Inrasara: Hứa hẹn gì về quảng bá văn học Việt Nam?

đã đăng Tiền Phong Chủ nhật, 8-3-2015, với tít: “Không đương đại, không người trẻ”
2015-HoangKimĐang03
Ngày thơ Việt Nam năm nay có đổi mới đáng kể. Đáng kể, bởi nó kết hợp được cả ba: Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương với Hội nghị Quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam. Công cuộc kéo dài đến cả tuần lễ, khởi từ ngày đầu tháng 3-2015 tại nhiều địa bàn khác nhau thuộc Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Ninh. Quy tụ 151 đại biểu quốc tế đến từ 43 quốc gia và các vùng lãnh thổ; các nhà văn, nhà thơ, dịch giả tiêu biểu đến từ khắp các vùng miền trên cả nước đến với Festival, không là chuyện nhỏ. Nhưng ta đã làm được gì?
Ngoài các hoạt động mang tính trình diễn hay tổ chức cho đoàn khách sinh hoạt ngoài lề như tham quan Vịnh Hạ Long, thưởng ngoạn Quan họ Bắc Ninh, hay dẫn đoàn đi lễ Dâng hương danh nhân Cao Bá Quát ở ngày cuối cùng, điểm nhấn của Festival là hội nghị được phân làm hai bộ phận khác nhau tại Hội trường Nhà khách Quân đội.
Hội thảo về văn xuôi với tiêu đề: “Văn xuôi Việt Nam – Hội nhập và phát triển” do Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì; và Hội thảo mang chủ đề “Thơ Việt – Nơi lưu giữ tâm hồn Việt” do Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam điều hành.
Nếu bên văn xuôi, tham luận “Văn xuôi Việt Nam hiện đại trong hội nhập và phát triển” của Giáo sư Phong Lê mở đầu hội thảo, đưa các vị khách quốc tế hành trình xuyên một thế kỉ văn xuôi Việt Nam, hay phát biểu của nhà văn lão thành Nguyễn Xuân Khánh (tác giả tiểu thuyết trường thiên: “Mẫu Thượng Ngàn, “Đội gạo lên chùa”) hoặc tham luận của nhà văn quân đội đang kì sung sức: Sương Nguyệt Minh gây ấn tượng; thì ở hội thảo thơ, qua đề dẫn “Hội thảo Quốc tế Thơ Việt – Nơi lưu giữ tâm hồn Việt”, nhà thơ Bằng Việt khái quát được nét chung nhất của tâm hồn Việt thể hiện qua thơ ca; và nền tảng chung ấy vẫn còn truyền thừa đến hôm nay. Các tham luận đáng chú ý khác của nhà thơ Vũ Quần Phương (“Phác thảo tiến trình thơ Việt”), nhà thơ Vương Trọng “Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du thấm đẫm tâm hồn dân tộc”, nhà thơ người Chăm Inrasara (“Văn hóa biển Chăm làm đầy lịch sử Việt Nam [thể hiện qua thi ca]”)… cùng vài cảm nhận tinh tế của các vị khách quốc tế, là nhà thơ, dịch giả thơ, rất được hoan nghênh.

Nghĩa là chỉ có ta ca ngợi ta, ca ngợi suông vậy thôi. Thêm bạn văn quốc tế tham gia ca ngợi ta. Thế nhưng, đâu là vật chứng? Khoảng không gian các panô thơ chỉ có xuất hiện các nhà thơ thế hệ chống Mỹ tiêu biểu mà không thấy đâu tác giả đương đại, trong khi đại đa số họ đang bước sang tuổi lục thập rồi còn gì. Và cả các nhà thơ trẻ nổi lên mươi năm qua nữa? Không có tham luận, sự có mặt của thế hệ này ở Festival thơ càng không. Trưởng Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn ở đâu? Hay họ không được phân công?
Nhìn cách toàn cảnh, thơ Việt Nam hiện nay đang ở đâu? – Không ai biết.
Khách ngoại quốc muốn nhìn tận mắt các tập thơ của các nhà thơ tiêu biểu nhất, cũng không thấy. Ở Hà Nội không, ở Bắc Ninh hay Quảng Ninh cũng không. Phần thơ được đọc thì đến một nửa là thơ trung bình. Ta ưu tiên cho bạn diễn, nhưng bạn, hoặc do lực bất tòng tâm và phần nào đó một vài vị do tiếng Anh yếu [nhưng thích nổ] nên mấy bận khiến người nghe ngỡ ngàng. Đọc cả ba ngữ: bản ngữ, tiếng Anh và tiếng Việt thì cần thiết; nhưng tại sao có vị không rành tiếng Anh vẫn cố gắng đọc tiếng Anh cho bằng được? Lối “đánh vần thơ” ấy vừa mất thì giờ, mà chẳng được gì cả lại phản tác dụng.

Có thể khẳng nhận rằng non tuần Liên hoan, ta giới thiệu đất nước Việt Nam nhiều hơn là quảng bá văn học theo đúng nghĩa của nó. Nhưng Festival thơ để làm gì nếu không tạo được mối liên kết bền chặt qua sự giới thiệu được nền thơ độc đáo của dân tộc, trình làng quốc tế các khuôn mặt thơ Việt Nam tiêu biểu, và nhất là giới thiệu được các giọng thơ hay, để họ hào hứng “đưa” thơ Việt ra thế giới?
Ta tiêu phí không ít tiền bạc, công sức và thời gian cho các tiết mục múa hát là chuyện rất phụ, ta hi sinh cả Sân thơ trẻ để cho các vị khách quý trình diễn thơ của mình ở sân thơ Văn Miếu nữa, nhưng để làm gì? Trong khi trọng tâm của quảng bá văn học [ở đây là thơ] là đưa ra hiện vật/ tác phẩm thì ta không có một thao tác nào đáng kể. Hoàn toàn không. Giao lưu trực tiếp và chuyên sâu như tổ chức bàn tròn để các bên cùng trao đổi: tác phẩm, ý tưởng, dự án dịch thuật và xuất bản cụ thể cũng không nốt. Biết thân biết phận, một, hai nhà thơ tự thân vận động, bằng cách chạy đôn đáo tiếp thị tập thơ mình với bạn thơ nước ngoài, thấy mà tủi.
Vài thi nhân nước ngoài lắc đầu ngán ngẫm. Như ở Quảng Ninh: về tiết mục văn nghệ kéo dài non tiếng đồng hồ, về sự phân phối không đều thời đoạn của mỗi mục đọc thơ (nhà thơ Pakistan chiếm trọn 18 phút đồng hồ để phi lộ, đọc, và giảng), qua đó chương trình kéo dài quá sức chịu đựng (gần 23 giờ khuya).
Đại diện một nhà xuất bản Úc than phiền không thấy đâu tác giả Việt Nam tiếp cận ông để ông nhận được cơ hội tìm đối tác. Tại sao không thể chọn khoảng trăm tác giả thơ đương đại (xuất hiện sau 75 và cả tác giả trẻ) tiêu biểu, mỗi tác giả 20 bài thơ tiêu biểu bằng 2-3 ngữ phổ quát in thành tập nhỏ – như nhà thơ nữ Thổ Nhĩ Kì Mūesser Yeniay đã làm cho riêng mình, mang theo để PR cho chính mình – để tăng cho các vị khách quan tâm? Qua đó, họ có thể tìm đến [gặp] làm việc trực tiếp với tác giả thích hợp? Hay ít ra ta cũng nên dành một phòng riêng như là khoảng không gian thông tin để mọi người đến đó gặp mặt trao đổi, tặng sách?
Một tuần trôi qua với hội hè và thăm thú đủ đầy, nhưng đâu là chất lương và hiệu quả qua cách quảng bá văn học như thế?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *