THẾ NÀO LÀ MỘT NỀN VĂN HỌC TỰ DO 1&2

01. Tự do sáng tạo
Ở đó người viết có toàn quyền sáng tạo. Hắn đi xuống tận cùng nỗi cô đơn của sáng tạo: tầng cô đơn thứ ba. Cô đơn trước, trong khi viết, cô đơn cả sau khi tác phẩm đã ra đời.
Bước vào bàn giấy, hắn không để bị tên tuổi lớn nào đó ngáng đường qua tâm thế nhún nhường đáng thương hại. Không có Nguyễn Du hay Tolstoi, không có Kafka, Char hay Dos ở đó. Trước và sau hắn là khoảng trắng mênh mông đầy bất trắc. Mình hắn cô độc đối diện với vấn đề cùng sự mù mờ của tác phẩm sắp hình thành.

Trước trang giấy [hay màn hình] trắng, hắn càng cô đơn hơn bao giờ. Kẻ sáng tạo vật lộn với cả đống ngôn từ dậy lên trong hắn đòi quyền có mặt. Chỉ ý tưởng, ngôn từ và cách thể hiện, mà không là gì khác. Hắn không bị ám ảnh bởi giọng nói mơ hồ nào đó: từ truyền thống xa xăm hay từ thực tế cuộc sống lù lù. Dao kéo kiểm duyệt hay dư luận xã hội; đảng phái chính trị hay tông phái tôn giáo; bằng hữu, con cái, sinh viên, thậm chí nhà phê bình nghĩ gì – mặc!
Cuối rốt, hắn cần giữ sự cô đơn khi tác phẩm ra đời. Nó đã xong. Nó thuộc về xã hội, và không còn là của mình nữa. Nó được khen ngợi, tốt. Còn nếu nó bị tấn công, cứ bỏ mặc nó tự bảo vệ chính nó, hắn cần độc hành lên đường cho công cuộc khai phá mới.
Nhà văn hôm nay, ai đã đủ cô đơn cho sáng tạo?

02. Tự do cho mọi trào lưu
Sáng tạo văn chương là sáng tạo cô độc. Thế nhưng chính các trào lưu làm nên sự phong phú và sôi động của một giai đoạn văn học. Cô độc, kẻ sáng tạo có thể đóng cửa viết; còn với một trào lưu thì cần đến một nhóm người cùng quan điểm và đồng chí hướng. Nhóm người đó cần diễn đàn độc lập: tạp chí, báo, website… Ở đó, trào lưu văn học kia tự do đăng các sáng tác, nghiên cứu, phê bình, thảo luận và tranh luận [với các tác giả, trào lưu khác]…
Một nền văn học tự do cần chấp nhận và tạo điều kiện cho mọi trào lưu và mọi hệ mĩ học ra đời và tồn tại. Chúng ra đời, phát triển và cạnh tranh nhau trong không khí văn học lành mạnh. Cạnh tranh lành mạnh, chúng thúc đẩy và hỗ trợ nhau đồng phát triển, chứ không phải hạ bệ hay triệt tiêu nhau. Để giành phần độc quyền. Với văn học, nghệ thuật không gì tai hại hơn là thái độ áp chế hay độc quyền diễn đàn. Độc quyền sanh ỉ lại, ù lì, và nhàm chán.
Đi theo một trào lưu, trường phái không phải là tinh thần bầy đàn hay phe phái, mà ngược lại, nó thể hiện tinh thần khai phá mang tính mĩ học của nhóm người viết trẻ. Trên nền tảng đó, mỗi người thể hiện phong cách độc đáo của riêng mình. Có người theo đuổi đến cùng, có kẻ bỏ nửa chừng, tự vạch một lối đi riêng – không vấn đề. Chủ nghĩa siêu thực chẳng hạn, theo tinh thần “Tuyên ngôn siêu thực”, những Breton, Éluard, Aragon, Char, Soupault… tạo lập phong cách riêng, và họ đã làm nên sự nghiệp lớn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *