các trào lưu văn học mới nhất trên trên thế giới, chúng ta KHÔNG.
Triết học sinh viên đang học trong nhà trường là nền triết học Theo-ism: nghĩ theo, rồi sau này sẽ nói theo. Trong khi cái tiên quyết của một chương trình triết học đúng nghĩa luôn dạy cho sinh viên tinh thần phản biện, ta thì – không! Không dám [không biết] phản biện thầy, nói chi phản biện xã hội.
Văn học, ta dạy gì? Không gì cả, ngoài các trào lưu đâu đã lưu kho từ thế kỉ XIX: lãng mạn, hiện thực, tượng trưng, thỉnh thoảng có vài món siêu thực hay hiện thực huyền ảo, để làm dáng là chính. Nếu giáo sư nào có chịu chơi, thì chêm vào vài món mới, để gọi là có hội nhập văn học thế giới. Vậy thôi.
Không biết gì về các trào lưu lớn của nền văn học lớn trên thế giới, không rành các thao tác tiếp cận văn học mới, ra trường, các độc giả văn học tiềm năng này sẽ tiếp nhận sáng tác mới ra sao? Vẫn cứ thái độ bảo thủ, vẫn cứ lối đọc xưa cũ – mà phán. Độc giả cụ non văn học này nguy cơ kéo văn học trì trệ còn hơn cả thái độ bảo thủ của thế hệ trước đó.
Văn học Việt Nam về đâu?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *